Ngân hàng Thế giới: Kinh tế thế giới tăng trưởng chậm hơn nhưng phục hồi vững chắc hơn
Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 10-6 đã giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu của tổ chức này, với các lý do tình hình bất ổn ở Ukraine và thời tiết lạnh bất thường ở Mỹ trong nửa đầu năm 2014.
WB ước tính nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 2,8% trong năm nay, thấp hơn so với mức dự báo 3,2% mà tổ chức này đưa ra hồi tháng 1, nhưng WB cũng bày tỏ sự tự tin rằng kinh tế thế giới đang phục hồi vững chắc hơn.
Trong báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu công bố hai năm một lần, WB nói những căng thẳng giữa Ukraine và Nga đã làm suy giảm lòng tin của giới đầu tư trên toàn thế giới. WB cũng giảm dự báo tăng trưởng của Mỹ từ 2,8% xuống còn 2,1% do những thiệt hại vì thời tiết đầu năm nay.
Nền kinh tế Mỹ đã lại tăng trưởng âm lần đầu sau ba năm hồi phục ở quý 1-2014, nhưng đang có những dấu hiệu khởi sắc trở lại. “Không sai, đã có suy giảm trong năm 2014 - Andrew Burns, tác giả chính của bản báo cáo, nói với Hãng tin Reuters - Nhưng điều đó chủ yếu phản ánh một sự việc đã rồi”.
WB dự báo tăng trưởng sẽ nhanh hơn vào nửa cuối năm nay khi các nước giàu tiếp tục quá trình hồi phục. Tổ chức này dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới trong hai năm tới không đổi ở mức 3,4% và 3,5%.
Các dự báo của WB nói tình hình Ukraine sẽ tiếp tục căng thẳng trong năm nay, nhưng không tồi tệ hơn. Nếu cuộc khủng hoảng leo thang, lòng tin của giới đầu tư sẽ càng bị lung lay, có thể làm mất 1,4% tăng trưởng trên toàn cầu trong kịch bản tồi tệ nhất, WB cho biết.
“Các thị trường và các nhà đầu tư không thích sự bất ổn - Burns nói - Nên khá rõ ràng là nếu căng thẳng ở Ukraine gia tăng, kinh tế sẽ gặp khó”. Nga và Ukraine cũng đang tìm cách giải quyết tranh cãi về giá khí đốt là một vấn đề trọng tâm trong cuộc khủng hoảng và tiềm ẩn nhiều rủi ro bất ổn gia tăng.
WB cũng bày tỏ lo ngại về sự bền vững của hệ thống tài chính ở các nền kinh tế mới nổi một khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ bắt đầu nâng lãi suất, rút bớt thanh khoản ra khỏi thị trường toàn cầu. Burns nói các thị trường mới nổi cần phải nỗ lực hơn để xử lý các vấn đề cấu trúc cản trở tăng trưởng.
Năm nay đánh dấu năm thứ ba liên tiếp các nền kinh tế mới nổi tăng trưởng ở mức thấp hơn 5%, điều khiến tỉ lệ nợ so với GDP của các nền kinh tế này có thể tăng tới mức dễ tổn thương, Burns nói. “Dù tình hình ở các nước đang phát triển tương đối tốt… đó không phải là loại hình tăng trưởng mà họ sẽ cần nếu họ muốn vững bước trên con đường thoát hẳn nghèo đói mà chúng tôi đang hi vọng”.
Theo Tuổi Trẻ
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Chung cư Hà Nội 2025: Chuyên gia dự báo không dễ giảm nhưng khó sốt nóng
Nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 2026-2030: Phải có tư duy đột phá
Giá heo hơi ngày 15/11/2024: Tiếp tục tăng giá tại một số tỉnh phía Nam
Giá nông sản ngày 15/11/2024: Cà phê tiếp tục tăng, hồ tiêu giảm giá
Giá ngoại tệ ngày 15/11/2024: USD duy trì đà tăng
Sẵn sàng nguồn cung hàng hoá phục vụ cho cuối năm và Tết
Cột tin quảng cáo