Thị trường

Ngăn nạn “móc túi” người dân khi điều chỉnh giá

Từ hôm nay (16-3), giá bán lẻ điện sinh hoạt sẽ được điều chỉnh theo hướng tăng, dao động trong khoảng 1.484-2.587 đồng/kWh tùy bậc thang.

Nhiều ý kiến lo ngại việc tăng giá điện, xăng cùng thời điểm dễ nảy sinh tình trạng giá cả tăng do “té nước theo mưa”. Trong ảnh: người dân mua rau củ ở chợ Bà Chiểu, Q.Bình Thạnh, TP.HCM

 

Trước đó, giá xăng, tỉ giá cũng được điều chỉnh tăng. 

 

Theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân - ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cần phải giám sát chặt chẽ để tránh tình trạng hàng hóa khác “đu” theo, gây cú sốc cho thị trường. Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Ngân nói: 

 

- Lạm phát ở VN từ năm 2011 đến nay đã kiềm chế rất tốt. Trong ba năm gần đây, VN đã kéo chỉ số giá (CPI) về rất thấp, tuy nhiên đến nay vẫn còn hàm chứa nhiều yếu tố làm cho lạm phát quay lại. Bởi vậy, cho dù lạm phát 2014 chỉ 1,83% nhưng năm 2015 Chính phủ vẫn đặt ra chỉ tiêu lạm phát không quá 5% để kiểm soát.

 

Lạm phát ở VN chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, trong đó có ba nhóm cơ bản là lương thực thực phẩm, điện, xăng dầu và tỉ giá. Có thể thấy hai yếu tố về lương thực và tỉ giá đều có khả năng tăng trở lại trong năm 2015 do nguy cơ dịch bệnh, cũng như năm 2015 là năm VN mở cửa hội nhập, cán cân thương mại VN đứng trước thách thức lớn.

 

Thật ra, áp lực điều chỉnh giá điện đã có từ nhiều tháng trước, vấn đề là thời điểm áp dụng. Không may ngay khi vừa điều chỉnh giá điện thì giá xăng cũng tăng theo biến động giá thế giới, tạo nên những tác động về mặt tâm lý.

 

Điện và xăng là hai yếu tố đầu vào chính cho sản xuất, do đó làm sao hạn chế, tránh tình trạng “tăng giá dây chuyền” các mặt hàng khác là điều Chính phủ cần phải lưu ý trong quá trình điều hành sắp tới. Thực tế trong thời gian qua CPI giảm nhưng các khoản chi của người tiêu dùng cho điện, xăng dầu lại không giảm đáng kể, ảnh hưởng đến thu nhập, chi tiêu của người dân rất lớn.

 

* Xăng dầu, điện là những yếu tố đầu vào thiết yếu của hầu hết các ngành sản xuất. Theo ông, Chính phủ cần làm gì để tránh áp lực tăng giá đồng loạt trên thị trường?

 

- Hiện nay kiểm soát giá vẫn là yếu tố quan trọng để giảm các ảnh hưởng từ việc điều chỉnh kép này, nhất là phải điều hành theo Luật giá mà Chính phủ đã ban hành. Các cơ quan quản lý thị trường cần tích cực kiểm soát giá cả hàng hóa thị trường.

 

Những mặt hàng có độ nhạy cảm giá cao như xăng, dầu hay điện thì các công ty, doanh nghiệp phụ trách phải hết sức minh bạch trong quản lý, phải công khai, công bố báo cáo tài chính đầy đủ, thực hiện kiểm toán nghiêm túc... 

 

Đặc biệt trong năm 2015, nhiều mặt hàng, dịch vụ cũng phải điều chỉnh theo thị trường như viện phí, hay mặt bằng học phí chung vào tháng 9.

 

Các khoản chi này chắc chắn ảnh hưởng đến thu nhập của người dân. Vấn đề là Chính phủ phải làm sao để giảm ảnh hưởng, tác động của các khoản tăng giá đến người dân. Các chính sách tiền tệ, tài khóa phải hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế, tạo được công ăn việc làm cho người dân.

 

* Giá xăng và giá điện tăng cùng thời điểm không chỉ ảnh hưởng đến khối sản xuất mà còn ảnh hưởng đến người tiêu dùng bởi chi tiêu sẽ phải cắt giảm. Theo ông, việc này sẽ ảnh hưởng đến sức mua của người dân như thế nào?

 

- Việc tăng chủ yếu rơi vào những nhóm hàng thiết yếu nên áp lực kích cầu không quá lớn vì đó là những nhu cầu cơ bản của người dân. Tăng giá xăng dầu, điện không tác động đến tổng cầu mà tác động đến túi tiền của người dân.

 

Vấn đề ở đây là làm sao kiểm soát tính minh bạch giá cả các mặt hàng khác cũng như hiệu ứng tác động từ việc điều chỉnh giá xăng dầu, điện. Đừng để việc tăng giá này là cơ hội để giá cả những mặt hàng khác “đu” tăng theo, thiệt hại cho người tiêu dùng.

 

Việc tăng đầu năm cũng giúp doanh nghiệp chủ động tính toán được các kế hoạch kinh doanh của mình trong những tháng còn lại của năm. Mức tăng đúng hay hợp lý hay không lại là vấn đề khác. Theo tôi, việc tăng này áp lực có sẵn.

 

Trong bối cảnh CPI hai tháng đầu năm tăng thấp, có thể nhà điều hành thấy đây là cơ hội để điều chỉnh giá theo mặt bằng của thị trường. Trong xu thế hội nhập hiện nay, các hiệp định tự do thương mại, mở cửa thị trường trong nước buộc VN điều hành giá cả nhiều mặt hàng theo cơ chế thị trường.

 

* Liệu đợt tăng giá này có áp lực đến mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 6,2% và kiểm soát lạm phát khoảng 5%?

 

- Theo tôi, Chính phủ hoàn toàn có thể giữ được mục tiêu lạm phát không quá 5% trong năm 2015 mặc dù sẽ hơi căng thẳng. VN đã có nhiều bài học kiểm soát lạm phát trong quá khứ vì lạm phát tăng sẽ gây tác động đến sự phục hồi của nền kinh tế.

 

Chính phủ bằng nhiều biện pháp như kiểm soát giá, chính sách tài khóa chặt chẽ, chính sách tiền tệ lành mạnh cũng như quá trình tái cơ cấu nền kinh tế quyết liệt để thực hiện nghị quyết của Quốc hội đề ra.

 

 * Ông Phan Văn Thiện (phó tổng giám đốc Công ty bánh kẹo Bibica):

 

Cải tiến sản xuất hợp lý để tránh tăng giá

 

Doanh nghiệp hơi bất ngờ với việc điều chỉnh giá xăng dầu, còn với giá điện, việc tăng giá đã được đề cập từ lâu nên trong các kế hoạch cũng đã có dự trù với điều chỉnh mới. Tổng chi phí điện năng chỉ chiếm khoảng 1% trong cơ cấu giá thành các sản phẩm bánh kẹo.

 

Theo lộ trình này, doanh nghiệp đã tính toán dự trù giá thành để sản phẩm có mức giá chịu đựng được khi có biến động. Từ sau tết đến nay, sức mua thị trường cũng khá thấp nên việc điều chỉnh giá trước mắt sẽ không xảy ra.

 

Tuy nhiên, điều doanh nghiệp lo ngại là việc tăng giá gián tiếp đến từ các nhà cung cấp nguyên liệu. Hiện nay các hợp đồng với nhà cung cấp thường ký theo quý nên chưa biết giá cả sắp tới như thế nào.

 

Nhưng chắc chắn giá mới sẽ theo hướng tăng. Trong bối cảnh đó, để ổn định sản xuất thì tiết kiệm luôn là biện pháp hợp lý, tiết giảm nhu cầu sử dụng điện, thắp sáng hợp lý hơn và quan trọng là cải tiến sản xuất liên tục, tránh thất thoát năng lượng.

 

* Chuyên gia Ngô Trí Long:

 

Phải công khai, minh bạch khi tăng giá

 

Việc giá điện, giá xăng tăng, theo tôi, Nhà nước phải thể hiện vai trò ở chỗ yêu cầu các đơn vị phải minh bạch, công khai đầu vào và phải có cơ quan độc lập để kiểm tra xem lỗ thật hay không, còn gì chưa hợp lý. Các nước đều có cơ quan độc lập để làm việc này. Chúng ta phải tạo cơ chế cạnh tranh lành mạnh mà ở đó tất cả đều phải tuân thủ đúng quy luật thị trường.

 

Hiện nay, Bộ Công thương giám sát Tập đoàn Điện lực VN cũng như các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối. Nhưng các đơn vị này lại đều là “con đẻ” của bộ cả, liệu khi kiểm tra, giám sát sẽ khách quan tới đâu? Chưa kể, hiện nay Bộ Công thương nhiều khi cũng chưa chắc đã đủ năng lực để kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp này.

 

Ở các nước cũng vậy, muốn kiểm tra phải có sự phối hợp giữa các đơn vị kỹ thuật và kiểm toán mới có thể làm được. Như thời ông Vương Đình Huệ, khi kiểm toán doanh nghiệp ngành điện đều có sự phối hợp giữa kiểm toán với khoa điện của ĐH Bách khoa.

 

Trên thế giới, việc quản lý các ngành độc quyền được làm rất nghiêm ngặt để chống lại sự móc nối hòng gia tăng sự độc quyền. Xu hướng chung của các nước là cạnh tranh lành mạnh, ép buộc các doanh nghiệp phải cạnh tranh từ việc cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động để giảm giá thành, tăng lợi nhuận từ đó chứ không phải nhăm nhe móc thêm tiền từ khách hàng mình cho một sản phẩm và dịch vụ hiện hữu.

 

Cạnh tranh nói chung và trong ngành năng lượng VN nói riêng sẽ loại bỏ các thành phần kém hiệu quả, giúp xã hội chúng ta đỡ tổn thất cho những đơn vị kém cỏi, qua đó tạo hiệu quả lớn cho cả xã hội.

Theo Tuổi trẻ
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo