Pháp luật

Nghị định trái luật, tòa khó xử

Từ một vụ kiện, qua việc xét xử của các cấp tòa mới phát hiện Nghị định 95/2011 đã quy định thời điểm có hiệu lực trái luật.

Mới đây, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã hoãn xử phúc thẩm vụ Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam kiện quyết định xử phạt của chánh thanh tra Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Hai cấp tòa hai quan điểm

Công ty Ánh Dương kinh doanh taxi (thương hiệu Vinasun taxi). Ngày 26-11-2011, công ty niêm yết bảng giá tại quầy bán vé khu vực quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất là Vinasun 7 USD/Card.

Vì hành vi này, tháng 1-2012, công ty đã bị chánh thanh tra Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ra quyết định xử phạt hành chính 500 triệu đồng theo Nghị định 95/2011 (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 202/2004 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng). Không đồng ý, công ty khởi kiện yêu cầu TAND TP.HCM hủy quyết định xử phạt của phía thanh tra.

Tháng 9-2012, TAND TP.HCM xử sơ thẩm, nhận định dù Nghị định 95/2011 có ghi nghị định có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành (20-10-2011) nhưng theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2008 thì nghị định này chỉ có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày ký (5-12-2011). Như vậy, Nghị định 95/2011 có hiệu lực sau ngày Ánh Dương niêm yết giá bằng ngoại tệ (26-11-2011) nên phía thanh tra phải áp dụng Nghị định 202/2004 để phạt công ty với mức phạt 5-12 triệu đồng mới đúng.

Ngoài ra, phía thanh tra áp dụng mức phạt cao nhất 500 triệu đồng theo Nghị định 95/2011 mà không ghi rõ các tình tiết tăng nặng là chưa vận dụng đúng nguyên tắc xử phạt... Từ đó, TAND TP.HCM đã tuyên hủy quyết định xử phạt của phía thanh tra.

Phía thanh tra kháng cáo. Tháng 6-2013, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã sửa án sơ thẩm, bác yêu cầu khởi kiện của Ánh Dương. Theo tòa, Nghị định 95/2011 mà phía thanh tra vận dụng xử phạt là đúng vì có hiệu lực từ ngày ký (20-10-2011), tức trước ngày công ty niêm yết giá bằng ngoại tệ. Mức phạt 500 triệu đồng mà phía thanh tra áp dụng cũng đúng Nghị định 95/2011, đúng thẩm quyền...

Như vậy, giữa hai cấp tòa sơ, phúc thẩm đã có quan điểm khác nhau về thời điểm Nghị định 95/2011 có hiệu lực. Mà hệ quả của chuyện này liên quan đến mức phạt đối với Ánh Dương: Nếu áp dụng Nghị định 95/2011 thì mức phạt có thể lên đến 500 triệu đồng nhưng nếu áp dụng Nghị định 202/2004 thì mức phạt tối đa chỉ là 12 triệu đồng.

TAND Tối cao: Nghị định sai luật

Sau phiên phúc thẩm, chánh án TAND Tối cao đã kháng nghị giám đốc thẩm bản án phúc thẩm. Hơn một năm sau, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã chấp nhận kháng nghị của chánh án TAND Tối cao, hủy bản án phúc thẩm để xét xử lại.

Theo Hội đồng Thẩm phán, án sơ thẩm đã nhận định đúng, thay vì cần giữ nguyên thì tòa phúc thẩm sửa án ngược lại là sai.

Hội đồng Thẩm phán phân tích: Điều 2 Nghị định 95/2011 quy định nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký (20-10-2011). Tuy nhiên, khoản 1 Điều 78 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2008 quy định như sau: “Thời điểm có hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật được quy định trong văn bản nhưng không sớm hơn 45 ngày, kể từ ngày công bố hoặc ký ban hành. Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật quy định các biện pháp thi hành trong tình trạng khẩn cấp, văn bản được ban hành để kịp thời đáp ứng yêu cầu phòng, chống thiên tai, dịch bệnh thì có thể có hiệu lực kể từ ngày công bố hoặc ký ban hành nhưng phải được đăng ngay trên trang thông tin điện tử của cơ quan ban hành và phải được đưa tin trên phương tiện thông tin đại chúng; đăng Công báo nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam chậm nhất sau hai ngày làm việc kể từ ngày công bố hoặc ký ban hành”.

Theo Hội đồng Thẩm phán, xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ, hoạt động ngân hàng liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này. Do đó, pháp luật phải dự liệu một khoảng thời gian cần thiết để cơ quan chức năng kịp thời phổ biến nội dung của văn bản đến các đối tượng áp dụng và đảm bảo cho họ có đủ thời gian tìm hiểu, chuẩn bị các điều kiện chấp hành. Cạnh đó, nội dung và phạm vi điều chỉnh của Nghị định 95/2011 là về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng nên không phải là tình trạng khẩn cấp trong trường hợp có thảm họa lớn, dịch bệnh nguy hiểm theo Pháp lệnh về tình trạng khẩn cấp. Vì thế, việc Nghị định 95/2011 quy định văn bản này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành là không đúng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2008.

Điều 83 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2008 còn quy định: “Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng đối với hành vi xảy ra tại thời điểm mà văn bản đó đang có hiệu lực. Trong trường hợp văn bản có hiệu lực trở về trước thì áp dụng theo quy định đó. Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn”. Như vậy, tòa sơ thẩm xác định Nghị định 95/2011 có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày ký ban hành là đúng luật.

Trước hết phải thượng tôn pháp luật?

Tại phiên phúc thẩm lần hai mới đây, chủ tọa phân tích: Nếu văn bản pháp luật sai thì cơ quan, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp… có liên quan kiến nghị để cơ quan có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung. Khi văn bản chưa sửa đổi, bổ sung thì các đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh của văn bản đó vẫn phải có nghĩa vụ chấp hành.

Về phía thanh tra, chủ tọa cũng phân tích để họ cân nhắc “vận dụng quyền lực một cách nhân văn”. Đây là cơ quan nắm thông tin về các văn bản pháp luật quy định đến lĩnh vực quản lý nhanh và đầy đủ nhất nên lẽ ra khi thấy một văn bản pháp luật chưa chính xác thì phải có kiến nghị sửa đổi kịp thời. Ở đây, phía thanh tra đã phạt doanh nghiệp ở mức tối đa dù không có tình tiết tăng nặng nào. Chưa kể, ngay sau khi bị “tuýt còi”, doanh nghiệp đã chấm dứt hành vi vi phạm, không tái phạm. “May là công ty làm ăn tốt nên họ có khả năng thi hành mức phạt trên, giả sử một doanh nghiệp khác đang khó khăn thì sẽ ra sao?” - chủ tọa nhấn mạnh.

Sau khi nghe tòa phân tích, đại diện hai bên đã đồng ý đối thoại lại vào thời gian tới để tìm hướng giải quyết vụ việc hợp tình, hợp lý hơn. Vì thế, tòa hoãn xử để tạo cơ hội cho hai bên tìm được tiếng nói chung.

Theo PL TPHCM
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo