Pháp luật

Nghi án nữ "cán bộ ngân hàng" lừa của dân hàng chục tỷ đồng

Thấy bà V. thường xuyên lui tới các hộ dân mượn tiền để “đáo hạn ngân hàng” rồi trả lãi suất cao, các hộ dân đua nhau đi cầm cố tài sản, vay mượn ngoài để cho vay kiếm lãi.

Ngày 2/4, Đại úy Nguyễn Mạnh Hưng – Trưởng Công an Cư Suê (huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) cho biết, đã nhận được 7 đơn thư của một số hộ dân thuộc địa bàn xã Cư Suê và xã Eanang tố cáo bị bà T.T.V (29 tuổi, ngụ thôn 2, xã Cư Suê) có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt trên 23 tỷ đồng.

Cũng theo Đại úy Hưng, số tiền trên 23 tỷ đồng là số tiền được thống kê của những hộ nộp đơn còn thực tế số tiền bị lừa đảo có thể nhiều hơn thế.

Hàng chục hộ dân đến cơ quan tố cáo bà V. lừa đảo chiếm hàng chục tỷ đồng.

“Hiện chúng tôi đang tiến hành lấy lời khai đối với các hộ dân bị lừa đảo để củng cố hồ sơ gửi báo cáo lên công an huyện tiếp tục điều tra, xử lý vụ việc. Vợ chồng chị V. này cũng đã rời bỏ khỏi địa phương một tuần này”, Đại úy Hưng thông tin thêm.

Bà Nguyễn Thị Kim Dung (42 tuổi, ngụ thôn 2, xã Cư Suê) đang “ngồi trên đống lửa” khi bà V. đột ngột rời khỏi địa phương “ôm” theo 7,57 tỷ đồng mà bà Dung đã cắm sổ đỏ của gia đình và vay mượn của rất nhiều hộ dân.

Đơn tố cáo của người dân gửi cơ quan chức năng.

Bà Dung cho rằng, qua người thân quen bà biết được bà V. “làm cán bộ ngân hàng” (còn ngân hàng nào thì bà Dung không biết). Qua nhiều cuộc trò chuyện, bà V. đã ngỏ ý vay mượn tạm bà Dung 500 triệu đồng để “đáo hạn ngân hàng” và sẽ trả lãi suất 3.000-4.000 đồng/ngày nên bà Dung đồng ý cho vay.

Sau đó, bà V. trả tiền kèm lãi suất đúng thời hạn đã hứa nên bà Dung rất tin tưởng. Tưởng có “mối” làm ăn ngon lành, bà Dung đã đứng ra vay mượn thêm của bà con trong xã và cảm cầm cố sổ đỏ trong ngân hàng để đưa V. số tiền lên tới 7,57 tỷ đồng.

Giấy mượn tiền bà V. viết và ký tên.

“Mấy tháng nay V. không trả lãi cho tôi, khi hỏi lấy tiền thì hẹn lúc này, lúc khác. Đến khi người dân kéo tới nhà V. rất đông để đòi tiền thì tôi mới biết bị lừa. Mấy hôm nay người dân tới nhà tôi xiết nợ lấy đi xe tải, xe ô tô và đồ đạc, tôi đã bán đi chiếc xe máy S.H để trả nợ nhưng không thấm vào đâu, giờ tôi biết sống sao đây!”, bà Dung thất thần nói.

 

Còn hộ ông Lương Văn Sơn (45 tuổi, ngụ thôn 2, xã Ea M’nang) cũng đang trong tình trạng đứng ngồi không yên khi vay mượn của ngân hàng và người thân số tiền 6,47 tỷ đồng cho bà V. mượn.

“Bà V. nhận vay của tôi với lãi suất 3.000 đồng/triệu/ngày nên tôi đi vay của người ta với giá 2.000 đồng/triệu/ngày, lấy lãi được 1.000 đồng, nhưng không ngờ lại bị lừa trắng trợn như vậy. Tôi chỉ mong cơ quan chức năng vào cuộc đòi lại cho chúng tôi số tiền này”, ông Sơn chua chát nói.

Ngoài việc tố cáo V. lừa tiền, người dân còn phản ánh bà V. đã nâng khống tài sản để người dân có thể dễ dàng vay mượn số tiền lớn từ ngân hàng. Bà Dung cho rằng giá trị thực tài sản của bà chỉ khoảng 200-300 triệu đồng nhưng bà V. có lại thể dễ dàng đi vay mượn lên tới trên 500-700 triệu đồng. Ngay khi ngân hàng giao tiền thì bà V. đã nhanh chóng vay lại ngay số tiền này.

Theo một số hộ dân, người bị bà V. nợ nhiều tiền nhất là bà Nguyễn Thị Bến (ngụ xã Ea Mnang). Bà Bến đã gom tất cả tài sản, vay mượn rất nhiều người khác số tiền lên tới 22 tỷ đồng để mang cho bà V. vay lại. Những ngày này, người dân liên tục đến nhà bà Bến để đòi nợ khiến bà “sống dở chết dở”.

Trước việc bà V. đi khỏi địa phương, người dân đã tìm đến nhà riêng của bà này tại xã và một ngôi nhà khác tại TP. Buôn Ma Thuột nhưng đều không gặp. Thậm chí, quá uất ức nhiều người dân còn đăng trên mạng xã hội treo thưởng 10 triệu đồng cho bất cứ ai chỉ được nơi ở của bà V.

 

Nên đọc
Theo Dân trí
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo