Ngành điện cảnh báo tiền điện sẽ tăng mạnh từ tháng 4
Tổng công ty Điện lực Hà Nội ( EVN Hà Nội) vừa thông tin về Dự báo tình hình thời tiết và nhu cầu sử dụng điện trong các tháng chuyển mùa, nắng nóng của Hà Nội năm 2016.
Theo đó, do tác động của hiện tượng El Nino, nắng nóng ở khu vực Hà Nội trong mùa hè năm 2016 được nhận định là sẽ có tần suất cao hơn, gay gắt hơn và kéo dài hơn so với trung bình nhiều năm. Năm 2016 với nhiệt độ trung bình có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm và nắng nóng gia tăng, căng thẳng khoảng từ 1 đến 2 độ C, đợt nắng nóng đầu tiên có khả năng đến sớm hơn trung bình nhiều năm.
EVN Hà Nội cũng cho biết, theo dự báo của cơ quan dự báo thời tiết, năm nay, có 4 đợt nắng nóng đỉnh điểm: Đợt 1 từ 9-10/4 và 27/4-1/5/2016; đợt 2 từ 10/5-21/5/2016, đợt 3 vào tháng 6/2016 là thời điểm cao điểm mùa nắng nóng ở Hà Nội, các thời điểm đầu tháng 6 và cuối tháng 6 có khả năng xuất hiện các đợt nắng nóng gay gắt kéo dài đến trên 10 ngày, nhiệt độ trên 40 độ C. Đợt 4 là vào tháng 7/2016 xuất hiện nắng nóng khá cao. Nắng nóng có thể xuất hiện từ đầu đến cuối tháng 7/2016. Trong đó, đỉnh điểm nắng nóng có thể xảy ra vào ngày 20 ÷ 27/7/2016, với nhiệt độ cao nhất có thể lên tới trên 40 độ C.
Theo Tổng Công ty điện lực Hà Nội, do thời tiết nắng nóng sẽ kéo theo nhu cầu tiêu thụ điện của người dân tăng lên. Trong năm 2015, nhu cầu sử dụng điện của khách hàng trong những tháng mùa hè bình quân 43,952,230 kWh/ngày và đỉnh điểm lên tới 67,234,000 kWh/ngày. Dự báo năm 2016, nhu cầu sử dụng điện của khách hàng mùa hè tăng, bình quân tới 52,742,676 kWh/ngày và đỉnh điểm lên tới 80,680,800 kWh/ngày.
Việc nhu cầu tiêu thụ điện tăng lên cũng sẽ kéo theo hóa đơn tiền điện của người dân tăng lên. Theo EVN Hà Nội, trong tháng 4 này, hóa đơn tiền điện tháng 4 của khách hàng sẽ chịu ảnh hưởng nhiều bởi thời tiết nắng nóng do lịch ghi chỉ số của khách hàng vào trước thời điểm nắng nóng. Tương tự, hóa đơn tiền điện trong các tháng 5, 6 và 7, số ngày sử dụng điện các tháng này nằm trọn trong giai đoạn nắng nóng, dự báo hóa đơn tiền điện tháng 5, 6 và 7 tăng cao do nhu cầu sử dụng thiết bị làm mát tăng cao.
Mặt khác, giá điện sinh hoạt được xây dựng theo mức bậc thang, nếu khách hàng tiêu thụ điện năng càng nhiều thì mức giá điện càng tăng, dẫn đến hóa đơn tiền điện tăng (từ kWh 401 trở lên khách hàng sẽ phải trả mức giá điện sinh hoạt bậc thang cao nhất: 2.587 đ/kWh). Ví dụ, một hộ dân dùng 280 kWh sẽ mất khoảng 560.000 đồng, còn khi dùng đến 670 kWh thì tiền điện phải thanh toán lên tới gần 1,7 triệu đồng. Như vậy, mức tiêu thụ tăng 2,4 lần nhưng tiền điện tăng khoảng gần 3 lần.
Trên cơ sở đó, EVN Hà Nội khuyến nghị người dân nên sử dụng điện khoa học bằng cách sử dụng các sản phẩm tiết kiệm điện, sử dụng các sản phẩm tiết kiệm năng lượng đã được dán nhãn ngôi sao năng lượng của Bộ Công thương, hạn chế sử dụng các thiết bị điện cùng một lúc vào giờ cao điểm...
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Công bố bộ quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp môi giới bất động sản
Đề xuất cho doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu có tỷ trọng tiêu thụ thấp
Vĩnh Phúc nỗ lực 'xanh' hoá để phát triển bền vững
Bất động sản miền Trung khởi sắc: Đà Nẵng, Quảng Bình dẫn đầu xu hướng tăng trưởng
Thủ tướng: Can thiệp vào hoạt động doanh nghiệp nhà nước sẽ làm méo mó thị trường, cản trở phát triển