Ngân hàng Việt với giấc mơ Đông Nam Á
Hồi giữa tháng 8, ông Keith Pogson, lãnh đạo phụ trách Dịch vụ Tài chính Ngân hàng của Công ty Kiểm toán EY khu vực châu Á - Thái Bình Dương có nhắc đến điểm khác biệt giữa thị trường ngân hàng Việt Nam với các quốc gia khác. Đó là Việt Nam không có một ngân hàng trụ cột có khả năng áp đặt cuộc chơi. Liệu điều này có đúng?
Đến bao giờ Việt Nam mới có ngân hàng trụ cột có thể áp đặt cuộc chơi?
Trước hết, cần hiểu ngân hàng trụ cột ở đây có nghĩa là gì. Theo ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, “trụ cột” mang hàm ý là ngân hàng “xương sống”, không thể thiếu được. Xét theo nghĩa này, Việt Nam dường như chưa có được một ngân hàng trụ cột. Bởi lẽ, một điều dễ thấy là nếu không có Vietcombank thì VietinBank hoàn toàn có thể cung cấp các sản phẩm thay thế cho thị trường.
Còn nếu nói ngân hàng trụ cột hàm ý rằng việc điều chỉnh chính sách của ngân hàng đó sẽ ảnh hưởng đến cả thị trường thì cũng chưa hẳn. Thời gian qua, chính các ngân hàng nhỏ điều chỉnh lãi suất lại ảnh hưởng mạnh mẽ đến thị trường ngân hàng, khiến các ngân hàng lớn thậm chí phải chạy đua cùng. Nếu hiểu theo nghĩa này, hầu như ngân hàng nào cũng có thể là “trụ cột” ở Việt Nam.
Ngân hàng trụ cột còn có một cách hiểu khác. Đó là ngân hàng nắm giữ thị phần lớn ở thị trường nội địa và bắt đầu tiến công ra nước ngoài. Đây dường như là giấc mơ mà Ngân hàng Nhà nước đang nuôi dưỡng. Trong đề án 254 về tái cấu trúc ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước có đề cập đến việc sẽ tạo ra một ngân hàng có đủ sức cạnh tranh trong khu vực và đặc biệt nhấn mạnh đến khối ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước chi phối trong hệ thống ngân hàng.
Nếu xét khả năng cạnh tranh của một ngân hàng ở phương diện quy mô thì có quy mô lớn nhất vẫn là các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước. Tính đến cuối tháng 6.2014, VietinBank đang dẫn đầu hệ thống về quy mô tổng tài sản với hơn 597.000 tỉ đồng, theo sau là BIDV (579.000 tỉ đồng) và Vietcombank với hơn 504.000 tỉ đồng (loại trừ trường hợp của Agribank vì có đặc thù khác với các ngân hàng còn lại).
Tuy nhiên, nếu so sánh với một ngân hàng khác trong khu vực, quy mô tài sản của các ngân hàng ở Việt Nam vẫn còn thấp. Lấy ví dụ về Thái Lan. Theo số liệu năm 2013, quy mô tổng tài sản của Bangkok Public Bank, ngân hàng thương mại lớn nhất ở Thái Lan hiện nay, chiếm tỉ trọng 18% quy mô tổng tài sản trong hệ thống ngân hàng thương mại. Còn ở Việt Nam, năm 2013, quy mô của VietinBank chỉ ước đạt 11,6%.
Giả sử hợp nhất VietinBank với BIDV thì sẽ tạo ra một ngân hàng mới chiếm tới 22,6% quy mô tổng tài sản của cả hệ thống, lớn hơn nhiều so với Bangkok Bank. Nói điều này để thấy việc tạo ra một ngân hàng mới có quy mô tài sản lớn là không khó. Thế nhưng, một ngân hàng quy mô lớn chưa hẳn đã là một ngân hàng có thể mang tầm vóc khu vực. Theo ông Nguyễn Nam Sơn, Giám đốc Quỹ Qầu tư Vietnam Capital Partners, để trở thành một ngân hàng có sức cạnh tranh trong khu vực, một trong những tiêu chí cần xét đến là tầm hoạt động ở nước ngoài.
Ở khía cạnh này, hình mẫu của Bangkok có thể là đích nhắm đến của các ngân hàng Việt trong tương lai. Bangkok Bank là ngân hàng Thái duy nhất có các chi nhánh ở khắp Đông Nam Á.
Ra đời vào năm 1944, Bangkok Bank đã mở chi nhánh nước ngoài đầu tiên ở Hồng Kông vào năm 1954, mở văn phòng đại diện ở Bắc Kinh vào năm 1986, thời điểm nền kinh tế Trung Quốc chỉ mới mở cửa. Năm 2001, Bangkok Bank lần đầu tiên báo lãi sau 4 năm tái cấu trúc (do ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997). Vào thời điểm đó, Bangkok Bank có 587 chi nhánh, nhưng 10 năm sau, số chi nhánh đã tăng lên đến 1.001 (tính cả nội địa lẫn khu vực Đông Nam Á).
Bangkok Bank duy trì được hoạt động ở nước ngoài một cách ổn định. Từ năm 2004 trở lại đây, tỉ trọng cho vay khu vực nước ngoài trong tổng doanh số cho vay của Ngân hàng luôn giữ quanh mức 16%. Đáng chú ý là tỉ trọng lợi nhuận đóng góp đang có xu hướng tăng. Năm 1995, các hoạt động nước ngoài đóng góp 6,2% lợi nhuận. Đến cuối năm ngoái, tỉ lệ này tăng lên 8,8%.
Chiến lược đặt ra của Bangkok Bank cũng rất rõ ràng: trở thành một ngân hàng khu vực. Bangkok Bank vẫn đang tiếp tục mở rộng hệ thống kết nối quốc tế và sẽ tận dụng lợi ích của Cộng đồng kinh tế chung ASEAN (AEC) dự kiến thành lập vào năm 2015. “Chúng tôi sẽ tập trung vào các công ty Thái mở rộng kinh doanh ra nước ngoài và các công ty ngoại đầu tư vào Thái lan”, báo cáo thường niên năm 2013 của Bangkok Bank viết.
Việt Nam cũng có nhiều ngân hàng thương mại đặt chân ra nước ngoài. VietinBank, chẳng hạn, có chi nhánh ở Lào, Đức, còn Vietcombank có văn phòng đại diện ở Singapore. Sacombank cũng đầu tư khá mạnh khi thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài ở Campuchia, mở chi nhánh ở Lào. Nhiều ngân hàng khác cũng tiếp bước theo sau. Thế nhưng, bước đi chủ yếu mang tính thăm dò thị trường.
Sở dĩ các ngân hàng chưa mặn mà mở rộng ra nước ngoài trong thời gian qua một phần là vì ở thị trường nội địa, dung lượng chưa khai thác còn rất lớn. Hơn nữa, các ngân hàng đầu tư ra nước ngoài thường dưới hình thức hỗ trợ cho các doanh nghiệp nội địa làm ăn ở nước ngoài và kết nối đầu tư vào trong nước. Một khi doanh nghiệp Việt chưa mở rộng được thị trường ra nước ngoài thì các ngân hàng chưa có điều kiện để chạy theo.
Một yếu tố khác khẳng định sức mạnh cạnh tranh là quy mô vốn chủ sở hữu. Hiện tại, vốn tích lũy ở các ngân hàng Việt còn thấp. Trong khi Bangkok Bank có vốn chủ sở hữu năm 2013 lên đến 9,18 tỉ USD thì VietinBank, ngân hàng có vốn chủ sở hữu lớn nhất ở Việt Nam, mới chỉ đạt 2,58 tỉ USD (quy đổi tương đối theo tỉ giá ngân hàng Vietcombank). Nếu tính chung cả VietinBank, Vietcombank, BIDV, con số này mới chỉ nhích lên 6,12 tỉ USD.
Đông Nam Á vẫn đang là khu vực kinh tế năng động và hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài khu vực. Tiềm năng tăng trưởng càng lớn, doanh nghiệp đầu tư càng nhiều, thu nhập càng cao thì càng đòi hỏi thêm nhiều sản phẩm dịch vụ ngân hàng. Nhưng để mở rộng được, nhất thiết phải tăng quy mô vốn, bởi nó không chỉ giúp mở rộng các cơ hội kinh doanh, mà đó còn là tiêu chuẩn an toàn cần thiết của ngành ngân hàng.
Trên thực tế, con đường xây dựng hệ thống ngân hàng ở các quốc gia Đông Nam Á cũng gần tương tự nhau. Hệ thống ngân hàng các nước tương đồng với Việt Nam như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Phillipines cũng phải trải qua cuộc phẫu thuật đầy đau đớn. Sau khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, số lượng ngân hàng ở các quốc gia Đông Nam Á nói riêng và Châu Á nói chung thu hẹp đáng kể.
Điều này cũng tương tự với Việt Nam trong thời điểm hiện nay. Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, ước tính số lượng ngân hàng sẽ giảm xuống còn 15-17. Hiện tại, Việt Nam có 37 ngân hàng thương mại cổ phần (chưa tính đến 5 ngân hàng thương mại nhà nước).
Ra đời sau, lại đang phải đối mặt với thách thức nợ xấu, các ngân hàng nội địa đang chịu thiệt thòi về nhiều mặt, kể cả quy mô vốn, kinh nghiệm quốc tế so với các ngân hàng trong khu vực. Vươn tầm khu vực (xa hơn là vươn ra toàn cầu) là một tham vọng lớn, nhưng đó là đích đến cuối cùng mà các ngân hàng trên thế giới nhắm đến khi thị phần nội địa trong tương lai bị thu hẹp dần. Các ngân hàng Việt Nam cũng không ngoại lệ, nhưng đó là con đường gian truân hơn rất nhiều
Nhịp cầu đầu tư
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/1/2025: Chạm đỉnh cao nhất hơn 11 tuần qua
Việt Nam đứng thứ ba về xuất khẩu gạo sang Singapore
Thales tiếp tục cung cấp dịch vụ bảo trì cho đội bay của Vietnam Airlines
Giá nông sản ngày 23/1/2025: Cà phê tăng vọt, hồ tiêu nhích nhẹ
Giá heo hơi ngày 23/1/2025: Ổn định trên toàn quốc dịp cận Tết
Giá ngoại tệ ngày 23/1/2025: USD phục hồi nhẹ sau chuỗi ngày giảm
Cột tin quảng cáo