Quốc tế

Ngành công nghiệp Nga "để mắt" tới thị trường châu Phi

Hiện Nga đang theo đuổi các dự án dầu mỏ và bạch kim tốn kém tại châu Phi bất chấp kinh tế nước nhà còn nhiều khó khăn. Với việc "để mắt" tới thị trường châu lục này, Nga hi vọng sẽ thúc đẩy doanh số bán hàng, trong đó có doanh số bán vũ khí, của các doanh nghiệp chịu tác động bởi lệnh trừng phạt của phương Tây liên quan đến cuộc khủng hoảng tại Ukraine.

Matx-cơ-va đã chủ yếu tập trung vào việc xây dựng mối quan hệ với châu Á kể từ khi các lệnh trừng phạt của Mỹ và Liên minh châu Âu có hiệu lực vào năm ngoái. Tuy nhiên, các thỏa thuận với châu Phi cho thấy Nga có mong muốn xây dựng lại một thị trường vũ khí và công nghệ lớn vốn có từ thời Xô Viết.

 

Quan tâm đến dự án xây dựng nhà máy lọc dầu và bạch kim

 

Giá hàng hóa giảm đồng nghĩa với việc giới đầu tư tư nhân Nga tại châu Phi hầu như đã rút khỏi nơi đây vào đầu những năm 2000. Tuy nhiên, tập đoàn công nghiệp quốc doanh Rostec cho biêt, họ đang hướng đến việc xây dựng một nhà máy lọc dầu trị giá 4 tỷ USD tại Uganda và dự án bạch kim trị giá 3 tỷ USD tại Zimbabwe.

 

Tập đoàn Rostec, hiện kiểm soát hàng trăm các công ty từ hãng xuất khẩu vũ khí Rosoboronexport đến hãng sản xuất titan hàng đầu thế giới VSMPO-Avisma, coi các dự án tại châu Phi là cơ hội lớn để hãng phát triển, đặc biệt là thị trường vũ khí châu Phi đang phát triển nhanh.

 

Ảnh minh họa

 

Theo một tuyên bố của Rostec: "Việc xây dựng nhà máy lọc dầu thô tại Uganda mở ra nhiều thị trường cho các sản phẩm của tất cả của công ty thuộc Rostec cũng như các công ty của Nga nói chung".

 

Rostec và Giám đốc điều hành Sergei Chemezov, một đồng minh của Tổng thống Nga Vladimir Putin, hiện đang phải đối mặt với các lệnh trừng phạt liên quan đến việc sáp nhập bán đảo C-rưm vào lãnh thổ Nga cũng như các cáo buộc của phương Tây rằng Matx-cơ-va đã cung cấp vũ khí và binh lính cho lực lượng nổi dậy.

 

RT Global Resources, công ty con của Rostec, đã giành được hợp đồng xây dựng và vận hành nhà máy lọc dầu vào tháng 2. Rostec cho biết, dự án này đã được bắt đầu vào năm 2013, tức là trước khi Nga bị phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt. Giai đoạn đầu của dự án tại Uganda sẽ cần đến 2 tỷ USD và giai đoạn 2 là 1,7 tỷ USD, và đỉnh điểm của giai đoạn đầu tư là năm 2018 - 2019.

 

Rostec không bình luận chi tiết về việc tham gia dự án khai thác bạch kim tại Zimbabwe. Ngân hàng phát triển Vnesheconombank (VEB) củ Nga - định chế được cho là sẽ cấp tiền cho dự án - cho biết, một thỏa thuận hợp tác đã được các đối tác tham gia dự án ký kết.

 

Khi thỏa thuận bạch kim được ký kết vào tháng 9 năm ngoái, Bộ trưởng Quốc phòng Zimbabwe Sydney Sekeramayi cho biết, quốc gia Nam Phi này đang cân nhắc các thương vụ vũ khí của Nga.

 

Hướng đến thị trường vũ khí tiềm năng

 

Rostec cho biết, họ quan tâm đến việc hợp tác với các quốc gia châu Phi vốn có mong muốn phát triển lĩnh vực quốc phòng.

 

 

Matx-cơ-va là nhà cung cấp chính vũ khí cho châu Phi trước khi Liên bang Xô Viết tan rã - thời điểm Liên bang Xô Viết mất phần lớn thị phần của mình. Hiện Nga là quốc gia xuất khẩu vũ khí lớn thứ hai thế giới sau Mỹ, tuy nhiên doanh số bán sang châu Phi chỉ chiếm một phần tương đối nhỏ trong tổng doanh số bán vũ khí của Nga.

 

Tuyên bố của Rostec có đoạn viết: "Nhiều quốc gia thuộc lục địa châu Phi hiện là các đối tác truyền thống của Nga trong lĩnh vực hợp tác công nghệ và quân sự, và họ biết rõ về chất lượng vũ khí của Nga".

 

Trong năm 2013 - 2014, Rosoboronexport đã ký kết hơn 20 hợp đồng trị giá trên 1,7 tỷ USD với các quốc gia tiểu vùng Sahara ở châu Phi. Rostec còn có ý định gia tăng xuất khẩu vũ khí sang châu Phi trong những năm tới.

 

Trong tuyên bố đăng tải trên website hồi tháng 9, Rostec cho biết, chỉ 2% sản phẩm quốc phòng được cung cấp cho các quốc gia châu Phi đến từ Rosoboronexport.

Rosoboronexport cũng đã làm việc với Angola, Nigeria, Mo-zăm-bich, Namibia, Tanzania và Equatorial Guinea, đồng thời tìm cách phát triển hợp tác với Kenya, Rwanda, Djibouti và Ethiopia.

 

Konstantin Makiyenko, Phó giám đốc Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ (CAST), một trung tâm chuyên nghiên cứu lĩnh vực an ninh và quốc phòng, cho biết, các công ty của Nga mong muốn gia tăng xuất khẩu sang châu Phi, bởi vì thị trường vũ khí khu vực này đang phát triển với tốc độ rất nhanh.

 

"Các dự án dân sự luôn hỗ trợ xuất khẩu vũ khí. Đó là lý do vì sao Rostec - công ty hoạt động cả trong lĩnh vực dân sự và quân sự - có thể hoạt động tốt với tư cách là người kết nối giữa các dự án dân sự và các thương vụ vũ khí", ông Makiyenko cho biết thêm.

 

Nga đã xuất khẩu 15 tỷ USD vũ khí trong năm 2014 và giành được đơn hàng đặt trước trị giá 40 tỷ USD trong 3 - 4 năm tiếp theo, trong đó những khách hàng lớn nhất đến từ Ấn Độ, Trung Quốc, Trung Đông và Mỹ Latinh.

 

 

NM (Theo Reuters)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo