Quốc tế

Nghệ thuật thương lượng của nhà lãnh đạo Kim Jong-un

Dựa vào những diễn biến trên bán đảo Triều Tiên, giới chuyên gia nhận định rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un dường như đang thực hiện chiến thuật thương lượng rất bài bản và nhuần nhuyễn.

Trong sự nghiệp kinh doanh hàng chục năm trước khi trở thành Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump nổi tiếng với kỹ năng đàm phán. Ông từng viết sách về nghệ thuật thương lượng và trở thành một trong những cuốn sách về kinh doanh bán chạy hàng đầu. Song trong vài tuần tới, ông Trump có thể sẽ đối mặt với một cuộc đàm phán rất quan trọng và khác so với những cuộc đàm phán trước đó, vì đối thủ của ông là nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Nếu kế hoạch diễn ra suôn sẻ theo đúng kế hoạch, ông Trump sẽ là Tổng thống Mỹ đầu tiên gặp gỡ một nhà lãnh đạo Triều Tiên từ những năm 1950 tới nay. “Đối thủ” trên bàn đàm phán của ông Trump, ông Kim Jong-un, cũng được nhận xét là có kỹ năng thương lượng không tồi.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: Getty.

Trong cuốn sách “Nghệ thuật thương thuyết” do ông Trump xuất bản hồi năm 1987, Tổng thống Mỹ đã đưa ra 11 lời khuyên. Theo Bloomberg, tới thời điểm hiện tại, ông Kim Jong-un dường như cũng đã sử dụng 5-6 chiến thuật tương tự, tạo nên những sự thay đổi nhanh và ý nghĩa trên bán đảo Triều Tiên cũng như quan hệ Mỹ - Triều.

Điều đầu tiên mà ông Trump đề cập tới cuốn sách của mình là “Nghĩ lớn”. Triều Tiên từ đầu năm nay đã gợi ý và đề xuất về cuộc gặp với ông Trump trong khi hạn chế và thậm chí tạm dừng các chương trình tuyên truyền có ngôn ngữ quyết liệt, không khoan nhượng. Chính phủ của ông Kim Jong-un cũng cam kết sẽ dừng thử hạt nhân.

Đây không phải là lần đầu Bình Nhưỡng nói về phi hạt nhân hóa và cả Mỹ cũng như giới quan sát đều rất thận trọng cũng như có những nghi kị riêng về những tuyên bố này. Họ cho rằng Triều Tiên dường như có toan tính riêng khi muốn “can thiệp” vào mối quan hệ đồng minh giữa Mỹ với Nhật Bản cũng như Hàn Quốc. Song song với đó, Bình Nhưỡng được cho là thể hiện thiện chí nhằm nới lỏng lệnh trừng phạt của cộng đồng quốc tế, vốn đang “bóp nghẹt” nền kinh tế Triều Tiên.

Chuyên gia Jonathan Berkshire Miller từ Viện quan hệ quốc tế Nhật Bản cho rằng Triều Tiên dường như đang hy sinh rất ít để đổi lấy nhiều hơn. Họ có thể không cần tới các chương trình thử nghiệm vũ khí hạt nhân nữa vì họ đã sở hữu những công nghệ cần thiết. Trong trường hợp này, họ có thể không cần phải thay đổi hiện trạng quá nhiều, nhưng vẫn đạt được mục đích.

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều cũng được cho là cơ hội “nâng tầm” hình ảnh của ông Kim Jong-un lên một nấc thang mới. Đây có thể được coi là thành tựu về chính trị nội bộ và ngoại giao nổi bật của ông Kim. Hôm 27/4, ông Kim Jong-un cũng là nhà lãnh đạo Triều Tiên đầu tiên bước qua biên giới liên Triều để sang lãnh thổ Hàn Quốc từ năm 1953 tới nay. Tại đây, phong cách ngoại giao ấn tượng và tính cách khá cởi mở đã khiến nhà lãnh đạo Triều Tiên “ghi điểm” trong mắt cộng đồng quốc tế.

 

Niềm tin tăng tiến

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Ảnh: Reuters.

Một cuộc khảo sát của ở Hàn Quốc sau hội nghị thượng đỉnh liên Triều cho thấy gần 80% người được hỏi nói rằng họ tin vào thiện chí của ông Kim Jong-un. Đây là sự thay đổi rất lớn nếu nhìn lại cách đây 1 năm Triều Tiên vẫn đang thử vũ khí và tên lửa.

Nếu ông Trump khuyên các độc giả trong cuốn sách rằng “hãy thấu hiểu thị trường của bạn”, thì điều này đúng với chính quyền ông Kim Jong-un. Dù giới quan sát tỏ ra hoài nghi về việc liệu lần này kết cục của những thương lượng về phi hạt nhân hóa có khác trước hay không, nhưng rõ ràng dư luận dường như đã có thêm niềm tin với ông Kim Jong-un và Triều Tiên. Hàng loạt các động thái từ việc sử dụng ngôn từ tuyên truyền nhẹ nhàng hơn, những thiện chí mà Bình Nhưỡng đưa ra dường như đã thực sự có tác dụng.

Thêm vào đó, trong nghệ thuật thương lượng, điều quan trọng là bên tham gia phải có yếu tố “đòn bẩy”, điều mà đối thủ mong muốn có được nhằm đàm phán và trao đổi. Triều Tiên dường như đã gia tăng sức nặng lên đòn bẩy khi năm ngoái họ liên tiếp thử tên lửa đạn đạo liên lục địa có thể bắn tới lãnh thổ Mỹ.

Một yếu tố khác trong cuộc thương lượng giữa ông Trump và ông Kim là thời gian. Ông Kim năm nay ngoài 30 tuổi, và dường như có thể bền bỉ tham gia vào “cuộc chơi” lâu hơn vị Tổng thống 71 tuổi, người đã đi tới năm thứ 2 trên nhiệm kỳ 4 năm. Tuy vậy, ông Trump cũng được cho là gia tăng thêm “đòn bẩy” ở phía Mỹ bằng cách vận động Trung Quốc siết chặt lệnh trừng phạt với Triều Tiên.

 

Điều quan trọng hơn cả trong toan tính của ông Kim Jong-un có lẽ là việc quốc tế sẽ có thể sớm dỡ bỏ lệnh trừng phạt lên Triều Tiên sau thiện chí của Bình Nhưỡng và viễn cảnh thành công của những cuộc đàm phán song phương và đa phương với các bên trong tương lai.

Nên đọc
Theo Dân trí
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo