Phân tích

Ngành Du lịch cần chuẩn bị kỹ lưỡng khi hội nhập ASEAN

(DNVN) - Ngày 22/10, tại Hà Nội, Tổng cục Du lịch (Bộ VHTT&DL) đã tổ chức Họp báo về tình hình triển khai Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về lao động du lịch trong ASEAN (MRA-TP) hướng tới hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC).

Vào cuối năm 2015, theo lộ trình, Việt Nam sẽ chính thức gia nhập Cộng đồng kinh kế ASEAN (AEC). Bên cạnh các trụ cột khác tạo nên Cộng đồng ASEAN là Cộng đồng an ninh - chính trị và Cộng đồng văn hóa - xã hội, AEC được coi là quan trọng nhất. Sự phát triển của AEC sẽ là tiền đề thúc đẩy việc thực hiện hai trụ cột còn lại. Hội nhập AEC sẽ là một bước ngoặt đánh dấu sự hội nhập khu vực một cách toàn diện của các nền kinh tế Đông Nam Á, tạo ra một thị trường chung, giàu tiềm năng với hơn 600 triệu dân và tổng GDP hơn 2000 tỷ USD. 

6 nghề du lịch thu hút nhiều lao động nhất là Lễ tân, Buồng, Phục vụ Nhà hàng, Chế biến món ăn, Điều hành du lịch và Đại lý lữ hành.

Để thúc đẩy sự hình thành của AEC, các quốc gia thành viên ASEAN chú trọng tự do hóa ba lĩnh vực lớn là: Thương mại hàng hoá; Thương mại dịch vụ; Đầu tư, tài chính và lao động. Để tạo điều kiện cho lao động lành nghề di chuyển trong khu vực, từ đó thúc đẩy hoạt động đầu tư và thương mại, các nước ASEAN đã ký kết 8 Thoả thuận công nhận lẫn nhau (MRAs - Mutual Recognition Agreement), theo đó cho phép chứng chỉ của lao động lành nghề được cấp bởi các cơ quan chức năng tương ứng tại một quốc gia sẽ được thừa nhận bởi các nước thành viên khác trong khu vực. Trong lĩnh vực du lịch là Thỏa thuận công nhận lẫn nhau về lao động du lịch (MRA-TP).

Tại buổi họp báo, ông Trần Phú Cường, Vụ phó Vụ Hợp tác Quốc tế (Tổng cục Du lịch) cho biết, việc phát triển nguồn nhân lực du lịch thông qua việc triển khai MRA-TP là một trong những vấn đề quan trọng nhất trong hội nhập du lịch nói riêng và AEC nói chung bởi vì yếu tố con người là thành phần quan trọng cấu thành nên sản phẩm du lịch cũng như đóng có vai trò quyết định trong việc phát triển một cộng đồng. 

Trong khu vực, sau khi hoàn thành xây dựng bộ tiêu chuẩn nghề và giáo trình đào tạo du lịch chung ASEAN cho 6 nghề du lịch thu hút nhiều lao động nhất là Lễ tân, Buồng, Phục vụ Nhà hàng, Chế biến món ăn, Điều hành du lịch và Đại lý lữ hành, ASEAN cũng đã thành lập Ủy ban giám sát nghề du lịch ASEAN (ATPMC) để tổ chức triển khai MRA-TP. 

Hiện nay, ASEAN đang gấp rút hoàn thiện các yếu tố đảm bảo cho MRA-TP có hiệu lực và có thể chính thức áp dụng vào đầu năm 2016, bao gồm: ký Hiệp định thành lập Ban Thư ký khu vực để triển khai MRA-TP; phát triển đội ngũ Đào tạo viên, Đánh giá viên ASEAN và mở rộng ở cấp độ từng quốc gia thành viên; phát triển các bộ công cụ phục vụ đào tạo và đánh giá theo 6 bộ tiêu chuẩn nghề; thành lập các Hội đồng ngành du lịch và Hội đồng thẩm định và cấp chứng chỉ nghề ở từng quốc gia; tiến hành việc đối chiếu các tiêu chuẩn nghề du lịch quốc gia, chương trình đào tạo, hệ thống văn bằng, chứng chỉ của các nước với nhau thông qua hệ quy chiếu chung của ASEAN, từ đó hướng tới việc công nhận tương đương về trình độ tay nghề của lao động du lịch trong khu vực; xây dựng hệ thống đăng ký trực tuyến và phần mềm đánh giá trình độ năng lực lao động du lịch trên cơ sở các văn bằng, chứng chỉ.

Tham gia vào quá trình này, Việt Nam đã thực hiện đầy đủ các trách nhiệm thành viên như việc Bộ trưởng Bộ VHTT&DL ký Công hàm gửi Tổng Thư ký ASEAN thông báo việc giao cho Hội đồng cấp chứng chỉ nghề Du lịch (VTCB) thực hiện chức năng của 2 tổ chức Hội đồng ngành du lịch và Hội đồng thẩm định và cấp chứng chỉ nghề du lịch như yêu cầu của MRA-TP cũng như thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ ký Hiệp định thành lập Ban Thư ký khu vực để triển khai MRA-TP. 

 

Ngành Du lịch cũng đã lựa chọn và đề cử nhân sự phù hợp tham gia các chương trình đào tạo do ASEAN tổ chức để phát triển đội ngũ Đào tạo viên ASEAN và Đánh giá viên ASEAN đối với các nghề Buồng, Chế biến món ăn, Lễ tân và Phục vụ Nhà hàng với tổng số 23 người; tham gia xây dựng và phổ biến các tài liệu hướng dẫn đào tạo và đánh giá lao động du lịch theo các tiêu chuẩn nghề và giáo trình đào tạo du lịch chung trong ASEAN; xây dựng và phát triển hệ thống các tiêu chuẩn nghề du lịch quốc gia (đã ban hành 8 bộ tiêu chuẩn nghề quốc gia và đang trong quá trình chuyển đổi 10 bộ tiêu chuẩn nghề du lịch theo hệ thống VTOS do Liên minh châu Âu hỗ trợ thành các bộ tiêu chuẩn nghề du lịch quốc gia) để có đủ các bộ tiêu chuẩn phục vụ cho việc so sánh và công nhận tương đương với các tiêu chuẩn nghề chung trong ASEAN và gián tiếp là với các nước trong khu vực; tổ chức phổ biến thông tin, nội dung chuyên môn nhằm nâng cao nhận thức về việc triển khai MRA-TP; Hoàn thiện đề án Tăng cường hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN trong lĩnh vực Du lịch để phổ biến cho các đối tượng liên quan trong ngành du lịch. 

Phát biểu tại cuộc họp báo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, ông Hà Văn Siêu nhấn mạnh, để tranh thủ được lợi ích từ MRA-TP và quá trình hội nhập du lịch trong ASEAN đòi hỏi một sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chủ động của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch các cấp, các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo về du lịch và người lao động thông qua việc tăng cường các hoạt động quản lý phát triển nguồn nhân lực, tổ chức đào tạo, tự đào tạo, củng cố nội lực, tăng tính cạnh tranh của các doanh nghiệp và cơ sở đào tạo du lịch, đồng thời có các chính sách thu hút và giữ chân nhân tài trong một môi trường cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ của khu vực ASEAN.

VĂN HUY
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo