Chân dung

Nghệ nhân Dương Bá Dũng với nghề đúc đồng truyền thống

(DNHN) Chúng tôi đến cơ sở đúc đồng Dương Bá Dũng vào một ngày đầu tháng 5 trong cái nắng gắt gao nóng nực của mùa hè. Khuôn mặt dù đẫm mồ hôi và dính bụi đồng nhưng vẫn đôi mắt vẫn ánh lên niềm say mê với các tác phẩm nghệ thuật ở nghệ nhân Dương Bá Dũng.

 Anh tâm sự: “Điều quan trọng và khó khăn đối với người thợ đúc đồng là làm được những sản phẩm có hồn, sinh động. Bởi vậy, phải biết yêu nghề, phải biết thổi cái nhiệt huyết của mình vào sản phẩm và đừng nghĩ rằng làm ra sản phẩm chỉ vì tiền”.

 

 

Làng đúc đồng Vạn Điểm (thuộc huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) được xem là một trong những cái nôi của nghề đúc đồng ở nước ta. Ngày nay, sản phẩm đúc đồng ở Vạn Điểm không chỉ làm giàu cho làng, mà còn trở thành niềm tự hào lớn của cả thành Nam nhờ nhiều năm qua, hàng chục công trình-tác phẩm tượng tầm cỡ quốc gia đã được chính những nghệ nhân trong làng này thực hiện bằng hoa tay, tâm sức của họ như các tác phẩm: Tượng phật toàn khối lớn nhất Đông Nam Á tại chùa Non Nước - Sóc Sơn - Hà Nội; hệ thống chuông, tượng phật khổng lồ trong quần thể chùa Bái Đính - Ninh Bình….

 


 

Là một người con được sinh ra và lớn lên trong một gia đình có nghề truyền thống đúc đồng, nên ngay từ nhỏ niềm đam mê với nghề như đã có từ trong huyết mạch anh Dương Bá Dũng. Được sự động viên tích cực của cha, một nghệ nhân tên tuổi, anh Dũng đã làm những công việc giản đơn nhất của một người thợ mới vào nghề.

 

Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh trở về quê hương nối nghiệp ông cha làm nghề đúc đồng. Vào những năm 80 anh chủ yếu đúc hàng công nghiệp như: bạc máy, chân vịt tàu và các chi tiết phục vụ lắp máy. Những năm kinh tế phát triển sau chiến tranh, Nhà nước quan tâm đến việc phục hồi các giá trị văn hóa, lịch sử. Vì vậy mà làng nghề Vạn Điểm - thị trấn Lâm có cơ hội được tái tạo trở lại sau một thời gian tưởng chừng như đã bị mai một.

 

Để nối nghiệp cha và trở thành một nghệ nhân như hôm nay, anh không hề ngại khó, ngại khổ. Sau 5 năm đi làm công trình, đến năm 2.000, anh bắt tay vào gây dựng cơ sở đúc đồng của riêng mình. Và cũng chính từ đây, những sản phẩm “để đời” của cơ sở đúc đồng Dương Bá Dũng đã xuất hiện, được khách hàng trong nước và quốc tế đón nhận.

 

Sau đó, anh sản xuất các sản phẩm đa dạng hơn, được người tiêu dùng trong và ngoài nước mến chuộng. Lô hàng các bức tượng nghệ thuật người cá và các con giống do anh sản xuất đã được Đại sứ quán Thụy Điển đánh giá rất cao.

 

Nghệ nhân Dương Bá Dũng đã từng được Bộ Quốc phòng mời tham gia đúc tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh để tặng 64 tỉnh thành trong cả nước. Một trong những thành công của anh là đã đưa công nghệ chạm khảm, ghép tam khí vào sản phẩm, đẩy giá trị sản phẩm lên cao hơn.

 

Bên cạnh việc luôn trăn trở, sáng tạo để tạo ra những sản phẩm để đời, nghệ nhân Dương Bá Dũng luôn quan tâm đến cuộc sống của công nhân, đảm bảo tất cả các chế độ từ tiền lương đến bảo hộ lao động và các chế độ khác cho người lao động. Anh cũng luôn quan tâm đến vấn đề môi trường và có ý thức bảo vệ môi trường xung quanh cơ sở đúc đồng.

 

Hiện tại cơ sở có khoảng 20 - 30 công nhân, đặc biệt tại cơ sở của anh có nhiều người thợ cũng muốn được đi theo nghề truyền thống này và đã được anh đưa hết tâm huyết kinh nghiệm của mình để truyền thụ lại.

 

Đối với nghệ nhân Dương Bá Dũng, theo đuổi nghề truyền thống là một niềm tự hào đối với anh và với tâm huyết, sự sáng tạo của một nghệ nhân làng đúc đồng Vạn Điểm còn sẽ tạo nên nhiều tác phẩm tên tuổi làm vinh danh cho nghề truyền thống đúc đồng của địa phương, tạo dấu ấn cũng như khẳng định chất lượng thương hiệu đúc đồng Vạn Điểm.

 

Với những nỗ lực đó, anh đã được nhận giải thưởng Bàn tay Vàng trong chương trình Nghệ thuật Đông Dương; được tặng nhiều bằng khen và được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân năm 2009.

 

 

 

Năm 2010, tỉnh Nam Định có 4 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân làng nghề Việt Nam” trong đó có anh Dương Bá Dũng, nghệ nhân đúc đồng ở Thị trấn Lâm. Anh không chỉ là người lưu giữ tinh hoa văn hoá làng nghề quê hương mà còn là người “giữ lửa” và truyền dạy cho các thế hệ sau, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá dân tộc.

 

 

Bích Hảo

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo