Pháp luật

Ngày thứ hai xét xử vụ án Nguyễn Đức Kiên: “Ăn ở” với nhau 10 năm, Thép Hòa Phát không biết bị lừa?

Ngày 21.5, phiên tòa xét xử vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm phạm tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “kinh doanh trái phép”, “trốn thuế”, “cố ý làm trái…” đã tiến hành thẩm vấn các bị cáo liên quan đến nhóm tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “kinh doanh trái phép”. Tại phiên xét xử, ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát - cho rằng, không hề biết 20 triệu cổ phần đã mua của Nguyễn Đức Kiên đã bị thế chấp nên đã chuyển cho Kiên đủ 264 tỉ đồng. Thế nhưng, Nguyễn Đức Kiên lại khẳng

Nguyễn Đức Kiên tại phiên tòa ngày 21.5.

Chưa giải chấp đã bán

Theo hồ sơ, đầu tháng 4.2012, ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT - và ông Trần Tuấn Dương - TGĐ Cty CP Tập đoàn Hòa Phát - có chủ trương tăng sở hữu vốn của Tập đoàn Hòa Phát tại các Cty thành viên, trong đó có Cty CP thép Hòa Phát. Tuy nhiên, Cty ACBI do Nguyễn Đức Kiên làm chủ tịch HĐQT đang sở hữu 29,99 triệu cổ phần của Cty CP thép Hòa Phát. Do có mối quan hệ thân thiết từ trước, nên ông Trần Đình Long và ông Trần Tuấn Dương đã đề nghị Nguyễn Đức Kiên bán lại số cổ phần này và Nguyễn Đức Kiên đã đồng ý bán lại 20 triệu cổ phần với giá 13.200 đồng/CP, có trị giá 264 tỉ đồng.
 
Ngày 21.5.2012, hợp đồng chuyển nhượng 20 triệu cổ phần đã được ký kết giữa Cty ACBI và Cty TNHH MTV thép Hòa Phát (thuộc Tập đoàn Hòa Phát). Sau khi ký hợp đồng, thép Hòa Phát đã chuyển đủ 264 tỉ đồng cho ACBI, dù thời điểm chuyển tiền, 20 triệu cổ phần vẫn đang được ACBI thế chấp cho Ngân hàng ACB và chưa được ACB đồng ý giải chấp. 
 
Để làm rõ vấn đề này, HĐXX đã thẩm vấn Nguyễn Đức Kiên, ông Kiên khẳng định: “Anh Long nhiều lần nói với tôi rằng, Hòa Phát muốn cơ cấu lại Cty nên muốn mua lại số cổ phần này. Tôi không muốn bán. Nhưng anh Long nói là chỗ bạn bè thân thiết với nhau nên đề nghị tôi giúp đỡ. Chính vì lời nói đó nên tôi đã đồng ý bán”. HĐXX hỏi: “Khi thỏa thuận có nói về việc cổ phần này đã thế chấp không?”. “Tôi không nói vì anh Long, anh Dương và nhiều người khác đều biết cổ phần này ACBI đang thế chấp tại ACB” – Kiên trả lời.
 
HĐXX hỏi ông Trần Đình Long, ông Long thừa nhận, có mối quan hệ thân thiết với Nguyễn Đức Kiên và chính ông Long là người đề nghị ông Kiên bán lại cổ phần, tuy nhiên ông Long cũng khẳng định: “Tôi không hề biết số cổ phần này đã được thế chấp, nếu biết thì tôi đã không mua”. Ngay lập tức, Nguyễn Đức Kiên đứng dậy phản bác: “Anh Long nói thế không đúng, bởi cô Yến - Kế toán trưởng ACBI - đã thông báo cho anh Long và anh Dương biết”. Nguyễn Đức Kiên còn nói thêm: “Tôi và anh Dương ăn cơm với nhau hằng ngày suốt gần 10 năm trời nên không có việc làm nào của tôi mà các anh ấy không biết. Nay các anh ấy lại nói là không biết. Ngay cả khi Hòa Phát chuyển tiền, tôi và anh Long cũng đang đi nước ngoài với nhau”.
 
Không kinh doanh vàng, mà chỉ kinh doanh giá vàng (!?)
 
