Thị trường

Ngành đóng tàu, ôtô vẫn “hút” doanh nghiệp Nhật

Ngày 28/10, nhằm tìm hiểu môi trường đầu tư và các chính sách trong ngành Công Thương, đoàn doanh nghiệp thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản đã có buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú về các cơ hội tham gia vào ngành công nghiệp Việt Nam.

Tại đây, đoàn doanh nghiệp hoạt động trong nhiều lĩnh vực như thương mại, sản xuất, dịch vụ, điện… do ông Yoichi Kobayashi- Chủ tịch Ủy ban Hợp tác Kinh doanh Mê Kông – Nhật Bản, đồng thời là Tổng giám đốc, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Itochu- dẫn đầu đã bày tỏ mong muốn được tìm hiểu thị trường và các cơ hội hợp tác tại Việt Nam. Ông Yoichi Kobayashi cho biết, việc Việt Nam tham gia vào Cộng đồng Kinh tế Asean, Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) cùng nhiều hiệp định khác đã tạo thêm sức hấp dẫn đối với các doanh nghiệp Nhật Bản. Hiện có 1.300 doanh nghiệp Nhật đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Trong khi con số này ở Thái Lan và Indonesia lần lượt là 1.500-1.450 doanh nghiệp.

 
Đặc biệt, đoàn doanh nghiệp tới Việt Nam lần này không chỉ có đại diện các tập đoàn lớn mà còn có các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhật Bản. Rất nhiều trong số đó đang muốn tìm hiểu thông tin về chiến lược phát triển công nghiệp nói chung và ngành công nghiệp đóng tàu, ôtô của Việt Nam nói riêng cùng những chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư nước ngoài.
 
Trao đổi với các doanh nghiệp, Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú khẳng định, việc Việt Nam phê duyệt chiến lược công nghiệp hóa gắn với hợp tác Việt Nam - Nhật Bản đã thể hiện sự đánh giá cao mối quan hệ với Chính phủ Nhật Bản nói chung và doanh nghiệp Nhật nói riêng. Trong những năm qua, Nhật Bản luôn dẫn đầu trong số các nước đầu tư vào Việt Nam. Các công trình lớn, có ý nghĩa trọng điểm quốc gia, đa phần đều có sự tham gia của các doanh nghiệp Nhật Bản.
 
Về việc thu hút nguồn vốn FDI vào lĩnh vực công nghiệp, Thứ trưởng cho biết, Việt Nam đang khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài có công nghệ cao và tham gia vào mảng công nghiệp phụ trợ nhằm giúp Việt Nam nhanh chóng phát triển công nghiệp.
 
Riêng về công nghiệp đóng tàu, Việt Nam đang mời gọi các nhà đầu tư tham gia đóng các tàu lớn, tàu đánh bắt xa bờ nhằm hiện đại hóa đội tàu Việt Nam. Trong ngành ôtô, Việt Nam hiện có nhiều ưu đãi cho các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư nhà máy sản xuất các sản phẩm công nghiệp phụ trợ, giúp Việt Nam tạo nền tảng phát triển công nghiệp và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
 
Với các lợi thế đầu tư về ổn định chính trị, quy mô dân số, quỹ đất còn nhiều, lực lượng lao động dồi dào…, Thứ trưởng hy vọng các doanh nghiệp này sẽ sớm tìm kiếm được cơ hội đầu tư và đối tác kinh doanh tại Việt Nam.
Theo Công thương
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo