Ngành tôm: Một năm đầy giông bão
Tuy nhiên, những con số này vẫn chưa lột tả hết diễn biến nội tại trong toàn chuỗi sản phẩm tôm Việt Nam qua một năm nhiều biến động.
Con tôm “ôm” thất vọng
Nhật Bản là thị trường lớn nhất, chiếm tới 27,7% tổng kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam trong năm 2012. Tuy nhiên, nước này giảm nhập khẩu tôm từ Việt Nam trong suốt nửa cuối năm qua, bởi lẽ, từ tháng 5.2012, những lô hàng tôm nhập khẩu từ Việt Nam vào Nhật Bản bắt đầu phải qua kiểm soát dư lượng hoá chất (ethoxyquin). Quy định này khiến người nuôi tôm trong nước gặp khó khăn, bởi chỉ có tôm nuôi quảng canh (không cho ăn thức ăn công nghiệp) mới có thể đảm bảo không có mối liên hệ gì với ethoxyquin, nhưng sản lượng thu hoạch chỉ vài chục kg/ha/con nước. Liên quan đến việc kiểm tra ethoxyquin, tôm Việt Nam khi xuất khẩu còn bị đối tác ép giảm giá bình quân 22% so với trước thời điểm có quy định kiểm tra.
Bên cạnh đó, một số đối tác nhập khẩu chính cũng giảm sản lượng mua: Mỹ giảm 15,6%; EU giảm 24,8%; Canada giảm 14,1%... Ông Trần Thiện Hải, chủ tịch VASEP, lo lắng: “Một số nhà nhập khẩu lớn của Mỹ nói rằng khách hàng của họ không mấy quan tâm đến sự khác biệt về chất lượng tôm từ các nhà cung cấp, mà họ chỉ quan tâm tới giá bán của nó”. Trong khi đó, tổng thư ký hội Thuỷ sản Cà Mau (CASEP) – ông Lý Văn Thuận, nói: “Sản phẩm tôm sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước sẽ cao hơn từ 1 – 1,5 USD/kg so với tôm nguyên liệu nhập khẩu”. Chính vì vậy, theo ông Lê Văn Quang, chủ tịch HĐQT tập đoàn Minh Phú (Cà Mau), khi tham gia thị trường Nhật Bản; có thời điểm giá tôm Việt Nam là 11,2 USD/kg, cùng lúc đó, giá tôm Ấn Độ cùng loại, cùng thị trường chỉ bán 8,6 USD/kg.
Theo VASEP, có khoảng 300 doanh nghiệp từng tham gia xuất khẩu tôm, mặt hàng chiếm 36 – 38% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản của cả nước, nhưng đến nay, đã có 30% doanh nghiệp ngừng hoạt động do thị trường thu hẹp dần, thiếu vốn, giá nguyên liệu tăng cao làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm, 70% doanh nghiệp còn lại chỉ hoạt động cầm chừng với khoảng 40 – 50% công suất.
Mất trắng 7.600 tỉ đồng trong một năm
Trong năm 2012, đã có 100.766ha tôm nuôi bị bệnh và chết. Nếu theo cách tính của tổng cục Thuỷ sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), tổng thiệt hại cho người nuôi khoảng hơn 7.600 tỉ đồng. Các loại bệnh tôm như: đốm trắng, đầu vàng… đã được xác định, riêng hội chứng tôm chết sớm với dấu hiệu hoại tử gan, tuỵ thì sau nhiều lần hội chẩn, hội thảo, các nhà nghiên cứu cũng mới chỉ khoanh vùng, đặt nghi vấn mà chưa thể xác định chính xác.Theo VASEP, năm qua, chuyện tôm chết thành dịch cho đến nay vẫn là “bí ẩn”. Đành rằng, xác định nguyên nhân gây dịch bệnh là vấn đề sống còn hiện nay đối với ngành tôm, nhưng người nuôi tôm ít vốn; thiếu nhân lực, kiến thức, phương tiện… chỉ còn biết trông chờ vào Nhà nước và những nhà chuyên môn.
Tương lai mờ mịt
Trước thực tế ngổn ngang từ nguồn cung nguyên liệu đến thị trường xuất khẩu, những dự báo của VASEP về tương lai của con tôm trong năm nay vẫn chưa mấy sáng sủa. Trong điều kiện “lý tưởng”, nếu những thách thức về dịch bệnh, rào cản ethoxyquin được tháo gỡ, ngăn chặn được tình trạng thương lái Trung Quốc thu gom nguyên liệu… các yếu tố, giá cả, thị trường xuất khẩu không thay đổi, thì kim ngạch xuất khẩu năm 2013 sẽ tương đương năm 2011, tăng hơn 6% so với năm 2012. Nhưng nếu lần lượt đảo ngược các yếu tố đầu vào, người nuôi sẽ tiếp tục gặp khó, doanh nghiệp xuất khẩu sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu nguyên liệu trầm trọng dù giá tăng cao.
Để giải quyết vấn nạn này, giá trị nhập khẩu tôm nguyên liệu dự báo sẽ lên tới trên 200 triệu USD trong năm nay, nhưng kim ngạch xuất khẩu cũng chỉ tương đương năm 2012. Trong tình huống xấu hơn, những rào cản thương mại, chính sách thuế nhập khẩu của các quốc gia tiếp tục gia tăng… giá xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam tăng lên, tạo điều kiện tốt cho đối thủ cạnh tranh. Nếu như vậy, kim ngạch xuất khẩu tôm sẽ tiếp tục giảm so với năm 2012.
Đoàn Huế (Theo SGTT)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
FPT mở thêm văn phòng tại Cần Thơ
Giá vàng ngày 23/12/2024: Biến động trái chiều
Ba lĩnh vực được dự báo tăng trưởng ấn tượng
Giá ngoại tệ ngày 23/12/2024: USD vẫn tăng mạnh nhờ động thái của Fed
Giá nông sản ngày 23/12/2024: Hồ tiêu và cà phê giữ mức ổn định
Giá heo hơi ngày 23/12/2024: Miền Bắc thiết lập mức giá mới