Ngày thứ 5 tìm kiếm máy bay mất tích: Vẫn bật vô âm tín
Ngày 12/3, Malaysia đã chính thức công nhận đang tìm kiếm chiếc máy bay mất tích ở khu vực eo biển Maccala, mặc dù đã phủ nhận thông tin này chỉ một ngày trước đó. Còn ông Phạm Quý Tiêu – Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, phía Malaysia không tích cực phối hợp tìm kiếm cùng Việt Nam.
Bộ trưởng Quốc phòng kiêm Quyền Bộ trưởng giao thông Malaysia – ông Hishammuddin Hussein, cho biết: “Cuộc tìm kiếm máy bay mất tích đã và đang diễn ra ở cả hai khu vực eo biển Malacca và biển Đông với sự tham gia của 12 quốc gia, 42 tàu và 39 máy bay trong phạm vi 27.000 dặm vuông”.
Trước câu hỏi của báo giới: Vì sao quân đội Malaysia lại giấu giếm thông tin về tín hiệu cuối cùng của máy bay mất tích được radar quân đội Malaysia phát hiện?
Ông Hishammuddin Hussein cho biết, vào ngày 8/3 khi tìm kiếm mở rộng từ vị trí chiếc máy bay mất tín hiệu radar mà vẫn không phát hiện được gì, chính quyền nước này đã yêu cầu phía quân đội tìm lại các dữ liệu được radar lưu lại trong ngày 8/3 sau khi mất liên lạc với chuyến may MH370. Theo dữ liệu cho thấy, radar quân đội nước này đã phát hiện ra một tín hiệu có khả năng là của MH370.
Ông Hishammuddin Hussein cũng cho biết thêm, là sẽ hợp tác mật thiết với phía Việt Nam trong công tác tìm kiếm. Ông Hussein đánh giá cao về sự hợp tác của Việt Nam và tuyên bố cuộc tìm kiếm ở cả hai khu vực eo biển Malacca và biển Đông vẫn tiến hành. Và cho tới nay, là ngày thứ năm kể từ khi máy bay Malaysia Airlines bị mất liên lạc, về phía chính quyền Malaysia vẫn cương quyết giữ lập trường về công tác đang triển khai là tìm kiếm và cứu hộ.
“Chúng tôi vẫn còn hy vọng cho sự sống của 239 hành khách trên chiếc máy bay MH370. Vì cho tới nay không có điều gì có thể khẳng định là họ đã thật sự gặp tai nạn”, ông Hussein nói.
Cùng thời điểm , Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Malaysia Zulkifeli Mohd Zin cho biết, việc phát hiện tín hiệu vào lúc 2h15 ngày 8/3, tức là khoảng 45 phút sau khi chuyến bay MH370 biến mất khỏi màn hình theo dõi không lưu Malaysia.
“Phía quân đội Malaysia chưa thể chắc chắn vật thể mà radar của họ phát hiện ra là chiếc máy bay bị mất tích, vì rằng vị trí cuối cùng của chiếc máy bay trên radar quân đội không phải là kết quả từ hoạt động theo dõi trực tiếp. Đó là lý do vì sao mà đến hôm nay mới có câu trả lời chính thức từ chính quyền sở tại về vấn đề này”, ông Zulkifeli Mohd Zin cho biết.
Công tác tìm kiếm chiếc máy bay mất tích vẫn đang được các nước trong khu vực triển khai ráo riết. Ngày hôm qua, hãng thông tấn Trung Quốc đã công bố một số bức ảnh chụp từ vệ tinh một vật thể nghi là mảnh vỡ từ chiếc máy bay bị mất tích của hãng hàng không Malaysia Airlines ở vùng biển phía Nam Việt Nam, tức gần với đường bay ban đầu của chuyến bay MH370.
Hình ảnh được chụp lúc 11 giờ ngày 9/3, tức khoảng nửa ngày sau khi mát bay mất tín hiệu. Hình ảnh cho thấy ba vật thể nổi có kích cỡ khác nhau, trong đó vật thể lớn nhất có chiều dài khoảng 22-24m. Vị trí của ba vật thể này là phía Nam Việt Nam và Đông Malaysia. Tuy nhiên, hiện chưa có xác nhận về chính phủ Trung Quốc về những bức hình này.
Hiện việc tìm kiếm chiếc máy bay vẫn được tiến hành song song cả ở hai khu vực, cả dưới mặt nước cũng như trên bộ, với sự tham gia của các lực lượng tìm kiếm thuộc 9 quốc gia
Chiều 12/3, Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng tham mưu trưởng đã đến kiểm tra công tác tìm kiếm máy bay Boeing 777 của Malaysia Airlines bị mất tích tại Trung tâm quốc gia điều hành tìm kiếm cứu nạn (TKCN) tại Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn.
Ông Tỵ khẳng định, phía Malaysia vẫn chưa có thông báo kết luận thông tin liên quan đến máy bay mất tích nên việc tìm kiếm vẫn được Việt Nam tiến hành. Nhưng sẽ giảm bớt tần suất và mở rộng vùng tìm kiếm ra hai bên của hướng bay của chiếc Boeing 777 mất tích; việc tìm kiếm trên bộ cũng được tăng cường.
Sau 5 ngày tìm kiếm, ông Phạm Quý Tiêu – Thứ trưởng Bộ GTVT nhận định: "Đây là một vụ việc nghiêm trọng và rất bí ẩn. Đánh giá về chuyên ngành, ngay cả nhà chế tạo máy bay là Boeing cũng không lý giải được tại sao".
Ông Tiêu cho biết, sáng nay 12/3, tùy viên quân sự của Malaysia trả lời về dấu hiệu máy bay xuất hiện ở Malacca với Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn của Việt Nam. Nhưng, văn bản chính thức mà Cục Hàng không Việt Nam gửi sang Cục Hàng không Malaysia để xác nhận xem có đúng hay không thì nước này không trả lời và chúng tôi vẫn đang đợi thông tin chính thức từ nhà chức trách Malaysia. Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam đã 2 lần có văn bản gửi sang Malaysia nhưng vẫn không nhận được trả lời.
“Tôi không biết vì lí do gì, nhưng khách quan mà nói thì Malaysia chưa tích cực hợp tác với Việt Nam, còn lại để cho thân nhân các nạn nhân đánh giá. Việt Nam luôn công bố tất cả những gì phát hiện được và nỗ lực rất lớn trong việc tìm kiếm máy bay của Malaysia.
Ngay cả ở thời điểm chuẩn bị chuyển giao kiểm soát với Trung tâm quản lý bay đường dài (ACC) HCM, khi mất tín hiệu máy bay thì chúng ta lập tức kích hoạt hệ thống radar thứ cấp thể rà soát, đồng thời thông báo với nhà chức trách hàng không Malaysia, nhưng họ không trả lời.
Trong quá trình tìm kiếm, khi phát hiện những dấu hiệu mới, Malaysia cũng không cung cấp đầy đủ những thông tin mới thu thập được. Máy bay của Malaysia, đáng lẽ nước này phải là đầu mối cung cấp mọi thông tin liên lạc. Vậy nhưng, Malaysia không tích cực hợp tác với Việt Nam ngay từ khi vụ việc xảy ra”, ông Tiêu nói
Thứ trưởng Bộ GTVT cũng cho biết, trước mắt phía Việt nam vẫn gửi văn bản và yêu cầu nhà chức trách Malaysia trả lời bằng văn bản những thông tin liên quan. Còn việc tìm kiếm như thế nào sẽ tùy vào yêu cầu của nước bạn và theo quy định quốc tế về tìm kiếm cứu nạn, tuy nhiên công tác này sẽ hạn chế về phương tiện và phạm vi.
“Không thể tìm kiếm mãi theo tình hình biệt tăm tích như hiện nay, nếu không có dấu hiệu mới thì một thời điểm nào đó chúng tôi sẽ thống nhất với nhà chức trách để dừng việc tìm kiếm”, ông Tiêu cho hay.
Anh Dũng
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo