Ngân hàng tính chuyện thoái vốn theo Thông tư 36
Với việc ban hành Thông tư 36/2014, Ngân hàng Nhà nước một lần nữa siết lại tình trạng sở hữu chéo trong hệ thống, khi quy định một NHTM chỉ được sở hữu tối đa hai TCTD và tỷ lệ không quá 5%. Với quy định mới này, sẽ có nhiều ngân hàng buộc phải thoái vốn tại TCTD khác trong vòng 1 năm tới.
Buộc giảm về 5%
Cụ thể, Điều 20 của Thông tư 36 giới hạn về việc NHTM mua, nắm giữ cổ phiếu của các TCTD khác. Theo đó, NHTM chỉ được nắm giữ cổ phiếu của tối đa không quá 2 TCTD khác, trừ trường hợp TCTD khác là công ty con của ngân hàng đó. Bên cạnh đó, tỷ lệ nắm giữ của NHTM tại TCTD khác phải dưới 5% vốn cổ phần có quyền biểu quyết và không được cử người tham gia HĐQT của TCTD mà ngân hàng mua cổ phần, trừ trường hợp TCTD đó là công ty con của ngân hàng.
Các trường hợp ngoại lệ được thực hiện khi việc mua, nắm giữ cổ phiếu nhằm tái cơ cấu, hỗ trợ tài chính cho TCTD gặp khó khăn và được NHNN chấp thuận hoặc được NHNN chỉ định theo quy định của pháp luật.
Vì thế, theo lộ trình, các NHTM đang nắm tỷ lệ sở hữu cổ phần tại hơn 2 TCTD khác phải tính đến việc thoái vốn trong vòng 1 năm, kể từ khi Thông tư 36 có hiệu lực. Hiện tại, một số NHTM đang sở hữu trên 5% cổ phần của các ngân hàng, công ty tài chính cũng như sở hữu cổ phần của nhiều hơn 2 TCTD.
Trên thực tế, theo quy định của Luật Các TCTD 2010, cổ đông là cá nhân không được sở hữu vượt quá 5% vốn điều lệ của một ngân hàng; tổng số cổ phần của họ và người có liên quan cũng không được vượt quá tỷ lệ 20% vốn điều lệ của ngân hàng đó. Nhưng kể từ khi Luật Các TCTD có hiệu lực đến nay đã 3 năm, NHNN cho biết, vẫn còn 5 NHTM có cổ đông cá nhân sở hữu vượt 5%; 5 NHTM có cổ đông tổ chức sở hữu quá tỷ lệ 15% và 8 NHTM mà nhóm cổ đông và người có liên quan sở hữu vượt tỷ lệ 20%.
Kết quả thanh tra của NHNN cũng cho thấy, ở không ít ngân hàng, cổ đông lớn và người có liên quan vi phạm quy định về sở hữu dẫn đến thao túng, chi phối hoạt động ngân hàng, phục vụ cho lợi ích cá nhân hoặc nhóm nhỏ, đẩy ngân hàng đến tình trạng hoạt động thiếu minh bạch quản trị, điều hành không tuân thủ nguyên tắc thận trọng và các quy định của pháp luật. Vì thế, theo Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Phước Thanh, Thông tư 36 sẽ “siết” lại tình trạng sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng.
Hiện Vietcombank đang sở hữu cổ phần của 5 ngân hàng và công ty tài chính khác và 4 trong số 5 TCTD này, Vietcombank đang có tỷ lệ sở hữu trên 5%. Nhưng với quy định mới, Vietcombank buộc thoái vốn hoàn toàn tại ít nhất 3 TCTD.
Được biết, Saigonbank, ngân hàng Vietcombank đang nắm tỷ lệ sở hữu 8% sẽ được sáp nhập vào Vietcombank trong thời gian tới. Ngoài ra, Vietcombank hiện còn sở hữu khoảng 8% vốn tại Eximbank. Theo lãnh đạo Eximbank, trước đây, Vietcombank đã từng nghĩ đến việc thoái vốn tại Ngân hàng. Do vậy, khi Thông tư 36 được áp dụng, nhiều khả năng, việc thoái vốn tại Eximbank của Vietcombank sẽ sớm xảy ra.
Trong khi đó, Eximbank hiện nắm giữ 9,7% cổ phần tại Sacombank (được ANZ chuyển nhượng cho Eximbank từ cuối năm 2012 trước khi nhóm cổ đông lớn chính thức nắm quyền chi phối tại ngân hàng này). Theo chia sẻ của một lãnh đạo Eximbank, Ngân hàng cũng đang tính đến chuyện thoái vốn tại Sacombank.
Trước đó, để đáp ứng lộ trình quy định của NHNN hướng dẫn xử lý việc sở hữu cổ phần vượt giới hạn tại Luật Các TCTD năm 2010, tại VIB, ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch HĐQT, từng sở hữu 9,19% vốn và bà Trần Thị Thảo Hiền (vợ ông Vỹ) nắm 9,39% cũng đã có động thái thoái vốn. Theo công bố của VIB, vợ chồng ông Vỹ đã bán bớt 37 triệu cổ phiếu VIB để giảm tỷ lệ sở hữu cá nhân về dưới 5% theo quy định.
Những ngân hàng có tiềm năng và triển vọng tăng trưởng vẫn thu hút cổ đông trong thời gian qua, nên tỷ lệ cổ phần góp vốn trên 5% hiện vẫn còn khá nhiều. Đơn cử như cổ đông lớn Him Lam của LienVietPostBank đã mua gần 13 triệu cổ phiếu, đưa tỷ lệ nắm giữ vốn LienVietPostBank lên 12,44%. Theo báo cáo quản trị ngân hàng 6 tháng đầu năm 2014 của LienVietPostBank, trong nửa đầu năm 2014, cổ đông nội bộ và người liên quan đã có khá nhiều giao dịch mua bán cổ phiếu. Cổ đông lớn nhất của LienVietPostBank hiện vẫn là VNPost với tỷ lệ sở hữu 12,55%.
Cách tốt nhất là thông qua M&A
Với các quy định chặt chẽ của Thông tư 36, các NHTM đang sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ 5% tại TCTD khác không còn cách nào khác là phải thoái vốn. Tuy nhiên, trước bối cảnh thị trường khó khăn hiện nay, để bán được cổ phiếu với mức giá kỳ vọng là không dễ.
CTCK BSC đánh giá, triển vọng của ngành ngân hàng sẽ tích cực hơn trong năm 2015 khi nền kinh tế vĩ mô hồi phục cùng một loạt các quy định chặt chẽ với hệ thống ngân hàng được áp dụng. Tuy nhiên, nếu Thông tư 36 được tiến hành triệt để, các quy định hạn chế vấn đề sở hữu chéo sẽ tạo áp lực thoái vốn lên nhiều cổ phiếu ngân hàng từ các đối tượng có liên quan.
Do vậy, các nhận định đưa ra, M&A được xem là con đường ngắn và giải pháp để các NHTM có cùng dáng dấp chủ sở hữu về chung một nhà để xóa được tình trạng sở hữu chéo theo quy định của Thông tư 36 và dự báo, hoạt động M&A trong lĩnh vực ngân hàng sẽ còn sôi động.
Với Maritime, việc sáp nhập MDB sẽ giúp Ngân hàng xóa sở hữu chéo với tỷ lệ vượt trần quy định là 10%. Hiện đề án sáp nhập giữa hai ngân hàng này đã được NHNN chấp thuận. Tuy nhiên, ngoài MDB, MB (với tỷ lệ sở hữu 5%), Maritime Bank đang đầu tư vào Công ty Tài chính Dệt may (11%). Do đó, Maritime Bank đã tính đến chuyện sáp nhập công ty này và đến nay đã được NHNN chấp thuận.
Hiện nhiều ngân hàng đã và đang mua lại các công ty tài chính, chẳng hạn như Techcombank mua lại VCFC, VPBank mua Công ty Tài chính Than Khoáng sản, HDBank mua Công ty Tài chính SGVF, SHB mua Công ty Tài chính Vinaconex Viettel… nhằm đón đầu các quy định tại Thông tư 36.
Nhận định được đưa ra từ CTCK BVSC, tái cơ cấu các TCTD trong năm 2015 sẽ ở mức độ sâu hơn, chứ không chỉ dừng ở việc sáp nhập các ngân hàng yếu kém. NHNN dự kiến sẽ có thêm 6 thương vụ mua bán, sáp nhập trong năm 2015. Do đó, đích ngắm của NHNN trong năm nay sẽ tập trung ở vấn đề sở hữu chéo. Thông tư 36 được đánh giá là quy định quan trọng để kiểm soát một ngân hàng cùng với thành viên HĐQT, hội đồng thành viên có “sân sau” của mình trong hoạt động cấp tín dụng, góp vốn mua cổ phần.
Trao đổi với ĐTCK, TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ cũng cho rằng, việc áp dụng các quy chuẩn của Thông tư 36 là cần thiết cho hệ thống ngân hàng Việt Nam. Quy định siết lại sở hữu chéo tại Thông tư 36, được TS. Lịch đánh giá, là giải pháp hỗ trợ tích cực cho quá trình tái cấu trúc ngành, xử lý nợ xấu. Bởi lẽ, để đạt được mục tiêu kiểm soát nợ xấu về mục tiêu 3% vào cuối năm 2015 mà ngành đặt ra, một trong những yếu tố cần, đó là sáp nhập các ngân hàng nhỏ, yếu kém.
“Với các ngân hàng nhỏ yếu kém, nhất là những đơn vị có sự chi phối của ngân hàng lớn, chẳng hạn như Saigonbank hiện Vietcombank đang nắm giữ 8% cổ phần đã được tính đến chuyện sáp nhập… và tương tự các ngân hàng nhỏ khác cũng cần ngồi lại để tính chuyện M&A. Có như vậy, mới giảm được tình trạng sở hữu chéo và Việt Nam mới có những định chế tài chính có đủ sức cạnh tranh với ngân hàng khu vực”, TS. Lịch nói và cho rằng, không có lý do gì phải trì hoãn việc thực hiện các quy định Thông tư 36.
Theo báo Đầu tư
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam (21/12/1954 - 21/12/2024)
Quyết liệt và toàn diện hơn trong tái thiết, phục hồi sau thiên tai
Căn hộ dịch vụ cho thuê thu hút sự chú ý lớn từ các nhà đầu tư
Những dấu ấn nổi bật ngành công thương năm 2024
Giá heo hơi ngày 24/12/2024: Lập đỉnh mới tại miền Bắc, cả ba miền tiếp tục tăng
Giá nông sản ngày 24/12/2024: Cà phê giảm 500 đồng/kg, hồ tiêu đi xuống 1.000 đồng/kg
Cột tin quảng cáo