Pháp luật

Nghi lễ ở lòng người

Nếu tính từ hôm nay 30-1 DL (11 tháng Chạp ÂL), tức là còn đúng 12 ngày nữa sẽ đến Tết ông Công ông Táo. Tục lệ xưa, người Việt cúng lễ đúng ngày, nhưng bây giờ từ cúng mồng Một, cúng ngày Rằm, nhất là cúng Táo quân, người ta thường làm sớm hơn nhiều so với thường lệ. Thậm chí có nhà cúng Tết ông công ông Táo sớm hơn đến cả mươi ngày…

 Tục lệ phóng sinh giờ đã mang màu sắc khác

 
Chả biết tiễn ông Táo đi sớm quá, "ngài” có thấy vui không, nhưng rõ ràng từ "cầu” quá lớn, mà "cung” cũng rất phong phú, đa dạng. Thế là cứ đến dịp này hàng mã, hàng cá, hàng túi nilon… cơ man là cơ hội làm ăn. Chỉ khổ những hồ nước quanh những khu vực đông dân cư sinh sống.
 
Có một thực tế là nghi lễ truyền thống trong ngày tiễn ông Công, ông Táo giờ đây đang không có sự đồng nhất. Hoặc do tập tục từng địa phương, hoặc do quan niệm của từng người. Nhân một lần trò chuyện với nhà nghiên cứu văn hóa Phan Cẩm Thượng, ông phân tích: Thực ra ý nghĩa chính của Tết ông Công ông Táo là năm hết tết đến, mọi gia đình bầy tỏ lòng ngưỡng vọng tổ tiên, báo cáo với tổ tiên về đời sống công việc của mình năm qua, và đề cao tình vợ chồng chung thủy, tình bạn tốt đẹp (sự tích ông Công ông Táo). Từ ý nghĩa này một số nghi thức hình thành được làm vào ngày 23 tháng 12 âm lịch hàng năm, trước ngày Tết Nguyên đán. Đó là việc làm một mâm cỗ cúng, đốt chút vàng mã, phóng sinh động vật… Tất cả những nghi thức này hoàn toàn có tính tượng trưng, dù vàng mã to hay nhỏ, mâm cỗ nhiều hay ít hoàn toàn tùy thuộc vào kinh tế của từng gia đình, chứ không hề có ý nghĩa làm vui lòng tổ tiên hơn bằng lễ nghĩa nhiều hơn. 
 
Ông cũng xác nhận, riêng tục phóng sinh hiện đã mang màu sắc hoàn toàn khác. Trong thời đại săn bắn, chăn thả và làm nông nghiệp cổ xưa, có những ngày mà người ta sám hối không săn bắn, giết hại động vật hoang và nuôi nữa, chứ không phải là mua cá ở chợ rồi đem thả xuống sông, mua chim nhốt vào lồng rồi lại thả ra như hiện nay. Giờ đây chim cá dùng cho phóng sinh hoặc bị bắt lại, hoặc sẽ chết ngay bởi một môi trường khác, không có ý nghĩa gì cả, chưa kể vô số chúng đã chết trước khi được thả. Với các nghi lễ, người ngày xưa cũng đều hiểu rằng chủ yếu nhằm giáo dục đạo đức, truyền thống gia đình, uống nước nhớ nguồn cho con cháu hiện tại…
 
Còn nữa, tập tục đốt vàng mã vốn xuất phát từ tục chôn đồ tùy táng (của cải thật của người chết), rồi vì thế quá tốn kém mà chuyển sang chôn đồ minh khí (tức là đồ làm giống như thật, dạng minh họa tượng trưng với chất liệu như đồ thật, ví dụ Trống đồng minh khí), rồi lại làm thay thế bằng giấy (đồ vàng mã) và tranh đốt (tranh vẽ các đồ tùy táng), tiền giả để đốt. Như vậy chính quá trình này mang ý nghĩa tượng trưng, giảm bớt tốn kém, gánh nặng tín ngưỡng không cần thiết, mà cha ông thực tế đã nhận ra.
 
Và trong quan niệm của người Việt, từ lâu Tết ông Công ông Táo đã được coi là di sản văn hóa phi vật thể. Mang câu chuyện về nghi thức cúng tiễn ông Táo hỏi các  nhà nghiên cứu văn hóa, nhiều người đồng quan điểm này: Không có một qui định bắt buộc nào về nghi thức cúng lễ. Tín ngưỡng thực ra cũng thay đổi, phát triển theo xu hướng của xã hội. Còn theo nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng: ở đâu mà lòng người bất an, xã hội bất trắc, thì mê tín dị đoan cũng có nhiều cơ hội, như cỏ dại gặp đất hoang vậy.
 
Theo Đại đoàn kết
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo