Ngày đầu thực hiện lãi suất huy động 9%/năm
Không chạy đua lãi suất
Cuối giờ sáng ngày 11/6, khu vực chợ Hàng Da, quận Hoàn Kiếm, chỉ một dãy phố ngắn, đồng loạt phòng giao dịch của các ngân hàng BIDV, Sacombank, Vietinbank, Eximbank đều treo biển hạ lãi suất huy động về mức 9%/năm gửi VND và vẫn 2% với USD.
Lượng khách hàng ra vào giao dịch tại ngân hàng không nhiều. Anh Tuấn, trưởng một phòng giao dịch của BIDV trên phố này cho biết: “Cả buổi sáng tôi chưa ký sổ gửi tiền một khách hàng nào. Còn việc đáo sổ, gần như không có bởi trước đó vài ngày nhân viên ngân hàng đã tư vấn cho các khách ruột gửi kỳ hạn ba đến sáu tháng với lãi suất 12%/năm rồi”.
Đầu đường Hoàng Quốc Việt là một dãy các ngân hàng lớn như Agribank, Vietcombank, Techcombank.
Tại phòng giao dịch VIP của một trong số các ngân hàng này, nếu như cách đây một năm khách có thể mặc cả lãi suất huy động cao hơn tới 4,5% so với trần 14%/năm của Ngân hàng Nhà nước, nhưng nay vẫn nữ nhân viên tư vấn ấy nhất mực khẳng định mặt bằng chung đều thống nhất 9%/năm và không thể điều chỉnh hơn dù số tiền khách đề nghị gửi khá lớn.
“Chị gửi chỗ bọn em sẽ có quà tặng đặc biệt dành cho khách VIP. Còn lãi suất cao hơn thì bọn em không thể” - cô nói.
Trưởng phòng giao dịch gần Ngã Tư Sở của Ngân hàng Đồng bằng sông Cửu Long, chi nhánh Hà Nội chia sẻ: “Dù hôm nay là ngày đầu về trần lãi suất 9%/năm nhưng trên thực tế ngân hàng đã nhận được lệnh điều chỉnh ngay từ hôm 8/6, khi Ngân hàng Nhà nước có tuyên bố điều chỉnh các loại lãi suất. Nhanh chân hơn, phòng giao dịch của Ngân hàng Vietcombank bên cạnh đã hạ lãi suất huy động về 9% trước đó một ngày”.
Nói về việc khách hàng đáo hạn sớm để “chạy” hưởng mức lãi suất 11% năm trước khi trần huy động về 9%/năm, anh khẳng định: “Thực tế lần hạ lãi suất này, tôi chỉ phải ký vài ba sổ đáo hạn sớm còn lại rất ít khách tỏ ý quan tâm”.
Theo anh, thị trường tiền gửi đang có một sự thay đổi lớn theo chiều hướng tích cực. Trái với những lần điều chỉnh trước, khách cứ ào ào đến đòi rút tiền để “chạy” sang ngân hàng khác hưởng lãi suất cao hơn, nay bài toán thanh khoản không còn căng thẳng nên hầu hết lãi suất các ngân hàng đều chung một mặt bằng.
“Ngay cả với khách VIP đang có sổ gửi lên đến cả chục tỷ đồng tại ngân hàng tôi cũng không thấy họ đòi hỏi gì”- anh nói.
Lãi suất cao nhất tại VPbank cũng chỉ 10,5%/năm. Ảnh: Minh Đức. |
Theo quy định, từ hôm qua, với kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, ngân hàng được thỏa thuận lãi suất với khách gửi tiền.
Phản ứng của thị trường, phần lớn các ngân hàng cũng chỉ giới hạn mức lãi suất huy động cao nhất từ 11% trở xuống. Như VPbank, lãi suất huy động kỳ hạn trên 12 tháng chỉ 10,5%/năm... Tình trạng chạy đua lãi suất huy động hầu như không xảy ra.
Đi đúng hướng
Lý giải về việc Ngân hàng Nhà nước thả nổi lãi suất từ 12 tháng trở lên, bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ nhắc lại tuyên bố từ đầu năm của Thống đốc Nguyễn Văn Bình rằng việc áp trần lãi suất chỉ mang tính tạm thời. Ngân hàng Nhà nước luôn hướng tới nguyên tắc thị trường, bỏ trần lãi suất huy động ngay khi có điều kiện.
Ổn định lãi suất đến cuối năm Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng, lãi suất sẽ ổn định ở mức 9% từ nay tới cuối năm. Tỷ giá cũng sẽ được giữ ổn định, trong trường hợp tăng cũng sẽ không quá 2-3% trong cả năm nay. Bỏ trần lãi suất huy động từ 12 tháng trở lên là một bước tiến tới dỡ bỏ các biện pháp, chỉ đạo mang tính hành chính trong thị trường ngân hàng. Thực tế tâm lý thị trường và người dân cho tới nay, tiền gửi ngoại tệ của dân cư giảm và đã dịch chuyển sang tiền đồng. Quyết định giảm lãi suất tiền đồng sẽ không ảnh hưởng tới tỷ giá. |
Theo bà Hồng, những điều kiện nhắc tới ở đây chính là kỳ vọng lạm phát đang giảm dần về dưới 10%, thanh khoản của các ngân hàng được cải thiện nhiều, các giải pháp tổng thể của Chính phủ đang được tích cực triển khai với hy vọng vực dậy sản xuất kinh doanh, khơi thông dòng vốn cho nền kinh tế và lúc này được xem là thời điểm phù hợp.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại khi thả nổi lãi suất kỳ hạn trên 12 tháng, dẫn tới lãi suất cho vay khó giảm. Theo ông Nguyễn Thắng, Phó Tổng giám đốc Techcombank, đáy lãi suất cho vay thực tế đã xuống rất sâu so với mức trần mà Ngân hàng Nhà nước khống chế.
Bản thân ngân hàng đang thừa vốn, ai nấy đều cạnh tranh giữ chân khách hàng tốt. Do đó không nên quá lo lắng về chuyện lãi suất cho vay bùng lên khi thả nổi lãi suất.
Còn ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch LienvietPostBank cho rằng: “Việc thả nổi lãi suất trên 12 tháng là đi đúng quy luật, lãi suất thấp với các kỳ hạn ngắn và cao với trung và dài hạn, thay vì lâu nay lãi suất kỳ hạn ngắn bằng, thậm chí còn cao hơn lãi suất kỳ hạn dài, khiến ngân hàng rất khó khăn khi tìm vốn cho vay trung dài hạn.
“Ai đó mong lãi suất xuống thấp hơn nữa để đầu tư vào ngoại tệ là một sai lầm. Giờ làm doanh nghiệp, để kinh doanh có lãi 8-9% cực kỳ khó khăn. Vì thế lúc này gửi tiết kiệm tiền đồng vẫn an toàn và có lãi”- ông Hưởng tự tin.
Theo TP
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Công bố bộ quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp môi giới bất động sản
Đề xuất cho doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu có tỷ trọng tiêu thụ thấp
Vĩnh Phúc nỗ lực 'xanh' hoá để phát triển bền vững
Bất động sản miền Trung khởi sắc: Đà Nẵng, Quảng Bình dẫn đầu xu hướng tăng trưởng
Thủ tướng: Can thiệp vào hoạt động doanh nghiệp nhà nước sẽ làm méo mó thị trường, cản trở phát triển