Ngân hàng nhà nước “siết” tín dụng vào bất động sản
Ngân hàng siết chặt tín dụng
Theo lãnh đạo Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA), tại Nghị quyết 01 của Chính phủ có một số nội dung liên quan trực tiếp đến thị trường bất động sản. Trong đó có yêu cầu, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, trong đó có lĩnh vực bất động sản.
Vào cuối năm 2017 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 19 quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, đã cho phép các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn theo tỷ lệ tối đa theo lộ trình sau: Từ ngày 01/01/2018 đến ngày 31/12/2018 là 45% và từ ngày 01/01/2019 là 40%.
Đồng thời, vẫn quy định nhóm tài sản có hệ số rủi ro 200% là các khoản phải đòi để kinh doanh bất động sản như Thông tư 06. Hạn chế mức độ tập trung tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, xây dựng, cân đối nguồn vốn, sử dụng vốn để cho vay trung và dài hạn, đảm bảo khả năng thanh khoản.
Bên cạnh đó, thường xuyên rà soát, đánh giá và theo dõi tiến độ của các dự án bất động sản, năng lực tài chính của khách hàng, khoản tín dụng và tài sản bảo đảm để có biện pháp xử lý thích hợp. Kiểm soát tốt chất lượng tín dụng tiêu dùng, nâng cao hiệu quả công tác xét duyệt hồ sơ, đặc biệt là các điều kiện vay vốn để hạn chế rủi ro phát sinh, giám sát chặt chẽ việc sử dụng vốn cho vay tiêu dùng nhưng thực chất là để đầu tư kinh doanh bất động sản.
Hạn mức cho vay của ngân hàng cho doanh nghiệp bất động sản được kiểm soát khá chặt chẽ, cân đối và thẩm định hồ sơ cho vay bất động sản khá an toàn. Ví dụ như chỉ cho vay khoảng 70% trong căn hộ 3 - 4 tỷ, mà giá bất động sản hiện nay không phải là giá ảo, khá an toàn vì tăng GDP 6,81% còn tăng bất động sản chỉ 4,5%.
Trước bối cảnh này, HoREA cũng khuyến nghị đến các doanh nghiệp bất động sản cần đảm bảo hiệu quả kinh doanh, chuẩn bị được quỹ đất, chú trọng chất lượng công trình, tiến độ thực hiện dự án, tính minh bạch trong quản trị doanh nghiệp, đảm bảo lợi ích khách hàng... để đủ điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng ngân hàng theo chính sách mới hiện nay.
Phân khúc nào lên ngôi
Trong năm 2018, phân khúc nhà ở xã hội dành cho thu nhập thấp được tập trung vào nhu cầu ở thực, kỳ vọng sẽ dẫn dắt thị trường trong thời gian tới, với yếu tố kích cầu chính đến từ việc hệ thống hạ tầng ngày càng hoàn thiện trên khắp địa bàn Hà Nội. Tỷ lệ bán dự báo tiếp tục có xu hướng tăng đến cuối năm 2018, đặc biệt ở thị trường phân khúc nhà ở bình dân.
Làn sóng nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp hình thành trên thị trường không chỉ như chiếc “phao cứu sinh” mà còn trở thành cơ hội với nhiều nhà đầu tư. Với hàng loạt những chính sách ưu tiên, hỗ trợ đi theo phân khúc nhà ở xã hội, doanh nghiệp (DN) sẽ được miễn tiền sử dụng đất, ưu đãi về thuế thu nhập DN còn 10%, được vay vốn lãi suất 6%/năm trong 5 năm…
Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (Ho REA), thị trường bất động sản năm 2018 sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực và ổn định hơn năm trước. Trong đó, phân khúc thị trường căn hộ vừa túi tiền có 1-2 phòng ngủ, có giá bán trên dưới 1 tỷ đồng/căn vẫn là phân khúc chủ đạo và có tính thanh khoản cao nhất của thị trường bất động sản. Phân khúc nhà ở xã hội sẽ phát triển mạnh hơn và phân khúc thị trường cao cấp sẽ có sự tái cấu trúc mạnh mẽ để phù hợp với sức mua của thị trường.
Hiệp hội này cũng nhận thấy, khó có thể xảy ra "bong bóng" bất động sản trong năm 2018. Lý do là có sự can thiệp, điều chỉnh ngày càng kịp thời và hiệu quả của Nhà nước và do các doanh nghiệp cũng sẽ nỗ lực tái cơ cấu đầu tư, định hình lại sản phẩm phù hợp nhu cầu của thị trường. Cùng với đó, các nhà đầu tư thứ cấp và người tiêu dùng ngày càng tỉnh táo và am hiểu thị trường bất động sản hơn.
End of content
Không có tin nào tiếp theo