Pháp luật

Nghĩ về văn hóa ứng xử của người Hà Nội

Tâm điểm của các cuộc bàn thảo ở Hà Nội mấy tuần qua xoay quanh một câu chuyện mà rất nhiều người sẽ phải suy ngẫm: thành phố đang gấp rút hoàn thiện và sẽ thí điểm một bộ quy tắc ứng xử, ngay năm 2015.
Người dân xả rác bừa bãi sau khi dự lễ ở chùa Phúc Khánh (Hà Nội) - Ảnh: Ngọc Thắng
 
Hấp thụ nền giáo dục trong nhà trường thủ đô, như một quán tính tôi luôn tự thêm vào hai chữ thanh lịch mỗi khi nghĩ đến con người Hà Nội. Trong cuộc sống tôi đã nhiều lần gặp những nhân chứng của một Hà Nội gốc thanh lịch phảng phất nét hoài cổ như thế.
 
 
Rất khó để dùng từ ngữ miêu tả, họ tinh tế, lịch thiệp, nhã nhặn, và có khả năng giữ bản lĩnh ứng xử trong mọi điều kiện ngoại cảnh. Mỗi lần nhặt được một mảnh ghép đẹp như vậy, tôi đều suýt xoa rồi gắn thêm vào định nghĩa riêng của tôi về sự thanh lịch. Đó là Hà Nội thanh lịch trong tâm trí tôi, rất cảm tính cá nhân, luôn thay đổi và không có hình hài rõ ràng.
 
 
Nhưng ngành văn hóa đã đặt vấn đề một cách xác đáng. Trong sự thay đổi tất yếu của cả đất nước, những giá trị truyền thống của Hà Nội xưa đã gần như biến mất. Hà Nội nay buộc phải thay đổi cả về quy mô diện tích, về con người và về tư duy tiếp nhận cái mới.
 
 
Hệ miễn dịch về văn hóa của Hà Nội đã không đủ mạnh cho một cơ thể lớn quá nhanh, và thủ đô như một cộng đồng đã không giữ được nhân cách trước làn sóng thay đổi. Hà Nội phải chịu trách nhiệm trước cả nước với tư cách là trung tâm hội tụ, giao thoa, chắt lọc và lan tỏa văn hóa dân tộc.
 
 
Là công dân thủ đô, tôi chia sẻ sự xấu hổ và thông cảm với cố gắng của những người đang bỏ tâm huyết để thay đổi hiện trạng.
 
 

Nguyên nhân cụ thể sẽ phải được phân tích bởi các nhà văn hóa, nhưng tôi không tán thành quan điểm cho rằng sự giao thoa với văn hóa nhập cư là căn nguyên của sự xuống cấp.

 

Bởi Hà Nội là nơi hội tụ, những người đến và sống được ở thủ đô đều là những cá nhân ưu tú của các địa phương.

 

Những cá nhân đó đều đang ngày đêm đóng góp cho sự thịnh vượng chung của cộng đồng, vì vậy sẽ là bất nhẫn nếu Hà Nội cứ mãi lấy đi những con người tinh hoa của nhà quê, chắt lọc lấy những gì tinh túy, và buộc tội phần còn lại về những điểm mình còn chưa đẹp.

 

Mặc dù trân trọng cố gắng của những con người đang làm nên bộ quy tắc ứng xử, tôi cũng không cho rằng văn hóa suy thoái vì thiếu định hướng đúng.

 

Chúng ta đã có danh hiệu Thành phố văn hóa, Thành phố hòa bình treo đầy đường phố, có cả nghị quyết về phát triển thủ đô Hà Nội, có Luật Thủ đô…

 

Nhưng lời hay ý đẹp vẫn bị cuộc sống đào thải, tại sao? Hà Nội gồm toàn những cá nhân tinh hoa, tại sao lại thất bại với tư cách một cộng đồng?

 
 
Giải quyết một vấn đề của cộng đồng thì phải tiếp cận từ cộng đồng. Trong cả quá trình phát triển của một thành phố, hệ miễn dịch văn hóa phụ thuộc vào độ bền chắc của những sợi dây cố kết cộng đồng.
 
 
Sợi dây đó mạnh hơn hay yếu đi nằm ở cách dung hòa những chênh lệch chuẩn mực giữa các cá nhân, giữa các cộng đồng nhỏ và giữa cộng đồng nhỏ với cộng đồng lớn.
 
 
Đương nhiên, quá trình xây dựng một bộ quy tắc ứng xử có thể đem lại hiệu ứng rất tích cực nếu thành phố biết biến nó thành một hành động chung được sự hưởng ứng rộng rãi của cả cộng đồng.
 
 
Ngược lại, không có bất kỳ một đạo luật hay bộ quy tắc ứng xử nào ép buộc được cư dân thủ đô phải tin tưởng lẫn nhau khi giao tiếp, phải nghĩ về nhau theo hướng tích cực, và phải tha thứ cho nhau khi mắc sai lầm.
 
 
Tôi sợ rằng người Hà Nội đang không cùng nhau nhìn về một hướng. Chúng tôi vẫn nghĩ là mình hướng thiện, nhưng ai cũng hướng thiện theo cách riêng của mình. Chúng tôi cũng tự xây dựng chuẩn mực, nhưng ai cũng bảo vệ chuẩn mực của riêng mình.
 
 
Nếu phải làm lại từ đầu, xuất phát điểm phải là sự dung hòa những cái riêng mà chúng tôi đang có, trong một bầu không khí chân thành- tin cậy-lắng nghe mà chúng tôi cũng đang rất thiếu.
 
 
Tìm một hình hài năng động và phù hợp thời đại cho văn hóa ứng xử của Hà Nội mới cũng không phải là việc bất khả thi, bởi bức tranh thủ đô vẫn còn rất nhiều điểm sáng.
 
 
Chẳng hạn, ở các ngã tư tôi thấy nhiều bạn trẻ cầm tấm biển “Đèn đỏ 25 giây tắt máy”, hay hình ảnh họ lặng lẽ nhặt rác ở Bờ Hồ vào đêm giao thừa, khi thủ đô bước sang năm mới. Nếu được lựa chọn, tôi muốn đề nghị các bạn đó đi đến các tổ dân phố để làm hạt nhân trong quá trình thuyết phục cộng đồng đi đến một bộ quy tắc ứng xử.
 
 
Bộ quy tắc do các bạn ấy chủ trì đưa ra có hoàn hảo hay không không còn quan trọng. Các bạn ấy chắc hẳn có sẵn tình yêu thành phố, khi tương tác bằng nhiệt huyết của tuổi trẻ chắc chắn cộng đồng sẽ nhận lại được lòng vị tha và sự chân thành.
 
 

 Tôi sợ rằng người Hà Nội đang không cùng nhau nhìn về một hướng. Chúng tôi vẫn nghĩ là mình hướng thiện, nhưng ai cũng hướng thiện theo cách riêng của mình. Chúng tôi cũng tự xây dựng chuẩn mực, nhưng ai cũng bảo vệ chuẩn mực của riêng mình. Nếu phải làm lại từ đầu, xuất phát điểm phải là sự dung hòa những cái riêng mà chúng tôi đang có, trong một bầu không khí chân thành- tin cậy-lắng nghe mà chúng tôi cũng đang rất thiếu.

Theo Thanh Niên
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo