Ngành thuế Quảng Bình với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương
Đẩy mạnh hiện đại hóa công tác quản lý thuế gắn với cải cách thủ tục hành chính, tăng cường kỷ luật, nâng cao tinh thần trách nhiệm đội ngũ, cán bộ công chức trong thực thi công vụ và thực hiện tốt công tác phòng chống tham nhũng, tiết kiệm chống lãng phí, đồng thời triển khai đồng bộ các biện pháp quản lý thuế, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chống thất thu thuế, trốn thuế, xử lý nợ thuế… là những nỗ lực của Cục Thuế tỉnh Quảng Bình, góp phần tạo động lực cho nền kinh tế của tỉnh phát triển.
Thanh, kiểm tra là nhiệm vụ trọng tâm của ngành Thuế
Nếu ngành Thuế được ví như những “người gác cửa” cho nguồn thu của ngân sách nhà nước, thì công tác thanh tra thuế chính là người hoàn tất những công việc cuối cùng của nhiệm vụ gác cửa, góp phần hạn chế thất thoát cho nguồn thu ngân sách ở địa phương, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật thuế.
Ông Hoàng Ngọc Trâm, Trưởng phòng Thanh tra Cục thuế tỉnh Quảng Bình cho biết: công tác thanh, kiểm tra thuế đối với các hoạt động, giao dịch liên quan đến phát sinh nghĩa vụ thuế và tình hình thực hiện thủ tục hành chính thuế, chấp hành nghĩa vụ nộp thuế của người nộp thuế, nhằm đảm bảo Luật thuế đều được thực thi nghiêm chỉnh. Quan trọng hơn, với cơ chế tự tính, tự khai, tự nộp thuế như hiện nay, nhiệm vụ của thanh, kiểm tra còn nhằm phát hiện và ngăn ngừa đối với các trường hợp cố tình lợi dụng cơ chế này để gian lận, trốn thuế, chiếm đoạt tiền thuế.
Năm 2017, qua công tác thanh, kiểm tra thuế, Thanh tra Cục thuế của tỉnh đã phát hiện tổng số trên 42 tỷ đồng tiền gian lận, trốn thuế. Trong đó, số thuế truy thu và phạt hơn 31 tỷ đồng, đã nộp ngân sách nhà nước hơn 25 tỷ đồng. Cũng trong năm 2017, qua thanh tra thuế ở 75 đơn vị, đã phát hiện hơn 14 tỷ đồng gian lận, trốn thuế, trong đó, số thuế truy thu hơn 6,7 tỷ đồng, tiền phạt và tiền chậm nộp hơn 3,2 tỷ đồng, giảm khấu trừ hơn 4,1 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước hơn 8,3 tỷ đồng.
Qua công tác kiểm tra gần 3.000 hồ sơ khai thuế, phát hiện 45 bộ hồ sơ sai sót, đề nghị người nộp thuế phải giải trình, điều chỉnh, bổ sung theo đúng quy định và điều chỉnh tăng số thuế phải nộp hơn 1,3 tỷ đồng, giảm khấu trừ gần 456 triệu đồng.
Đến hết quý I/ 2018, đã có 6 cuộc thanh tra tại các doanh nghiệp, phát hiện tổng số tiền gian lận, trốn thuế gần 650 triệu đồng. Trong đó, số tiền truy thu và phạt chậm nộp vào ngân sách nhà nước gần 570 triệu đồng. Ngoài ra, còn phát hiện 2 đơn vị có dấu hiệu nghi vấn trốn thuế và đã chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra tiếp tục xác minh làm rõ.
Ông Đoàn Vĩ Tuyến, Cục trưởng Cục thuế tỉnh cho biết: Thời gian tới, bên cạnh việc khắc phục các hạn chế trong công tác thanh, kiểm tra, lãnh đạo ngành thuế tỉnh sẽ chú trọng công tác xây dựng lực lượng và từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ bằng việc thường xuyên đánh giá kết quả công tác gắn với trách nhiệm, phát huy tính năng động sáng tạo của từng công chức nhằm nâng cao năng lực phát hiện sai phạm trong quá trình thanh, kiểm tra. Bên cạnh đó, ngành Thuế sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan điều tra trong việc xác minh điều tra các doanh nghiệp có hành vi cố tình không kê khai, khai man, trốn thuế, gian lận, chiếm đoạt tiền thuế, sử dụng, mua bán hóa đơn bất hợp pháp, góp phần hạn chế việc thất thu thuế, tăng nguồn thu ngân sách.
Thu hồi nợ đọng và chống thất thu thuế - công việc không hề đơn giản
Bao giờ thì thu hồi được nợ ? giải pháp để chống thất thu thuế là gì ? Trả lời những câu hỏi này không hề đơn giản.
Trong nhiều lần trao đổi với báo giới, ông Đoàn Vĩ Tuyến, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Quảng Bình chia sẻ: “Xác định công tác quản lý, thu hồi nợ là lĩnh vực khó, nên hàng năm Cục Thuế tỉnh đã xây dựng kế hoạch giao dự toán thu hồi nợ, triển khai đến các đơn vị trực thuộc. Đối với các trường hợp nợ thuế lớn, Cục đã ra quyết định cưỡng chế nợ thuế. Bên cạnh đó, Cục đã phối hợp với các đơn vị khác như: với Kho bạc Nhà nước tỉnh để thực hiện khấu trừ tại nguồn đối với số tiền nợ thuế của các đơn vị xây dựng cơ bản bằng vốn ngân sách, thu nợ đọng thuế qua công tác hoàn thuế; với Sở Tài nguyên và Môi trường để thu nợ đọng thuế qua việc cấp, gia hạn quyền khai thác khoáng sản, thuê đất; với Sở Kế hoạch và Đầu tư trong việc cấp giấy phép đầu tư, phê duyệt dự án đầu tư.
Cũng theo ông Đoàn Vĩ Tuyến, ngành Thuế đã xác định được các ngành nghề, lĩnh vực thường xảy ra tình trạng thất thu thuế lớn như: khai thác khoáng sản, kinh doanh vận tải, vật liệu xây dựng, dịch vụ du lịch, kinh doanh thương mại, điện tử… Vì vậy, Cục đã chủ động tham mưu, đề xuất tỉnh các giải pháp chống thất thu ngân sách nhà nước với UBND; chỉ đạo các Chi cục tham mưu cho UBND các huyện, thị xã, thành phố thành lập các ban chỉ đạo và các tổ chống thất thu liên ngành.
“Trong thời gian tới, ngành Thuế sẽ tập trung phân tích, xử lý số liệu để nắm bắt các đơn vị có số nợ tăng đột biến, từ đó đề xuất biện pháp thu nợ kịp thời. Kiên quyết áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo Luật định để thu nợ thuế đối với các đơn vị chây ỳ; tiếp tục tham mưu cho UBND các cấp và phối hợp với các ban, ngành liên quan để có biện pháp thu nợ thuế hiệu quả, đặc biệt là tiền thuê đất, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản” - ông Tuyến cho biết thêm.
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2018, ngành Thuế Quảng Bình đang tiếp tục phấn đấu hoàn thành vượt dự toán thu ngân sách năm 2018.
Phía trước còn đó những gian nan, thử thách, phát huy thành tích đã đạt được của năm 2017, ngành thuế Quảng Bình đang nổ lực hết mình, góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh.
Năm 2017, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt 113,8% dự toán được giao. Trong đó, số thu trong cân đối là 3.466 tỷ, đạt 112,4% dự toán trung ương, tăng 22,3% so với cùng kỳ. Trong 14 khoản thu, có 9 khoản thu đạt và vượt so với dự toán. |
End of content
Không có tin nào tiếp theo