Tình trạng chặt phá rừng đầu nguồn ở Quảng Nam diễn ra công khai. Dù lực lượng kiểm lâm tăng cường tuần tra, kiểm soát nhưng gỗ lậu vẫn về xuôi. Vì sao?
Chúng tôi đến ngã ba Đại Sơn (H.Đại Lộc) thì bắt gặp cảnh lâm tặc ngang nhiên vận chuyển hàng chục khúc gỗ tập kết cách nơi làm việc của tổ cơ động trực thuộc Hạt kiểm lâm Đại Lộc khoảng 300m và cách Trạm kiểm soát lâm sản (thuộc Hạt Kiểm lâm Đại Lộc) và Đội Kiểm lâm cơ động số 2 (Kiểm lâm Quảng Nam) khoảng 800m mà không gặp bất cứ sự ngăn cản nào từ các ngành chức năng. Một người dân địa phương cho biết: “Ở ngã ba này, lúc nào chả có người vận chuyển gỗ về tập kết chờ chuyển đi tiêu thụ, bất kể ngày, đêm”. Khi chúng tôi hỏi vận chuyển như vậy mà không bị bắt à? Người này cho biết thêm: “Mấy anh kia (ý chỉ kiểm lâm-PV) đến đây đứng làm cảnh rồi về chứ có bắt bớ ai đâu mà sợ”. Quan sát từ xa, chúng tôi thấy xe máy BKS 92F8-93... chở hai khúc gỗ dài khoảng 1m ngang 40cm phóng vù vù qua trước mặt tổ cơ động. Theo chiếc xe này, chúng tôi đến thôn 5 xã Đại Đồng. Tại đây gỗ được để một cách công khai ngay trước hiên nhà và cả trong nhà của một hộ dân. Quay trở lại Trạm kiểm soát lâm sản đóng tại xã Đại Hồng, khi biết có PV đến tìm hiểu thông tin, barie ở trạm mới được hạ xuống và lúc này kiểm lâm viên mới lững thửng ra trực chốt.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Trạm kiểm soát lâm sản cho biết, hơn nửa tháng trở lại đây, trạm này đã bắt và lập biên bản được 4 vụ vận chuyển gỗ trái phép, tịch thu hơn 3,655m3 gỗ không có nguồn gốc, chuyển hồ sơ về Hạt kiểm lâm Đại Lộc để điều tra, xác minh, xử lý. Trước đó, vào ngày 12.1, trạm đã phát hiện và lập biên bản tạm giữ hơn 0,935m3 gỗ dỗi (nhóm 4) do ông Nguyễn Ngọc Đông vận chuyển.
Chúng tôi thắc mắc tại sao Trạm kiểm soát lâm sản có cán bộ “canh gác” túc trực 24/24, hằng ngày gỗ trên rừng được chuyển về tập kết cạnh nơi làm việc của tổ cơ động và những chiếc xe chở gỗ kia vẫn “vô tư” vận chuyển gỗ đi qua mà không hề bị phát hiện, mặc dù sự việc trên diễn ra trong thời gian dài và công khai giữa ban ngày? Lý giải về vấn đề trên, ông Thanh thừa nhận: Trên địa bàn có tình trạng dùng xe khách để vận chuyển gỗ. Hiện chúng tôi đang làm hết mình để ngăn chặn nhưng do nhiều yếu tố như đơn vị ít người, mà công việc lại nhiều, nên nhiều lúc cũng chưa kiểm soát được hết. Ngoài ra cách thức vận chuyển của những chủ xe rất tinh vi, thông thường họ bỏ gỗ dưới vật liệu xây dựng, cốt pha, gỗ tạp... để vận chuyển và cho người đi trước “thám thính”. Những lúc anh em giao ca ngay lập tức các đối tượng cho xe đi qua. Mặt khác, tổ cơ động có nhiệm vụ quan sát tại ngã ba Đại Sơn nếu phát hiện có người chở gỗ thì phải điện báo về để anh em dưới này biết mà ra đón chặn. Hằng ngày có hàng ngàn chiếc xe qua lại nếu anh em trên kia không báo về thì dưới này không thể chặn tất cả các xe để kiểm tra. Còn vấn đề gỗ được chuyển về tập kết ngay sát tổ cơ động, thì ông cho rằng đơn vị có nhiệm vụ chốt chặn kiểm soát lâm sản lưu thông trên QL14, còn lại thuộc thẩm quyền của Hạt kiểm lâm Đại Lộc. Nhưng nếu có người điện báo thì anh em vẫn có thể đi làm!
Ở một điểm khác trên dòng sông Thu Bồn đoạn dưới chân cầu Câu Lâu, lúc này trên sông có hàng chục bè gỗ và rất nhiều thuyền vận chuyển gỗ cập bến về đây. Dưới sông có rất nhiều người đang hì hục trục vớt gỗ, trên bờ xe bò xếp hàng chờ chuyển gỗ đi tiêu thụ. Nhìn từ trên cầu xuống dưới sông giống như một đại công trường với hàng chục loại gỗ, nào sến, dỗi, lim… Nhưng có một điều khó hiểu là việc mua bán vận chuyển gỗ tại đây diễn ra công khai giữa thanh thiên bạch nhật, ai cũng biết, cũng thấy nhưng các cơ quan chức năng lại không hề hay biết?!
Kiểm lâm Quảng Nam tuyên bố mở chiến dịch truy quét lâm tặc tại các điểm nóng phá rừng tại các huyện miền núi và tăng cường lực lượng chốt chặn tại các tuyến đường bộ, đường thủy trước, trong và sau tết Nguyên đán. Những ngày bám rừng, theo dấu lâm tặc và hành trình vận chuyển gỗ xề xuôi, mới hay việc giữ rừng thật khó thay!
Theo Thanh Niên