Ngân hàng sắp hạ lãi suất?
Đua nhau giảm lãi suất kỳ hạn dài
Trước đó, đón đầu xu hướng giảm lãi suất, các ngân hàng đã chủ động hạ lãi suất kỳ hạn dài (trên 12 tháng) từ 0,5-1%/năm. Trong khi huy động tiền gửi ngắn hạn vẫn rất sôi động, thậm chí một số nhà băng nhỏ vẫn chào mời lãi suất tới 11-12,5%/năm.
Theo ông Cao Sỹ Kiêm, thành viên HĐQT độc lập Ngân hàng Đông Á, nếu CPI tháng 12 tăng thấp, dưới 0,5% thì có điều kiện để giảm lãi suất huy động. Ông Kiêm dự đoán: “Lãi suất huy động có thể sẽ giảm về 8%/năm (mức trần đang 9%-PV), kéo theo giảm lãi suất cho vay. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước quản lý chặt chẽ phí ngân hàng, thì lãi vay có thể giảm về 12%/năm trong năm 2013”.
Trong vòng 1 tuần qua, nhiều ngân hàng lớn đã điều chỉnh giảm lãi suất kỳ hạn trên 12 tháng, chẳng hạn như Vietinbank, ACB, Eximbank, Techcombank… đã đưa lãi suất về mức 11,5-12%/năm.
Hiện, lãi suất huy động cao nhất tại Techcombank là 11,5%/năm, VPbank 12%/năm, MB 11%/năm…Ở khối ngân hàng thương mại nhỏ, sau một thời gian dài neo lãi suất tối đa 13%/năm (mức cao nhất thị trường), Ngân hàng Bắc Á đã giảm nhẹ 0,5%, xuống còn 12,5%/năm với kỳ hạn trên 12 tháng.
Mặc dù trong diện phải tái cơ cấu, Ngân hàng GP bank cũng vừa giảm lãi suất từ 12,5% xuống còn 12% đối với kỳ hạn từ 12-36 tháng. Trong khi đó, lãi suất kỳ hạn ngắn dưới 12 tháng vẫn phổ biến ở mức 8,5-9%/năm theo đúng quy định về trần lãi suất của NHNN.
Phó tổng giám đốc một ngân hàng nhỏ tại Hà Nội cho biết: “Nếu Ngân hàng Nhà nước công bố giảm lãi suất huy động 1%, chúng tôi sẽ giảm ngay lãi suất kỳ hạn ngắn. Nhưng mức giảm còn tùy thuộc diễn biến của thị trường. Còn lãi suất cho vay sẽ giảm chậm hơn”.
Theo vị lãnh đạo này, thời gian qua, các nhà băng vẫn lấn cấn chưa giảm lãi suất vì huy động vốn khó khăn, cạnh tranh gay gắt. Việc giảm dư nợ, nhất là xử lý nợ xấu không hề dễ dàng khiến ngân hàng vẫn phải tăng nguồn dự phòng thanh khoản.
Vẫn vi phạm lách trần
Trong khi đó, một cán bộ ngân hàng nhỏ tại phía Nam than vãn: “Giờ khách hàng khôn lắm, cứ thấy chỗ nào lãi suất cao là chạy sang ngay. Sáng nay, tôi vừa huy động được 1 tỷ đồng thì khách hàng đến rút mất 500 triệu đồng rồi. Hỏi ra mới biết, có ngân hàng khác chào mời lãi suất cao hơn, tới 13,5%/năm”.
Theo cán bộ này, thời gian qua, ngân hàng vẫn phải chi thêm tiền cho khách hàng, núp dưới dạng phiếu quà tặng, tương ứng lãi suất 11,5%/năm cho kỳ hạn từ 1 tháng. Hiện, lãi suất tiền gửi cao nhất ở ngân hàng này là 12,5%/năm.
Tuy thế, cán bộ này vẫn không giữ chân được khách hàng. Đau nhất là cả khách hàng truyền thống với món tiền gửi lớn cũng rũ áo ra đi. Trong khi đó, có nhà băng dư thừa vốn nhưng vẫn chỉ đạo chi nhánh, phòng giao dịch hút tiền gửi để đảm bảo thanh khoản, đề phòng sự cố.
Tâm lý sợ mất khách hàng khiến các ngân hàng nhìn nhau, không dám hạ lãi suất. Do đó, đến thời điểm này, các ngân hàng vẫn đang chờ chỉ đạo chính thức của Ngân hàng Nhà nước để tiến hành giảm lãi suất.
Nhận định về diễn biến lãi suất, ông Trịnh Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế của Maritimebank cho rằng: “Mặc dù Chính phủ đã chỉ đạo hạ lãi suất từ cuộc họp thường kỳ tháng 11, nhưng đến giờ Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa hạ lãi suất, cho thấy sự thận trọng hết sức của nhà điều hành. Nếu CPI tháng 12 tăng 0,5% thì không có áp lực lạm phát, giúp lãi suất có thể giảm 1%”.
Theo đó, trong thực tế, lượng vốn huy động của ngân hàng đã gấp đôi thì nguy cơ lãi suất tăng vọt gần như không có. Do đó, lãi suất có thể sẽ giảm nhẹ vào quý I năm sau.
Đoàn Huế (Theo Tiền Phong)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá ngoại tệ ngày 22/11/2024: USD đạt đỉnh 13 tháng, chạm mốc 107,05 điểm
Giá vàng trong nước ngày 22/11: Tiếp tục tăng mạnh
Đề xuất ưu đãi thuế cho doanh nghiệp doanh thu thấp
Giá vàng thế giới: Tăng mạnh, đạt đỉnh hơn một tuần qua
Giá nông sản ngày 22/11/2024: Cà phê, hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh
Giá heo hơi ngày 22/11/2024: Duy trì trạng thái ổn định trên cả nước