Thị trường

Ngành may mặc cần hướng đến tăng trưởng xanh

“Phát triển bền vững ngành may mặc chính là một cơ hội để ngành may mặc Việt Nam tăng giá trị trong chuỗi cung ứng toàn cầu và tăng khả năng cạnh tranh của mình", trang điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) dẫn phát biểu của ông Trần Hồng Hà, Thứ trưởng Bộ TN&MT tại Diễn đàn Tăng trưởng xanh toàn cầu lần thứ 4 vừa qua.

Cũng theo ông Trần Hồng Hà, cần khuyến khích khu vực sản xuất tư nhân trong ngành may mặc tham gia các chương trình sản xuất sạch hơn để có thể tiết kiệm năng lượng và tiêu thụ nguyên liệu qua đó giảm chi phí sản xuất.

Chính phủ Việt Nam đã và đang có những giải pháp để ngành may mặc hướng đến tăng trưởng xanh, bền vững.

Để thúc đẩy ngành may mặc hướng đến đến tăng trưởng xanh, phát triển bền vững Việt Nam cũng có các ưu đãi về thuế đối với sản phẩm sản xuất bằng vật liệu sẵn có của địa phương, cũng như ưu đãi về đất, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư máy móc, công nghệ sạch.

Khuyến khích người tiêu dùng thay đổi thói quen cũ chuyển sang sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường.

Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam cũng tạo điều kiện để hình thành quan hệ đối tác, liên minh giữa các nhà sản xuất Việt Nam và các nhà nhập khẩu nước ngoài, các nhà bán lẻ, nhập khẩu và các chính phủ để tạo ra các sản phẩm bền vững về vật chất và thương hiệu.

May mặc là một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn trong nền kinh tế quốc dân của Việt Nam, cung cấp các mặt hàng thiết yếu trong đời sống sinh hoạt của nhân dân và giải quyết hàng triệu việc làm các loại cho người lao động.

Kim ngạch xuất khẩu của ngành công nghiệp may mặc Việt Nam trong những năm qua luôn đứng thứ hai trong tổng số những ngành có sản phẩm xuất khẩu thu về nguồn ngoại tệ lớn, đứng thứ tư trên thế giới về sản xuất và đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu giầy dép và túi xách vào thị trường EU, Hoa Kỳ và Nhật Bản, đóng góp không nhỏ cho ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, nước thải và chất thải rắn vẫn chưa được giải quyết một cách triệt để, nhằm đảm bảo phát triển bền vững cũng như các yêu cầu khắt khe của các thị trường sản phẩm may mặc toàn cầu. Các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là nhà thầu phụ của công ty nước ngoài. Tỷ lệ nội địa hóa thấp. Bởi thế dù kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam là khá cao song sự tham gia của các chuỗi giá trị toàn cầu vẫn còn khiêm tốn.

Thứ trưởng cũng khẳng định, việc tham gia sáng kiến Tạo lập các chuỗi giá trị bền vững cho ngành may mặc của Diễn đàn Tăng trưởng xanh sẽ giúp các quốc gia giới thiệu và bảo đảm thực thi các tiêu chuẩn sản xuất có tính bền vững, đảm bảo tiêu chí môi trường. Đồng thời nâng cao nhận thức và hỗ trợ doanh nghiệp địa phương tăng cường năng lực, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của ngành công nghiệp may mặc. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng chia sẻ trách nhiệm trong việc tăng trưởng xanh cho ngành công nghiệp này.

Quỳnh Chi
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo