Ngân sách Nhà nước chi vượt thu gần 19,5 nghìn tỷ đồng
Theo số liệu báo cáo của Bộ Tài chính công bố tại Hội nghị diễn ra sáng 5/7, tính đến hết tháng 6/2017, tổng thu NSNN ước đạt 563,5 nghìn tỷ đồng, bằng 46,5% dự toán, tăng 13,9% so cùng kỳ năm 2016.
Trong đó, thu nội địa đạt 45,6% dự toán, tăng 12,4%, không kể thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, thu cổ tức, lợi nhuận còn lại và thu bán vốn cổ phần sở hữu nhà nước, thì đạt 45,5% dự toán, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2016.
Một số lĩnh vực như thủy điện, khai khoáng, sản xuất lắp ráp ô tô, điện thoại di động, chế biến thực phẩm,... đạt thấp so với yêu cầu; thu từ dầu thô đạt 60,1% dự toán, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2016 (do giá dầu cao hơn giá dự toán, bình quân 54,6 USD/thùng, cao hơn 4,6 USD/thùng); thu cân đối từ XNK đạt 49,2% dự toán, tăng 22,2% so cùng kỳ năm 2016, chủ yếu nhờ hoạt động XNK 6 tháng đầu năm tiếp tục đà tăng trưởng.
Trong tổng thu NSNN nêu trên, thu ngân sách Trunng ương ước đạt 41,5% dự toán; thu ngân sách địa phương 54% dự toán. Đã có 45 địa phương thu đạt từ 48% dự toán trở lên (không kể tiền sử dụng đất thì có 11 địa phương đạt hơn 52%); 54 địa phương thu cao hơn so với cùng kỳ năm 2016; vẫn còn 18 địa phương thu chưa bảo đảm tiến độ dự toán (dưới 48%) và 9 địa phương thu đạt thấp so cùng kỳ.
Ở chiều ngược lại, tổng chi NSNN ước đạt 582,96 nghìn tỷ đồng, bằng 41,9% dự toán, tăng 8,3% so cùng kỳ năm 2016. Trong 6 tháng đầu năm, đã sử dụng khoảng 1,6 nghìn tỷ đồng nguồn dự phòng ngân sách trung ương, chủ yếu để hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả bão lũ, hạn hán và xâm nhập mặn, hỗ trợ giống khôi phục sản xuất sau thiên tai.
Cũng theo báo cáo của Bộ Tài chính, đến này đã có 19 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với giá trị được phê duyệt 31,3 nghìn tỷ đồng. Các tập đoàn, tổng công ty, SCIC đã thoái vốn 2,1 nghìn tỷ đồng, thu về 2,7 nghìn tỷ đồng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo