Nghề đào giếng thuê: Vừa làm vừa...lạnh sống lưng
Để khắc phục tình trạng thiếu nước tưới và nước sinh hoạt vào mùa khô, người dân tại Gia Lai, Kon Tum cũng như một số tỉnh khác tại Tây Nguyên thường phải đào giếng, hoặc vét lại những chiếc giếng cũ để lấy nước sinh hoạt và nước tưới. Chính vì thế nhu cầu lao động làm nghề đào giếng thuê cũng rất lớn.
Những thợ đào giếng thường tập trung lại thành tổ mỗi tổ từ 3- 5 người với hai thợ chính thay nhau ở dưới đào đất, những người còn lại dùng tời quay lấy đất từ dưới giếng lên.
Tùy từng địa hình mà mỗi chiếc giếng có độ sâu từ 10m - 20m. Dụng cụ đào chỉ gồm xà beng, cuốc, xẻng và một bộ tời quay tay. Đồ bảo hộ là những manh áo vải, chiếc mũ vành hoặc may mắn hơn là chiếc mũ bảo hộ của công nhân xây dựng.
Tiền công cho mỗi mét đất từ 600 - 1,5 triệu tùy theo từng loại đất mềm, cứng, độ sâu, và mỗi ngày nhóm thợ đào cật lực cũng chỉ 2 - 3m.
Anh Bùi Ngọc Trung (21 tuổi) người mới vào nghề được gần hai năm cho biết: “Đào giếng này cực nhọc, vất vả lắm, xuống dưới thì nóng như lò thiêu, cứ mỗi lần đu dây xuống đáy là lo ngay ngáy, chẳng may đứt dây rơi xuống thì chỉ có mất mạng”.
Chiếc tời quay tay dùng để lấy đất từ dưới đáy giếng lên.
Anh Hà Phúc Thơm (35 tuổi) là thợ cả của một nhóm chuyên đào giếng nói: “Với gần mười năm kinh nghiệm đào giếng như tôi mà lạnh sống lưng mỗi lần xuống giếng, sợ nhất là đất đá rơi vào đầu. Khi xuống giếng cũ nạo vét, tôi thường đem theo bình ôxy để thở chứ không thì chết như chơi”.
Anh Thơm cho hay không ít lần anh đã chứng kiến những tai nạn thương tâm. “Năm trước khi tôi và cậu Mạnh người cùng nhóm đang lúi húi ở dưới giếng, nhưng người kéo đất không cẩn thận đã làm rơi thùng đất xuống trúng đầu nên Mạnh bị chấn thương sọ não, tới giờ cậu ấy vẫn ngơ ngơ như người tâm thần”.
Mới đây nhất ngày 14-2 tại thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện (Gia Lai) xảy ra một vụ ngạt khí độc làm ba người chết tức tưởi dưới đáy giếng. Nạn nhân là anh Rơ Mah Kynh (SN 1977) em vợ Kynh là Ksor Chi Na (SN 1982) cùng cháu họ của Kynh là Rơlan Xuân.
Năm 2007 tại xã An Phú (TP - Pleiku) xảy ra vụ tai nạn thương tâm làm sáu người thiệt mạng và hai người khác vào viện cấp cứu vì bị ngạt khí metan dưới đáy giếng.
Anh Thơm tâm sự: “Cái nghề mưu sinh trong lòng đất này mình cũng sợ lắm chứ, nhưng vì không có đất canh tác, mình phải đi làm kiếm tiền mua được mảnh đất rồi mới chuyển nghề được”.
Đoàn Huế (Theo TPO)
End of content
Không có tin nào tiếp theo