Pháp luật

Nghi vấn ‘rút ruột’ cây mắm non ở Mũi Cà Mau

Hàng chục ngàn cây mắm non tại Vườn quốc gia Mũi Cà Mau được nhổ mang đi nơi khác nhưng cơ quan chức năng không hay biết.

Nhiều người dân ở Cà Mau cho biết có một công ty thuê họ đi nhổ hàng chục ngàn cây mắm non rồi dùng ghe chở đi đâu không rõ. Việc làm này đang gây tổn hại đến hệ sinh thái Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, khu dự trữ sinh quyển của thế giới. Trong khi đó, Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau khẳng định chưa từng cho phép ai làm việc đó.

Tưởng ngon ăn, ai dè…

Khoảng một năm nay, chúng tôi đã một vài lần nghe đồn về một nghề lạ vừa xuất hiện tại Mũi Cà Mau: Đi nhổ cây mắm rừng non đem về ươm rồi bán lại. Dân Đất Mũi nói Ba Đào là người đầu tiên quyết chí làm giàu bằng cái nghề ấy. Nhưng chẳng bao lâu Ba Đào bỏ nghề quay về xóm vì giàu đâu không thấy, chỉ thấy “lỗ sặc máu”.

Ghe chở cây mắm giống đang ra khỏi Vườn quốc gia Mũi Cà Mau. Ảnh: TRẦN VŨ .

Ông Ba Đào kể với chúng tôi: Đúng lý ra cái nghề đó dễ ăn, một vốn bốn lời bởi “Cây mắm rừng ở ngoài bãi bồi muốn bao nhiêu triệu cây mà chẳng có. Nhưng ngặt cái mấy tay thu mua buộc mình phải tự ươm vào bọc nylon, để một tuần nếu cây sống thì mới mua với giá 2.000 đồng/cây. Mình không rành kỹ thuật, ươm 10 cây chết hết tám, thế là lỗ nặng”.

Ông Ba Đào chép miệng nói số ông vẫn may mắn vì thấy không ngon ăn nên bỏ chạy sớm, lỗ chẳng bao nhiêu. Chứ như ông Tư Chiến ở Cái Mồi, xã Đất Mũi mới khổ, suýt tự tử và nay phải bỏ xứ qua Kiến Vàng, xã Tân Ân, Ngọc Hiển giữ vuông tôm thuê. Gặp chúng tôi, ông Tư Chiến cười, xác nhận: “Có chuyện đó thiệt. Không nhờ đứa con gái út cứu thì tôi chết thật rồi”.

Đó là vào tháng 6-2015, ông Tư Chiến tình cờ nghe ông Bảy Tài (Lữ Phước Tài) ở Kiến Vàng vừa nhận một hợp đồng cung ứng 70.000 cây giống mắm. Đang rảnh, ông Tư Chiến đến gặp ông Bảy Tài xin nhận thầu 10.000 cây. Về nhà ông gom hết vàng, vòng tích cóp của gia đình, đi vay mượn thêm anh em, con cháu để bắt đầu mần ăn.

Vợ ông Tư không chịu, khuyên chồng đừng dính vào bởi “làm ăn kiểu gì mà không có hợp đồng, giấy tờ gì cả. Người mua nghe đâu ở ngoài Bắc vào, nếu mình làm rồi họ không đến lấy thì sạt nghiệp. Chưa nói là ông không biết gì về kỹ thuật, ươm không đạt lỗ chết”. Mặc vợ cản, ông Tư Chiến quyết làm, còn mạnh miệng thề độc nếu thất bại sẽ nhảy sông Năm Căn tự tử.

Và đúng như bà Tư dự đoán, ông đã thất bại thảm hại, mất toi 40 triệu đồng và chín  tháng trời khổ cực. “Làm hoài không thành công, tôi dốc toàn sức lực quyết chí làm giàu một phen cuối cùng khi mướn đất vuông tôm làm thành cái bãi ươm lớn 3.000 m2, thuê nhân công bứng cây mắm ngoài bãi bồi về để ươm. Tôi ươm, chăm sóc trên 50.000 cây nhưng thu hoạch chỉ được 9.000 cây” - ông Tư Chiến kể lại. Con gái ông thấy cha thất bại, sợ ông làm liều nên vội về Cà Mau khuyên nhủ, đồng thời năn nỉ mẹ xuất tiền cho ông trả nợ…

 

Được biết từ tháng 2-2016, nhóm ông Bảy Tài không còn làm giống nữa do những người mua cây phát hiện nếu làm ở khu vực bãi bồi ở Đất Mũi giá cả vận chuyển rẻ hơn. Và từ đó, ngay vùng lõi của Vườn quốc gia Mũi Cà Mau người ta hình thành cả một khu ươm cây mắm giống…

Xâm phạm cây ở vùng lõi vườn quốc gia

Theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi tìm đến một khu ươm giống cây mắm ngay vùng lõi Vườn quốc gia Mũi Cà Mau. Tại đây, hàng chục ngàn cây mắm non, loại cao 80 cm trở lên đã được vô bầu, để dọc theo hai bên bìa rừng cặp một con kênh dài gần 1 km. Một chiếc ghe lớn đang chất đầy cây mắm non chuẩn bị chở đi. Những người trên ghe cho hay chủ ghe kêu chở thì đến chở chứ không biết ai mua, ai bán cây mắm giống cả. Chúng tôi hỏi cây này được chở đi đâu, những người này im lặng không trả lời rồi bỏ vào ghe.

Ông Sáu Tâm, xã Đất Mũi, kể: “Tôi được họ (những người thu mua cây mắm - PV) thuê từ tháng 4-2016. Cả nhà tôi ba người đi ra bãi bồi nhổ cây mắm non vô bầu và cho vào khu vườn ươm bên bìa rừng. Khoảng hai tháng sau họ đưa ghe đến chở đi, cứ mỗi cây sống tôi được 2.000 đồng. Nhà tôi làm được 4.500 cây, chết hết hơn 1.000 cây, nên tôi chỉ được trả khoảng 6 triệu đồng”.

Ông Sáu Tâm cũng xác nhận bây giờ họ không thuê người dân địa phương nữa mà đi thuê người từ các nơi khác về làm. Anh Nguyễn Văn Giang, nhà ở xã Tân Phú, huyện Thới Bình, Cà Mau cho hay được nhóm người nói tiếng Bắc đến thuê anh cùng sáu người nữa vào Vườn quốc gia Mũi Cà Mau nhổ và trồng cây mắm. “Chúng tôi làm được 14.000 cây. Cứ ra bãi bồi nhổ cây mắm non cao 8 tấc rồi đem vô trồng lại ở một bãi bồi khác cách đó 6-7 km. Cứ một cây sống sau một tuần, chúng tôi được trả 1.300 đồng” - anh Giang kể.

 

Cây mắm giống vừa được chở khỏi Vườn quốc gia U Minh Hạ (trên) khác hẳn cây mắm giống ở Bình Sơn, Hòn Đất,  Kiên Giang (dướii). Ảnh: TRẦN VŨ

Trò chuyện với chúng tôi, hầu hết người dân cho hay việc nhổ cây mắm từ vùng lõi Vườn quốc gia Mũi Cà Mau có liên quan đến một công ty ở Hà Nội. Công ty này đang thực hiện các dự án trồng rừng lấn biển tại địa bàn các tỉnh ven biển miền Tây. Tuy nhiên, lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, Chi cục Kiểm lâm và ban giám đốc Vườn quốc gia Mũi Cà Mau đều khẳng định chưa cho phép cá nhân hoặc tổ chức nào nhổ cây rừng non ở khu sinh quyển Mũi Cà Mau.

Chỉ nhổ 300 cây để thí nghiệm?

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Phan Quốc Khải, Giám đốc Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, khẳng định qua kiểm tra thì không phát hiện việc nhiều người dân ra bãi bồi nhổ cây mắm non như PV phản ảnh. Còn khu vực ươm cây ở gần bãi bồi là của Công ty CP Xây dựng và Sinh thái, Thủy lợi ở Hà Nội vô làm. Theo ông Khải, làm việc với ban giám đốc vườn, đại diện công ty đã thừa nhận có thuê người nhổ khoảng 300 cây mắm non cao 70-80 cm ở Vườn quốc gia Mũi Cà Mau để thử nghiệm chứ không có chuyện nhổ hàng chục ngàn cây.

PV đặt câu hỏi: Hiện có nhiều ghe loại trên 30 tấn đang cho chuyển cây non ra khỏi khu sinh quyển, vậy số cây này từ đâu ra? Ông Khải trả lời: “Đại diện công ty nói đây là số cây trồng thừa nên chở đi trồng ở các tỉnh khác. Số cây này từ vườn ươm cây ngập mặn ở xã Bình Sơn, huyện Hòn Đất, Kiên Giang chở về đây với số lượng 35 vạn cây nhưng chỉ trồng hết 28 vạn, còn thừa bảy vạn nên chở đi nơi khác”. Ông Khải cũng khẳng định công ty chở cây giống vào ra khu vực Vườn quốc gia Mũi Cà Mau đều được vườn theo dõi trên sổ sách, có chứng từ đầy đủ.

Để tường tận vụ việc, PV đã tìm đến xã Bình Sơn, huyện Hòn Đất tìm hiểu nhưng trên thực tế chẳng có vườn ươm nào mang tên như Công ty CP Xây dựng và Sinh thái, Thủy lợi đã cung cấp cho ông Khải. Ở đây chỉ có các khu vườn ươm tự phát của người dân địa phương. Ông Lâm Téng, một chủ vườn ươm tự phát cho biết: “Năm ngoái tôi có bán cho Công ty CP Xây dựng và Sinh thái, Thủy lợi 20 vạn cây mắm giống. Khi đó tôi biết họ mua để trồng ở các bãi biển của Kiên Giang này. Còn năm nay tôi bán cho họ có ba vạn cây thôi. Họ đặt nhiều hơn nhưng không hiểu sao lại không lấy. Giá ở đây là 5.000 đồng/cây”.

 

Ông Téng cũng thú thật mình chỉ là hộ ươm cây tự phát, bán không có chứng từ, hóa đơn, kiểm định chất lượng. Trò chuyện với ông, chúng tôi phát hiện cây giống do người dân Bình Sơn ươm có hình thù khác hẳn cây giống mà Công ty Xây dựng và Sinh thái, Thủy lợi đã chở đi khỏi Vườn quốc gia Mũi Cà Mau. Theo ông Téng giải thích: “Cây ở đây chúng tôi ươm từ hạt mắm hoặc cây non mới ra hai lá. Nên khi xuất bán nó có rất nhiều nhánh rẽ, rất dễ phân biệt với giống lấy từ tự nhiên là cây thẳng, chỉ một thân, không có nhánh nào và nhìn rất yếu”.

Việc hàng chục người dân được thuê đi nhổ mắm non tại Vườn quốc gia Mũi Cà Mau với số lượng hàng chục ngàn cây là một sự thật được Pháp Luật TP.HCM ghi nhận từ thực tế cũng như từ chính những người trong cuộc. Do vậy, cơ quan chức năng của tỉnh Cà Mau cần sớm vào cuộc làm rõ số lượng cây được nhổ đã đi về đâu và những người thuê nhổ có mục đích gì.

Chủ tịch chỉ đạo kiểm tra, báo cáo ngay

Ngày 30-8-2016, ngay khi PV Pháp Luật TP.HCM thông báo về tình trạng nêu trên, ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, đã gọi điện thoại yêu cầu ông Lê Văn Hải, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau, kiểm tra ngay sự việc.

“Đó là khu sinh quyển thế giới, được bảo vệ nghiêm ngặt, mọi hoạt động trái phép xâm hại đến nguồn đa dạng sinh học khu vực này phải được ngăn chặn ngay và xử lý nghiêm minh” - ông Nguyễn Tiến Hải nhấn mạnh.

 

Vườn quốc gia Mũi Cà Mau được thành lập từ năm 2003. Ngày 26-5-2009, vườn được UNESCO đưa vào danh sách các khu dự trữ sinh quyển. Ngày 13-4-2013, vườn trở thành khu Ramsar thứ 2.088 của thế giới, thứ hai tại đồng bằng sông Cửu Long và thứ năm của Việt Nam.

Nên đọc
Theo báo Pháp luật TP. HCM
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo