Pháp luật

Ngày thứ hai xét xử vụ Vinashin: Vỡ mộng khách sạn nổi 4 sao

Sáng 28/3, phiên tòa xét xử vụ Vinashin tiếp tục với phần thẩm vấn cựu Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Vinashin Phạm Thanh Bình và các đồng phạm liên quan đến vụ “xẻ thịt” vỏ tàu Bạch Đằng Giang đem bán và dự án Nhà máy nhiệt điệt Sông Hồng.

Theo cáo buộc của cơ quan công tố, năm 2001, Vinashin mua chiếc tàu MV Rayna của Campuchia với giá 1,22 triệu USD, để phá dỡ bán sắt vụn, nhưng thấy chất lượng còn tốt nên đã đề nghị và được Chính phủ đồng ý cho phép hoán cải, nâng cấp thành tàu siêu trường, siêu trọng, đổi tên thành tàu Bạch Đằng Giang và giao cho Công ty Viễn Dương quản lý, khai thác. Đến năm 2005, Vinashin cho Công ty Viễn Dương vay 106 tỷ đồng trích từ trái phiếu quốc tế, để tiếp tục hoán cải.

 

Tự ý “xẻ thịt” vỏ tàu bán sắt vụn



Tiếp đó, Phạm Thanh Bình ký quyết định bàn giao lại con tàu này cho Công ty Nam Triệu quản lý và lên phương án hoán cải thành khách sạn nổi 4 sao. Nhưng sau đó, do chi phí hoán cải quá cao nên Công ty Nam Triệu lập tờ trình xin bán tàu.

 

Do không có người mua, cuối cùng, Trần Quang Vũ lúc đó là Tổng giám đốc Công ty Nam Triệu, quyết định bán thanh lý vỏ tàu với giá hơn 66 tỷ đồng dù phương án này chưa được Vinashin phê duyệt. Hành vi của ông Vũ được xác định là đã gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 27 tỷ đồng. Mặt khác, khi thực hiện việc bán vỏ tàu Bạch Đằng Giang, Công ty Nam Triệu không thực hiện bán công khai theo đúng trình tự của pháp luật về đấu giá tài sản và khi có tiền lại không trả nợ mà đưa vào sử dụng không đúng mục đích. 

 

Tuy nhiên, khi hội đồng xét xử gọi lên thẩm vấn, Giám đốc kinh doanh của Công ty Nam Triệu khẳng định, việc bán vỏ tàu như thế là đúng, không gây thiệt hại cho công ty mà còn có lợi. Vị đại diện này còn cho biết, một số thiết bị của tàu Bạch Đằng Giang đã được tổng Công ty Nam Triệu đưa vào sử dụng, có trị giá 9,3 tỷ đồng; trị giá số thiết bị còn lại của tàu được thẩm định còn lại khoảng tám tỷ đồng, cộng với hơn 66 tỷ đồng. Như vậy, tính tổng với số tiền bán vỏ tàu là hơn 83 tỷ đồng. Trong khi đó bán cả còn tàu được 75 tỷ đồng. Đồng thời, nếu lúc đó không làm thế thì công ty vẫn phải đi vay để trả lương cho nhân viên và chi phí hoạt động.

 

Đáng chú ý, các bị cáo liên quan đến dự án này thừa nhận cáo buộc nêu trong cáo trạng là đúng, nhưng lại phủ nhận, không gây thiệt hại cho nhà nước.

 

Gây thiệt hại 316 tỷ đồng

 

Đối với dự án xây dựng Nhà máy nhiệt điện Sông Hồng (Nam Định), mặc dù đây là dự án thuộc diện phải được Chính phủ phê duyệt mới được triển khai, nhưng Phạm Thanh Bình vẫn cho Công ty Hoàng Anh Vinashin thực hiện dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện Sông Hồng với công suất 185MW, mức đầu tư dự kiến là 1.481 tỷ đồng.

 

Năm 2003, Phạm Thanh Bình ký quyết định góp vốn thành lập Công ty Hoàng Anh Vinashin, do Nguyễn Văn Tuyên làm giám đốc. Năm 2006, Nguyễn Văn Tuyên muốn xây dựng một nhà máy nhiệt điện độc lập nên đã chủ động bàn bạc và thống nhất với Nguyễn Tuấn Dương, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Cửu Long về việc đầu tư dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện công suất 110MW.

 

Tháng 4/2006, Dương sang Hàn Quốc kí hợp đồng trị giá 6,8 triệu USD với Công ty Seobong Recycling mua 2 tổ máy điện cũ, công suất 55 MW/ tổ cho dự án Công ty Hoàng Anh Vinashin và kí hợp đồng trị giá 5,8 triệu USD với Công ty Daekyung Machinery mua 1 tổ máy nhiệt điện cũ với công suất 75MW dự định lắp đặt cho Công ty Cửu Long.

 

Tháng 3/2007, Công ty Cửu Long lập xong hồ sơ dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện Sông Hồng công suất 185 MW. Phạm Thanh Bình đã ký quyết định phê duyệt dự án nhà máy nhiệt điện Sông Hồng tại xã Mỹ Trung, huyện Mỹ Lộc nâng công suất lên 185MW và nâng tổng mức đầu tư lên 1.481.9 tỷ đồng.

 

Tuy nhiên, ngày 21/5/2007, Bộ Công nghiệp có công văn thẩm tra hồ sơ dự án nêu rõ: Không có cơ sở pháp lý để phê duyệt dự án, thiết bị công nghệ của dự án lạc hậu, yêu cầu chủ dự án nhiệt điện Sông Hồng phải tuân thủ các quy định pháp luật về quản lý đầu tư. Tiếp đến, ngày 15/6/2007, Bộ Công nghiệp có công văn yêu cầu Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Định đình chỉ thực hiện dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện Sông Hồng. Khi dự án này không thành, cơ quan điều tra xác định đã gây thiệt hại cho nhà nước với số tiền hơn 316 tỷ đồng.

 

Thừa nhận nội dung cáo trạng

 

Trả lời câu hỏi của hội đồng xét xử về việc bị cáo nhận thức hành vi của mình như thế nào trong dự án này, Phạm Thanh Bình khẳng định, hành vi của bị cáo nêu trong cáo trạng là đúng: “Tôi đã sai. Nhưng việc buộc tội tôi trực tiếp tổ chức xây dựng nhà máy nhiệt điện Sông Hồng và gây thiệt hại thì tôi không nhất trí. Tôi chỉ chỉ đạo chứ không tổ chức được”.

 

Bị cáo Nguyễn Văn Tuyên cũng thừa nhận nội dung cáo trạng truy tố bị cáo là đúng, nhưng hành vi không cấu thành tội phạm. Bị cáo Nguyễn Tuấn Dương cũng đồng ý về hành vi của mình được nêu trong cáo trạng, nhưng cho rằng không gây thiệt hại đồng nào của Vinashin. Tương tự, bị cáo Đỗ Đình Côn (nguyên kế toán trưởng, Phó tổng giám đốc Công ty Hoàng Anh) xác nhận hành vi, nhưng cho rằng không gây ra thiệt hại mà chỉ là người “giúp giám đốc thực hiện công việc”.

 

Cuối giờ chiều qua, hội đồng xét xử chuyển sang thẩm vấn những bị cáo liên quan đến dự án đầu tư tàu Bình Minh Star của Công ty CP CNTT Bình Định. Sáng nay, hội đồng xét xử tiếp tục làm việc.

 

Theo ĐV

 

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo