Thị trường

Ngân sách 2014 và “cọc tiền thừa ở phút 89”

Trong bối cảnh ngân sách 2013 được dự báo hụt thu chưa từng có, việc Chính phủ đề xuất và được Quốc hội chấp thuận nâng mức bội chi ngân sách nhà nước 2014 lên 5,3% GDP và phát hành bổ sung 170.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ đã từng làm dấy lên nhiều lo ngại sâu sắc.

Tháng 11/2013, Quốc hội đã thông qua dự toán ngân sách nhà nước năm 2014. Mức bội chi ngân sách 2014 là 224.000 tỷ đồng, tương đương 5,3% GDP đã được thông qua.

Nhưng ở “phút 89”, kết quả thu ngân sách bất ngờ đạt 105% dự toán. Tuy nhiên, con số 5,3% cho bội chi năm 2014 nằm ở nghị quyết của Quốc hội với nhiều người được hiểu là vẫn còn nguyên giá trị.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, trong phiên họp sáng 15/1 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho rằng cần phải xem lại ngân sách năm 2014 bởi khi Quốc hội quyết thì vẫn tính toán là hụt thu 63 nghìn tỷ đồng, nhưng bây giờ lại không hụt thu mà đạt, nên “thừa” một cọc tiền chưa bố trí.

Và, ông gợi ý lấy một phần của cái cọc tiền “thừa” này để bố trí cho 91 dự án thuộc danh mục vốn trái phiếu Chính phủ dự kiến hoàn thành trong hai năm 2014 - 2015, mà Chính phủ báo cáo là đang rất thiếu vốn.

“Hôm nay ta quyết trước đi, dành khoảng 14 ngàn tỷ đồng cho các công trình hoàn thành năm 2014, số còn lại thì trình Ủy ban Thường vụ quyết định sau”, Chủ tịch nói.

Tuy nhiên, theo giải thích của Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển, thì không có khoản tiền “thừa” như Chủ tịch Quốc hội nói.

Bởi, trong tinh thần nghị quyết của Quốc hội là nếu hụt thu thì mới cho nâng bội chi lên nhưng không quá 5,3% GDP, hụt thu bao nhiêu thì cho nâng bội chi lên bấy nhiêu, nhưng bây giờ không hụt thu thì không được nâng bội chi nữa.

“Nghị quyết của Quốc hội rất là chặt như thế, nên bội chi năm nay phải trở về 4,8%, và không có nguồn tiền nào bố trí cho 91 dự án đó”, ông Hiển quả quyết.

Theo Vneconomy
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo