Phân tích

Ngành chăn nuôi hội nhập TPP: Chất lượng phải được đặt lên hàng đầu

(DNVN) - Khi tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Việt Nam không nên chạy theo số lượng mà tập trung vào năng suất, chất lượng về con giống; đảm bảo an toàn thực phẩm; tổ chức lại sản xuất áp dụng công nghệ cao, giảm giá thành trong chăn nuôi và thú y.

Kém cạnh tranh

Phần lớn các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, ngành chăn nuôi sẽ gặp nhiều khó khăn khi vào TPP, đặc biệt là ở khâu cạnh tranh và dễ chịu tác động tiêu cực; với quy mô nhỏ bé và nhiều hạn chế, sẽ phải cạnh tranh với những quốc gia có ngành chăn nuôi phát triển như Mỹ, Úc, Newzealand…

 TS. Nguyễn Thanh Sơn, Viện trưởng Viện Chăn nuôi cho rằng, 3 điểm yếu lớn của ngành chăn nuôi Việt Nam là sự phát triển thiếu bền vững về năng suất, giá cả, chất lượng giống vật nuôi và hình thức tổ chức chăn nuôi kiểu cũ. Biểu hiện đầu tiên của sự phát triển thiếu bền vững chính là quy mô ngành chăn nuôi khá nhỏ lẻ và phân tán. 

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho biết, tổng giá trị sản xuất của toàn ngành chăn nuôi hiện đạt khoảng 140 - 150 nghìn tỷ đồng. Quy mô sản xuất nhỏ lẻ với khoảng 23 nghìn trang trại (doanh thu từ 500 triệu đồng/trang trại/năm trở lên), ít hơn nhiều so với các quốc gia khác. 

Ảnh minh họa.

Theo ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện có gần 10 triệu hộ gia đình mưu sinh bằng nghề chăn nuôi gia súc, gia cầm, cung cấp khoảng 50% tổng sản phẩm thịt toàn ngành. Tình trạng chăn nuôi theo phong trào còn phổ biến. 

Đặc biệt, thị trường do thương lái điều tiết nên cả người chăn nuôi và người tiêu dùng đều chịu thiệt thòi. Hiện nay, Việt Nam đã có một số doanh nghiệp đầu tư lớn về tiềm lực cũng như công nghệ cao đối với chăn nuôi, tuy nhiên, việc đầu tư cho xúc tiến thương mại trong lĩnh vực chăn nuôi còn rất hạn chế. Phát triển chuỗi liên kết trong chăn nuôi vẫn đang ở giai đoạn bước đầu. Trên địa bàn cả nước, chuỗi sản xuất đã được triển khai nhưng chưa bài bản.

Điểm yếu nhất của ngành chăn nuôi nước ta là giá thành sản xuất cao, do đó phần lớn các sản phẩm chăn nuôi chính của Việt Nam đều có giá cao hơn các nước trong khu vực và trên thế giới như: Giá 1 kg sữa tươi ở Việt Nam là 12.000 đồng, gấp đôi New Zealand; giá thịt lợn hơi ở Việt Nam là 45.000 - 55.000 đồng/kg, gấp 3 lần giá thịt lợn hơi tại Mỹ (chỉ khoảng 15.000 đồng/kg).

Hiện nay, nước ta đang phải nhập khẩu khoảng 2,5% sản lượng thịt, tự túc 97,5%. Trong đó, nhập khẩu chủ yếu là 2 nhóm sản phẩm: Phụ phẩm của gà (chân, cánh, đùi) do giá rất rẻ so với sản xuất trong nước chỉ 0,85 USD/kg và thịt bò do sản lượng trong nước chưa đáp ứng nhu cầu. 3 năm trở lại đây, Việt Nam liên tục nhập khẩu thịt bò từ các nước, chủ yếu của Australia. Giá thịt bò hơi nhập khẩu về Việt Nam chỉ từ 2,4 - 3 USD/kg, trong khi giá sản xuất trong nước là 65.000 - 75.000 đồng/kg. 

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 6 tháng đầu năm 2015, cả nước đã nhập khẩu hơn 60.000 tấn thịt gà, tăng cả về số lượng và giá trị so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó Mỹ chiếm gần 59% thị phần. Khi TPP được thực hiện, thuế nhập khẩu nông sản giảm về mức 0%, các sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam sẽ phải đối mặt với áp lực cạnh tranh lớn về giá. Các chuyên gia nông nghiệp nhìn nhận, sản phẩm chăn nuôi nội địa sẽ thua ngay trên sân nhà.

 

Ngành chăn nuôi hiện nay đang phụ thuộc khá nhiều vào những vật tư đầu vào như con giống, thức ăn, thuốc thú y nên chi phí đầu tư cho sản xuất thường cao. Theo Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước phụ thuộc 50% nguồn nguyên liệu từ nhập khẩu. Ước tính mỗi năm, chúng ta phải nhập trên 8 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, trị giá khoảng 3 tỷ USD. So với các nước trong khu vực, giá thành thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam luôn cao hơn khoảng 10%.

Bên cạnh đó, ngành chăn nuôi gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý ô nhiễm và dịch bệnh. Một số loại dịch bệnh như lở mồm long móng, cúm gia cầm vẫn hoành hành, gây nhiều thiệt hại cho người chăn nuôi. Các biện pháp vệ sinh dịch tễ không hiệu quả sẽ khiến Việt Nam có nguy cơ trở thành thị trường tiêu thụ các sản phẩm chăn nuôi của nước ngoài. 

Hiện nay, giết mổ công nghiệp, bán công nghiệp, chỉ chiếm khoảng 20% trên tổng lượng thịt, chủ yếu là giết mổ thủ công, thiếu điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm cũng góp phần làm giảm giá trị gia tăng của sản phẩm. Công nghệ chế biến, bảo quản sau thu hoạch trong lĩnh vực chăn nuôi còn rất yếu kém. Tổng thể cả nước hiện chưa có doanh nghiệp, nhà máy chế biến các sản phẩm thịt, trứng, sữa quy mô lớn. Do đó, chất lượng sản phẩm đưa ra thị trường kém đa dạng. 

Báo cáo của Cục Chăn nuôi cho thấy, trong năm 2014, qua lấy mẫu kiểm tra, cơ quan này đã phát hiện 5,2% mẫu thức ăn chăn nuôi dương tính với chất cấm và 17,7% mẫu thịt, gan, thận lợn tồn dư kháng sinh. Trong khi đó, các sản phẩm thịt nhập khẩu, nhất là từ một số nước như Australia, Mỹ… được đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cao hơn. Điều này càng khiến cho sản phẩm chăn nuôi trong nước giảm khả năng cạnh tranh. 

Theo ông Tôn Thất Sơn Phong, Giám đốc Ban Quản lý dự án cạnh tranh ngành chăn nuôi và ATTP (Lifsap), vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm của Việt Nam thường được quản lý một cách lỏng lẻo trong tất cả các chuỗi chăn nuôi. Theo số liệu điều tra, hệ thống chăn nuôi quy mô nhỏ với mức vệ sinh an toàn thấp chiếm tới 70% tổng sản lượng cung cấp ra thị trường, trong khi đó, mô hình chăn nuôi thương mại với quy mô lớn với mức độ an toàn cao chỉ cung cấp khoảng 15% sản lượng.

 

Một trong những bất cập lớn của ngành chăn nuôi hiện nay là thiếu sự phối hợp giữa người sản xuất và thị trường để tạo ra chuỗi liên kết ổn định. Theo ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, để tiếp cận thị trường, người chăn nuôi vẫn phải qua khâu trung gian. Do đó, thu nhập, giá trị gia tăng chưa lớn, thậm chí có những lúc thua lỗ, gây khó khăn cho người chăn nuôi và tạo ra tâm lý không muốn tái đàn, không muốn tăng đàn, dẫn tới giá cả chăn nuôi biến động. 

Thống kê của Hội Chăn nuôi Việt Nam cho thấy, từ đầu năm 2012 đến đầu năm 2014, ngành chăn nuôi trong nước thua lỗ khoảng 27.000 tỷ đồng. Đến nay, mô hình liên kết chuỗi sản xuất - tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi an toàn mới bước đầu hình thành tại một số tỉnh, thành phố như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương… nhưng số lượng còn hạn chế.

Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành chăn nuôi

 

Để ngành chăn nuôi đứng vững trước làn sóng TPP, giải pháp quan trọng hàng đầu là tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành chăn nuôi. Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, tái cơ cấu ngành chăn nuôi không phải là điều chỉnh cơ cấu mà là sự thay đổi nhận thức và cách tiếp cận để phát triển ngành theo hướng sản xuất hàng hóa, có tính cạnh tranh cao về chất lượng và giá trị trong tiêu dùng và xuất khẩu. Không chạy theo số lượng mà tập trung vào năng suất, chất lượng về con giống; đảm bảo an toàn thực phẩm; tổ chức lại sản xuất áp dụng công nghệ cao, giảm giá thành trong chăn nuôi và thú y.

 

Ông Hoàng Thanh Vân cho rằng, trong các nhóm giải pháp lớn nhằm tái cơ cấu ngành chăn nuôi, phải rà soát tính toán lại cơ cấu sản phẩm để cân đối chăn nuôi lợn, gà, trâu, bò... phát huy lợi thế của từng khu vực. Theo ông Nguyễn Đăng Vang - Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, chúng ta nên tập trung phát triển theo cơ cấu đàn vật nuôi chủ yếu là lợn, gia cầm và bò để giảm lượng thực phẩm nhập khẩu. Một giải pháp quan trọng nữa là hạn chế tăng về số lượng vật nuôi, tập trung vào chất lượng, bao gồm cả chất lượng sản phẩm và con giống. Tương lai, số lợn nái sẽ giảm từ hơn 4 triệu con xuống còn dưới 3 triệu con nhưng vẫn đảm bảo cung cấp đủ nguồn giống trong nước, có như vậy mới giảm nhiều chi phí chăn nuôi.

Một trong những giải pháp quan trọng nâng cao năng suất, chất lượng chăn nuôi là hỗ trợ xây dựng các chuỗi liên kết trong chăn nuôi. Đây là mô hình đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng thành công, trong đó, doanh nghiệp ký hợp đồng kinh tế với người nông dân. Sản phẩm chăn nuôi khi xuất chuồng được đưa đến nhà máy giết mổ, kết nối với nơi chế biến rồi đưa ra thị trường bán lẻ hoặc siêu thị thành một chuỗi khép kín từ trang trại tới bàn ăn. Đây là giải pháp quan trọng để tổ chức lại sản xuất, tái cơ cấu ngành chăn nuôi. Mở rộng chuỗi liên kết trong chăn nuôi không những tạo thêm giá trị gia tăng mà còn giúp đẩy lùi tình trạng tư thương ép giá. Để thực hiện điều này, doanh nghiệp phải giữ vai trò chủ đạo, dẫn dắt các đối tượng tham gia. 

Nhà nước cần có chính sách đồng bộ, phù hợp khuyến khích sản xuất theo chuỗi giá trị, đặc biệt là việc giải quyết vốn với lãi suất hợp lý, để cho các khâu sản xuất giống, thức ăn, giết mổ, thị trường tiêu thụ. Nguồn giống tốt sẽ góp phần tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, giảm khoảng 9% giá thành sản phẩm chăn nuôi tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, cần chú trọng phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng trong ngành này, người nông dân phải được đào tạo và phải làm việc theo những kỷ luật và kỹ thuật cao một cách chuyên nghiệp mới có thể tạo những sản phẩm đủ sức cạnh tranh. Các chuyên gia cho rằng, nông dân cần phải được tổ chức liên kết thành tổ hợp tác, hợp tác xã kiểu mới, qua đó họ sẽ có điều kiện để đầu tư công nghệ mới, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh. Cần áp dụng mô hình sản xuất tiên tiến để mở rộng cơ hội xuất khẩu.

Ngoài ra, để bảo hộ hợp pháp cho ngành chăn nuôi, cần gấp rút xây dựng các hàng rào kỹ thuật khi gia nhập TPP. Ví dụ, tập quán người dân thích tiêu dùng thịt tươi hơn là thịt đông lạnh. Thị hiếu tiêu dùng thịt tươi sống từ các chợ truyền thống đang là hàng rào bảo hộ tự nhiên với các nhà sản xuất trong nước. Khi có dịch bệnh ở lợn thì có 40,55% số người tiêu dùng tạm ngừng mua thịt lợn; 31,45% mua các loại thịt khác; 11% chọn mua thịt đông lạnh sạch ở trong các siêu thị. Khi có dịch cúm gà, thì 75% số người tiêu dùng ngừng mua thịt gà; 21,3% mua ít hơn trước; 24,6% chuyển sang thịt lợn, bò. 

 

Nếu biết tận dụng tập quán này để dựng hàng rào kỹ thuật sẽ góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho ngành chăn nuôi tăng thêm sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập. Song song với việc xây dựng hàng rào kỹ thuật, Nhà nước cần xây dựng quy chuẩn để những nước có nguy cơ dịch bệnh không được bán hàng vào Việt Nam, đồng thời nghiên cứu đưa ra hạn ngạch để ấn định số lượng hàng hóa nhập vào Việt Nam mỗi năm.

Xuân Bình (VCL&CSTC)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo