Nghi vấn từ giỏ quà tết
Đó là chuyện gần 6.000 gói bột Knorr giả trị giá gần 300 triệu đồng chui vào giỏ quà tết mà Công đoàn Công ty Chutex tặng công nhân. Trong chuyện này đang dấy lên rất nhiều câu hỏi cần được trả lời nếu thực sự muốn "truy tận gốc" vấn đề.
Chúng ta đều biết, hàng giả đang hoành hành khắp nơi với thủ đoạn ngày càng tinh vi nên trong nhiều trường hợp đã qua mặt được cơ quan chức năng và đánh lừa người tiêu dùng. Nhưng hàng giả trong vụ việc nói trên là hàng đặt, số lượng lớn, lên đến gần 6.000 gói bột nêm và được làm giả hết sức sơ sài. Mắt thường cũng có thể nhận ra. Nên các công nhân sau khi bóc giỏ quà đã ngay lập tức phát hiện và mang trả. Vậy chẳng lẽ khi nhận hàng, phía Công đoàn công ty không hề kiểm tra? Còn nếu có kiểm tra, tại sao lại không phát hiện?
Đặc biệt, theo hóa đơn bán hàng do Công đoàn Công ty Chutex cung cấp cho cơ quan chức năng, những gói quà này được đặt mua từ Công ty TNHH tư vấn xây dựng - thương mại và dịch vụ Cát Điền (Q.Bình Thạnh, TP.HCM). Theo hồ sơ công ty, ngành nghề đăng ký kinh doanh của công ty này là xây dựng nhà các loại. Câu hỏi đặt ra là, tại sao Công đoàn Công ty Chutex lại tìm đến công ty xây dựng nhà để đặt giỏ quà thực phẩm gồm dầu ăn, bột ngọt, đường và một gói bột nêm nhãn hiệu Knorr cho công nhân với tổng trị giá lên tới gần tỉ đồng? Chọn đơn vị cung cấp "tréo ngoe" thế này phải chăng đây là mối quen? Vậy quen ai, ai quyết định chọn đơn vị này để đặt hàng? Trước đó đã từng đặt gì chưa? Có xảy ra tình trạng tương tự?... Cứ thế truy ra, ắt sẽ tìm được bản chất vấn đề.
Phải làm như vậy bởi công nhân đang là đối tượng mà hàng giả, hàng thiếu chất lượng, hàng hết hạn sử dụng, hàng không đảm bảo an toàn vệ sinh nhắm đến. Mới tháng trước theo xác định của quản lý thị trường TP.Hà Nội, rất nhiều thịt trâu nhập vào VN đội lốt thịt bò và chui vào bữa ăn công nhân. Đó là lý do, năm 2014 có tới trên 10.000 tấn thịt trâu nhập vào nội địa nhưng trên thị trường lại ít thấy bày bán. Việc tráo thịt trâu thành thịt bò này chắc chắn phải có sự thông đồng của đơn vị cung cấp và bên mua hàng.
Hàng nhận thì giả nhưng trả tiền thật và cái mà ai cũng biết đó là phần hoa hồng không hề nhỏ rơi vào túi một số người. Kết quả là đơn vị mua hàng mất tiền nhưng sức khỏe công nhân không đảm bảo. Trong những năm qua, biết bao vụ công nhân bị ngộ độc thực phẩm đồng loạt, không loại trừ cũng là từ những vụ móc ngoặc như thế này để kiếm hoa hồng bỏ túi?
Đó là lý do chúng ta phải truy tận gốc vấn đề. Chống hàng gian, hàng giả, hàng lậu đang được Chính phủ đẩy mạnh và quyết tâm trong năm nay. Vậy hãy xử thật nặng những đơn vị, những người làm hàng giả và xử thật nặng những người thông đồng tiêu thụ hàng giả, tuồn hàng giả vào trong các khu công nghiệp; hàng dỏm, hàng thiếu chất lượng vào mâm cơm của công nhân. Bởi nếu cứ có "đầu ra" thế này, thì hàng giả, hàng dỏm, hàng lậu sẽ khó mà tiêu diệt được.
Hy vọng vụ này được làm sáng tỏ và xử phạt nghiêm minh để làm gương cho những kẻ đang coi công nhân là nơi trục lợi sẽ phải chùn tay.
Theo Thanh Niên
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo