Xã hội

Ngành Y tế quyết tâm loại bỏ cán bộ biến chất

Năm 2015, ngành Y tế tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, cương quyết loại bỏ những cán bộ y tế biến chất, thiếu trách nhiệm với người bệnh để các cán bộ y tế luôn xứng đáng với danh hiệu cao quý "Thầy thuốc như mẹ hiền".

Dùng robot phẫu thuật nội soi là một trong những thành tựu y tế năm 2014 của Việt Nam. (Ảnh: MTG)

 

Kỷ niệm 60 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955-27/2/2015), ngành y tế đã điểm lại những thành quả đã đạt được trong những năm vừa qua.

Thời điểm gần nhất, năm 2014 kinh tế Việt Nam tiếp tục chịu ảnh hưởng của khủng hoảng và suy thoái kinh tế thế giới, điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng thắt chặt và sự đòi hỏi phải đẩy nhanh tiến độ đổi mới cơ chế hoạt động theo thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN đã tác động mạnh đến sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Trong khi nhu cầu chăm sóc sức khỏe người dân ngày càng tăng và đa dạng, mô hình bệnh tật có sự gia tăng nhanh chóng; tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, mang tính toàn cầu; khoảng cách thu nhập cũng như các chỉ số sức khỏe giữa người giàu, người nghèo ngày càng tăng, mức độ chi trả và sự hài lòng trong chi trả dịch vụ y tế có sự chênh lệch lớn giữa các nhóm dân cư và giữa các vùng, miền; một số sai sót kỹ thuật cũng như thái độ ứng xử không tốt của một số thầy thuốc xảy ra tại một vài cơ sở y tế (công lập và tư nhân) trong thời gian vừa qua mà dư luận quan tâm đã ảnh hưởng không những đến hành ảnh cao đẹp của người thầy thuốc mà còn tác động mạnh đến kết quả hoạt động của ngành y tế, nhất là trong công tác tiêm chủng phòng bệnh...,

Trong khi đó ngân sách nhà nước dành cho y tế bị cắt giảm, nguồn ODA ngày càng thu hẹp, tỷ lệ chi từ tiền túi hộ gia đình cho chăm sóc sức khỏe còn cao (gần 48%)…, đòi hỏi ngành Y tế tiếp tục triển khai giải pháp hữu hiệu để giải quyết tốt mối quan hệ Cung - Cầu trong chăm sóc sức khỏe, bảo đảm công bằng, hiệu quả và phát triển là nhiệm vụ trọng tâm của ngành y tế trong giai đoạn 2011-2020 và các năm tiếp theo.

Năm 2014, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; Chính phủ ban hành 3 Nghị quyết và 4 Nghị định; Thủ tướng Chính phủ ban hành 8 Quyết định.., tập trung vào các lĩnh vực như y tế cơ sở, Bảo hiểm y tế; thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ...

Các chính sách được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới cho giai đoạn 2014-2020 là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc điều chỉnh và thực hiện các hoạt động y tế phù hợp với tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và hội nhập quốc tế, việc quy hoạch lại hệ thống theo hướng thu gọn, tinh giản đầu mối, tập trung chuyên môn, từng bước thực hiện "chăm sóc sức khỏe toàn diện", "bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân" hướng tới cộng đồng vì mục tiêu “Sức khỏe cho mọi người” và “Mọi người vì sức khỏe”.

Năm 2014 cũng là năm thứ 14 ngành y tế tiếp tục bảo vệ thành quả thanh toán Bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh, bảo đảm các mục tiêu về tiêm chủng mở rộng, đồng thời cũng là năm  dịch bệnh trên thế giới diễn biến hết sức phức tạp, một số dịch bệnh mới chưa có vắc xin phòng ngừa; nguy cơ dịch trong nước như tả, sởi, sốt rét kháng thuốc còn cao, trong khi các yếu tố tác động bất lợi cho sức khỏe chưa được kiểm soát tốt, tình hình biến đổi khí hậu, lũ lụt xảy ra trong năm là những yếu tố nguy cơ bùng phát dịch bệnh.

 Công tác khám chữa bệnh cũng đạt được nhiều thành tựu quan trọng, các chỉ tiêu tổng hợp như số giường bệnh trên vạn dân, số lần khám bệnh, số bệnh nhân nội trú, ngoại trú, số ngày điều trị nội, ngoại trú, số phẫu thuật, thủ thuật đều tăng từ 15 - 20% so với năm trước, điều đó cho thấy sự tiếp cận của người dân với dịch vụ y tế công đã được cải thiện và nhu cầu khám chữa bệnh của người dân đã tăng nhanh hơn tốc độ tăng đầu tư cho phát triển y tế.

 Nhiều kỹ thuật mới trong y học đã được áp dụng thành công tại Việt Nam và đã trở thành thường quy tại các tỉnh; một số kỹ thuật chuyên sâu đạt ngang tầm các nước trong khu vực như kỹ thuật ghép tạng, thay khớp, mổ nội soi, thụ tinh trong ống nghiệm..., đặc biệt năm 2014, kỹ thuật cấy ghép tế bào gốc đã trở thành một trong 10 sự kiện nổi bật trong năm của cả nước. 

Điều mà dư luận tiếp tục quan tâm là tình trạng quá tải bệnh viện và sự hài lòng của người bệnh. Năm 2014, với việc triển khai đồng bộ các giải pháp,  tập trung các nguồn vốn đầu tư để hoàn thành một số dự án, hạng mục quan trọng phục vụ giảm quá tải bệnh, tình trạng quá tải tại nhiều bệnh viện về cơ bản đã được giải quyết như Bệnh viện K, Bệnh viện Nội tiết TW đã giảm từ 60-70% số giường phải nằm ghép, nay chỉ còn 6-7%…; có 58% số bệnh viện tuyến trung ương, 47% số bệnh viện tuyến tỉnh đã giảm hẳn tình trạng nằm ghép ở một số khoa đông bệnh nhân; 25% số bệnh viện tuyến huyện đã tăng số bệnh nhân và tăng trung bình gần 20% công suất sử dụng giường bệnh. 37,5% số bệnh viện vệ tinh đã giảm khoảng 25% số bệnh nhân chuyển tuyến trên điều trị so với năm trước.

 Bộ Y tế cũng đã thực hiện tốt việc tiếp nhận, cấp cứu, điều trị các nạn nhân của vụ đứt cáp treo tại Lai Châu; phối hợp với Bộ Quốc phòng tổ chức cứu chữa các chiến sỹ trong vụ tai nạn máy bay trực thăng tại Hòa Lạc, tham gia cấp cứu 12 công nhân trong vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng ở Lâm Đồng...

Các chỉ tiêu cơ bản phản ánh chất lượng chăm sóc sức khỏe bà mẹ -trẻ em năm 2014 đạt khá tốt: Việt Nam là 1 trong 10 nước có tốc độ giảm nhanh nhất tỷ số tử vong mẹ và tử vong sơ sinh, tuy nhiên cũng cần phải nỗ lực hơn nữa của các địa phương, đơn vị thì mới có khả năng hoàn thành mục tiêu Thiên Niên kỷ vào năm 2015, nhất là chỉ tiêu tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi.

Ngành Y tế đã có điều kiện thực hiện đổi mới phương thức phân bổ ngân sách Nhà nước cho các cơ sở y tế theo hiệu quả hoạt động và kết quả đầu ra; đổi mới phương thức chi trả dịch vụ y tế, chuyển phần ngân sách cấp cho các bệnh viện sang cấp trực tiếp cho người thụ hưởng thông qua việc mua hoặc hỗ trợ mua thẻ BHYT nhằm tăng nhanh tỷ lệ bao phủ BHYT để giảm bớt gánh nặng tài chính của người dân khi đi khám, chữa bệnh.

Đi đôi với việc đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính, tăng cường tự chủ cho đơn vị y tế, công tác thanh tra, kiểm tra về chi tiêu, giá dịch vụ, giá thuốc, phòng chống hành vi gian lận, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, kiểm soát đấu thầu mua thuốc, bảo đảm mua được thuốc đạt chất lượng với giá cả hợp lý đã được tăng cường, theo kết quả sơ bộ, năm 2014 đã giảm được khoảng 20-30% giá thuốc so với giá kế hoạch, góp phần bình ổn thị trường dược phẩm trong bối cảnh chung của nền kinh tế, không để xảy ra trường hợp tăng giá đột biến và bất hợp lý.

Bước vào năm 2015, năm cuối cùng thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015, cũng là năm kết thúc thực hiện Mục tiêu Thiên niên kỷ giai đoạn 1990-2015, chuẩn bị bước vào trang lịch sử mới đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020 với việc thực hiện các chính sách đổi mới của Đảng, Chính phủ hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Ngành Y tế tiếp tục phát huy hiệu quả phối hợp liên ngành, đa ngành trong chăm sóc sức khỏe, thông tin cho người dân biết những kỹ thuật y tế đã thực hiện thành công; đồng thời đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, cương quyết loại bỏ những cán bộ y tế biến chất, thiếu trách nhiệm với người bệnh để các cán bộ y tế luôn xứng đáng với danh hiệu cao quý "Thầy thuốc như mẹ hiền".

 

Đoàn Huế
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo