Ngành điều Việt Nam: Gã khổng lồ yếu thế
Thông tin trên được Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) đưa ra tại cuộc họp về tình hình sản xuất - kinh doanh ngành điều 6 tháng đầu năm 2018 do Vinacas chủ trì chiều 15/6 ở TP HCM.
Tại cuộc họp, ông Đặng Hoàng Giang, Phó Chủ tịch Vinacas, cập nhật số liệu mới nhất về xuất khẩu điều nhân tính tới hết tháng 5 đạt 141.000 tấn, kim ngạch 1,396 tỉ USD, tăng 21,4% về số lượng và 25,35% về trị giá. Dự kiến kim ngạch xuất khẩu điều năm 2018 đạt 3,7 tỉ USD, tăng 80 triệu USD so với năm 2017, chiếm khoảng 65% thị phần xuất khẩu điều nhân toàn cầu. Với kết quả này, Việt Nam vẫn duy trì vị trí số 1 thế giới về chế biến và xuất khẩu điều nhân năm thứ 13 liên tiếp.
Tuy số liệu về xuất khẩu tăng trưởng khả quan nhưng tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) chế biến điều lại bấp bênh, hiệu quả kém. Ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Vinacas, cho biết trong chuỗi giá trị ngành điều toàn cầu, nông dân và DN chế biến bỏ ra nhiều chi phí, công sức nhất nhưng chỉ được hưởng khoảng 30%-35% lợi nhuận, còn lại rơi vào các nhà rang chiên, nhà thương mại trên thế giới.
"Đây là sự bất bình đẳng rất lớn trong kinh doanh nhưng rất khó thay đổi khi sản xuất tại Việt Nam vẫn còn manh mún, dễ bị đối thủ ép giá ngay trên sân nhà" - ông Thanh nhận xét.
Theo nhiều DN thành viên Vinacas thì hiện nay, hầu hết các nhà máy chế biến nhỏ đều ngưng hoạt động do thiếu nguyên liệu, chiếm khoảng 70%-80% tổng số nhà máy điều trên cả nước. Trong khi đó, giá điều nhân bán ra liên tục sụt giảm từ tháng 10/2017 đến nay, từ mức 11 USD/kg xuống còn 8,2 USD/kg, khiến các nhà máy chế biến bán ra chỉ đạt mức hòa vốn hoặc lỗ.
Ông Tạ Quang Huyên, Giám đốc Công ty CP Hoàng Sơn 1 (tỉnh Bình Phước), cho biết nhu cầu tiêu thụ hạt điều thế giới tăng bình quân 3%-5% nhưng Việt Nam tăng sản lượng trên 25% khiến nguồn cung dư cục bộ. Việc các nhà máy ào ạt nhập nguyên liệu, tăng tốc sản xuất và đẩy hàng ra cùng lúc là lý do để các nhà nhập khẩu nước ngoài ép giá.
"Vấn đề là dù sản phẩm hạt điều có thể lưu kho được 1 năm nhưng do các nhà máy nhỏ, thiếu vốn nên buộc phải đẩy hàng ngay khi sản xuất xong, dẫn đến tình trạng tranh nhau bán, tự hạ giá. Tuy nhiên, vì bán rẻ nên hầu hết các nhà máy nhỏ đều hết hàng, rỗng kho nên chắc chắn giá hạt điều sẽ phục hồi trong thời gian tới" - ông Huyên nhận định.
Tình hình giá điều nhân quá thấp còn ảnh hưởng đến Ấn Độ, nơi có bề dày sản xuất điều lâu đời nhưng 95% sản lượng dành cho tiêu thụ nội địa nên xếp sau Việt Nam về xuất khẩu. Ông Nguyễn Duy Tuân, Tổng Giám đốc Công ty CP Chế biến hàng xuất khẩu Long An (tỉnh Long An), tổng hợp thông tin chính thống từ Ấn Độ cho biết 70%- 80% nhà máy điều tại nước này phải đóng cửa do gặp khó khăn về tài chính, ngân hàng xiết nợ và đang phải nộp hồ sơ xin "giải cứu".
Theo ông Nguyễn Đức Thanh, nhu cầu tiêu thụ hạt điều sẽ tăng vào các tháng cuối năm do có nhiều dịp lễ hội, Tết. Do đó, các DN nên bình tĩnh, ổn định tâm lý để giữ giá bán vì nguồn cung không còn nhiều. "Mục tiêu của ngành điều là giảm sản lượng xuất khẩu để đi vào chất lượng, chế biến sâu để tăng giá bán. Chúng tôi mong muốn tăng giá trị kim ngạch từ các sản phẩm giá trị gia tăng chứ không phải dựa vào tăng sản lượng" - ông Thanh nêu định hướng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/12/2024: Biến động trái chiều
Ba lĩnh vực được dự báo tăng trưởng ấn tượng
Giá ngoại tệ ngày 23/12/2024: USD vẫn tăng mạnh nhờ động thái của Fed
Giá nông sản ngày 23/12/2024: Hồ tiêu và cà phê giữ mức ổn định
Giá heo hơi ngày 23/12/2024: Miền Bắc thiết lập mức giá mới
Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam (21/12/1954 - 21/12/2024)