Đối với tội danh “kinh doanh trái phép”, cáo trạng cáo buộc Nguyễn Đức Kiên đã lập 6 Cty, nhưng không Cty nào có chức năng kinh doanh vàng, kinh doanh tài chính nhưng dưới sự chỉ đạo của Kiên, các Cty này vẫn thực hiện mua bán cổ phần, cổ phiếu và kinh doanh vàng trái phép. Tại phần này, Nguyễn Đức Kiên đã tỏ ra là người có trí nhớ tuyệt vời khi dẫn ra từng điều luật, số hiệu, ngày tháng ban hành của những văn bản quy phạm pháp luật để biện hộ cho việc làm của mình.
 
Trước khi đặt câu hỏi thẩm vấn, HĐXX đã trích đọc tràng giang đại hải những con số cáo buộc việc kinh doanh tài chính của Nguyễn Đức Kiên trong từng thương vụ, của từng Cty trong những Cty do Kiên lập ra nhưng câu trả lời thường trực của Nguyễn Đức Kiên là “Tôi xác nhận những con số này” hoặc “Tôi khẳng định những con số này là đúng, bởi những con số này đều trích trong báo cáo tài chính của các Cty của tôi”.
 
Tuy nhiên Nguyễn Đức Kiên phản bác: “Tôi chỉ đồng ý về các con số, nhưng không đồng ý về việc quy kết tôi có hành vi kinh doanh trái phép, bởi toàn bộ con số đó có được đều là hoạt động góp vốn và hưởng lợi nhuận từ việc góp vốn đó”. HĐXX đã truy hỏi: “Có Cty nào có giấy phép kinh doanh tài chính không?”. “Không có, nhưng luật không cấm việc góp vốn vào các DN khác, việc góp vốn đầu tư vào các DN khác là hoàn toàn phù hợp với các quy định của Luật DN” – Nguyễn Đức Kiên trả lời, đồng thời dẫn chứng ra hàng loạt các quy định của pháp luật để biện hộ cho hành vi của mình.
 
Trước vấn đề này, HĐXX đã hỏi đại diện của Sở KHĐT TPHCM, Phòng ĐKKD, thuộc Sở KHĐT Hà Nội, Bộ KHĐT, nhưng tất cả các câu trả lời của những người được triệu tập tới tòa đều khá lòng vòng, cơ quan nọ chỉ sang cơ quan kia và không làm rõ được vấn đề. 
 
Sau khi nghe các cơ quan chức năng trả lời, Nguyễn Đức Kiên giơ tay xin phát biểu. Nguyễn Đức Kiên nói: “Việc đầu tư này hiện có hàng trăm ngàn Cty Việt Nam đã và đang làm, nếu quy tội tôi sẽ ảnh hưởng tới hoạt động bình thường của DN VN, nếu HĐXX cần làm rõ có thể hỏi VCCI. Tất cả những người vừa trả lời đều không đủ tư cách để trả lời những câu hỏi của HĐXX”.
 
Đối với cáo buộc sử dụng Cty Thiên Nam để kinh doanh vàng trái phép, Nguyễn Đức Kiên nêu ra quy định của pháp luật về hoạt động KD vàng là việc sản xuất gia công mua bán vàng rồi khẳng định: Cty Thiên Nam không kinh doanh vàng mà chỉ đầu tư vào việc mua bán trạng thái giá vàng, “Tức là bỏ tiền mua một trạng thái giá vàng nhất định của một tổ chức được phép kinh doanh vàng, nếu thời gian sau giá tăng lên thì được hưởng lãi, nếu giá giảm là lỗ giống như đầu tư tài chính chứ không phải mua bán vàng vật chất” – Kiên giải thích. 
 
“Ngân hàng ACB có giấy phép kinh doanh vàng và đã tạo ra sản phẩm phái sinh là trạng thái giá vàng. Vì vậy, Cty Thiên Nam đầu tư vào giá vàng là sản phẩm tài chính phái sinh chứ không kinh doanh vàng. Nguyễn Đức Kiên cũng biện hộ: “HĐXX cần có phiếu lệnh đầu tư này trên bàn sẽ rõ, bởi lệnh này không có bất cứ từ nào nói đến việc mua bán vàng”.
 
 Dẫn giải “bầu” Kiên tới phiên toà ngày 21.5.
 
Báo Lao Động
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo