Thị trường

Ngân hàng thừa tiền, sợ giải ngân

Mùa làm ăn cuối năm, doanh nghiệp mong có vốn để “cất những mẻ vó” cuối lấy tiền tiêu Tết, còn ngân hàng cũng muốn giải ngân để đạt tăng trưởng tín dụng như kỳ vọng. Nhưng thực tế, ngay cả những doanh nghiệp thuộc nhóm ưu tiên cũng khó tiếp cận vốn vay...

Doanh nghiệp vẫn “khát” vốn

Năm 2012, Công ty cổ phần Thúy Đạt - doanh nghiệp chuyên sản xuất khăn mặt tại Nam Định - vẫn duy trì được nhịp độ sản xuất, đơn hàng xuất khẩu đều đặn. Thậm chí, số lượng đơn hàng của công ty đã tăng thêm 20% so với năm trước.

Ông Nguyễn Văn Châu, Giám đốc công ty cho biết: “Công ty Thúy Đạt có kết quả kinh doanh tốt, nhưng năm 2012, tổng hạn mức tín dụng của 5 ngân hàng cấp cho công ty chỉ được 140 tỷ đồng, lãi suất vay tiền đồng 12%/năm, vay USD 5,5%/năm. Ngoài điều kiện vay khắt khe (tài sản thế chấp, kinh doanh tốt…) công ty phải cam kết bán lại nguồn USD từ xuất khẩu cho ngân hàng. Hiện tại chúng tôi vẫn thiếu hụt 10-15% lượng vốn sản xuất các đơn hàng gối đầu”.

Ông Châu kể: những lúc bí vốn lưu động ông phải huy động tiền từ anh em, người thân hoặc mượn tạm của doanh nghiệp khác để quay vòng. Nhưng số tiền vay “nóng” nhỏ, không ổn định nên chỉ là giải pháp tình thế khi cần hoàn tất đơn hàng.

Chị An, cán bộ một công ty xuất khẩu thủy sản nhỏ tại TP.Hồ Chí Minh cho biết: Công ty chị là doanh nghiệp nhỏ, với số lượng 10 nhân viên, nhu cầu vốn vay vào khoảng 10 tỷ đồng, trong đó nhu cầu vốn lưu động từ 1-2 tỷ.

Chị An kể: “Công ty tôi gõ cửa mười mấy ngân hàng nhưng chẳng chỗ nào cho vay mà không nói lý do vì sao, cũng không chê hồ sơ vay vốn. Có một chi nhánh ngân hàng tại TP.Hồ Chí Minh có ý cho vay, nhưng đòi “cắt” phí 5-6% số tiền vay, nên chúng tôi không vay nữa, mỗi container hàng xuất chỉ lời 10% thôi”- chị An nói. Theo chị, vì không vay được của ngân hàng, số tiền vay nhỏ nên doanh nghiệp vay ngoài cho nhanh, chấp nhận lãi suất cao 3-4%/tháng”.

Do thị trường khó khăn và lưng vốn nhỏ thời điểm này, công ty phải co hẹp hoạt động kinh doanh, giảm tới 50% lượng hàng xuất khẩu (còn 50 tấn hàng/tháng) so với cùng kỳ năm 2011.

Bà Nguyễn Thị Hương, Công ty CP nhựa Năm Sao (Hải Phòng) cho biết: “Từ đầu năm tới hết quý 3/2012, chúng tôi rất căng thẳng về vốn nhưng không dám vay ngân hàng do lãi suất cao. May là đến thời điểm này, chúng tôi đã tìm được nhà đầu tư nên vốn cho sản xuất bớt căng thẳng”.

Theo bà Hương, hiện có nhiều ngân hàng chào mời công ty nhựa Năm Sao vay vốn, nhưng lãnh đạo công ty không mặn mà, Bởi nếu cộng các chi phí thủ tục, thẩm định, chi phí không chính thức, lãi vay có thể tới 20%/năm. Với chi phí vốn này thì hiệu quả kinh tế của doanh nghiệp sẽ không còn.

Thừa tiền, sợ giải ngân

Từ đầu tháng 9 tới nay, để kích cầu tín dụng, các Ngân hàng thương mại lớn nhỏ đều đưa ra các gói tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp. Cụ thể, từ 5/11, ngân hàng CP quân đội (MB) tung ra gói tín dụng 2.000 tỷ đồng, lãi suất ưu đãi chỉ từ 11,8-12,5%/năm, thời hạn vay tối đa tới 6 tháng…

Điều kiện được vay là khách hàng loại A, không có nợ xấu, ưu tiên doanh nghiệp xuất khẩu. Ngoài gói tín dụng ưu đãi 5.000 tỷ đồng (lãi suất 13%/năm, triển khai từ tháng 6/2012), giữa tháng 10, Ngân hàng Eximbank tiếp tục dành 4.500 tỷ đồng để cho vay với lãi suất chỉ 10%/năm với tiền đồng và 5,5-6%/năm với USD.

Với khách hàng tốt, ngân hàng còn giảm tiếp 1% lãi vay… Tuy nhiên, thực tế doanh nghiệp đang cần vốn để sản xuất dịp cuối năm vẫn không dễ tiếp cận nguồn tín dụng giá rẻ.

Giám đốc một chi nhánh ngân hàng Eximbank tại Hà Nội thừa nhận: “So với cùng kỳ năm ngoái, nhu cầu vốn và lượng vốn giải ngân cho vụ sản xuất kinh doanh cuối năm đã giảm đáng kể. Hai gói tín dụng ưu đãi của ngân hàng lên tới 9.500 tỷ đồng, hiện giải ngân chưa đáng kể. Về lý do, vị này thừa nhận lúc này rất khó kiếm được khách hàng tốt".

Theo vị giám đốc này, ngân hàng rất muốn cho vay ra vì room tín dụng vẫn còn lớn (17%), lãi suất cho vay giảm đáng kể, chỉ 9-13%/năm, nhưng tổng cầu tín dụng thấp.

Lý do vì nhiều doanh nghiệp đang phải cơ cấu lại nợ, nợ xấu và tồn kho cao, tình hình tài chính không tốt. Hoặc doanh nghiệp có tài sản thế chấp là bất động sản, nhưng thị trường giảm giá nên ngân hàng chỉ cấp hạn mức vay thấp.

“Ngân hàng có thể cho vay không cần tài sản thế chấp nhưng điều kiện khắt khe hơn như vốn chủ sở hữu lớn, tăng trưởng doanh thu ổn định, vòng quay vốn tốt. Nhưng thực tế, doanh nghiệp vẫn không vay được vì họ không tiêu thụ được hàng. Kể cả lãi suất 7-8%, bản thân họ phải tính toán làm sao có lợi nhuận để trả nợ”- vị giám đốc này cho hay.

Một cán bộ tín dụng một ngân hàng quốc doanh lớn tâm sự: “Bối cảnh này cho vay rủi ro rất lớn, nên hoặc phải biết rất rõ nhân thân doanh nghiệp hoạt động tốt, có tài sản thế chấp hoặc bị sếp “dí” xuống mới làm thủ tục giải ngân”.

 

Gói ưu đãi khắt khe hơn vay thường

Một doanh nghiệp bất động sản trên địa bàn Hà Nội cho biết, cách đây vài tháng một ngân hàng quốc doanh lớn công bố dành 2.000 tỷ đồng lãi suất 12% cho các doanh nghiệp xây nhà thu nhập thấp vay.

Tuy nhiên, đến nay ngân hàng này mới giải ngân được 2 dự án, khoảng gần 200 tỷ đồng. Do điều kiện mà ngân hàng đưa ra còn khắt khe hơn cả vay thương mại: doanh nghiệp phải có vốn đối ứng 40% và có 20% tài sản thế chấp khác (ngoài tài sản thế chấp hình thành từ vốn vay).

Trong khi đó, vay thương mại lãi suất cao hơn chút nhưng chỉ cần 30% vốn đối ứng, được thế chấp bằng tài sản hình thành từ vốn vay.



Việt Khuê (Theo TPO)

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo