Nghịch lý thương hiệu thời trang Việt
Vì sao các thương hiệu thời trang Việt chưa thoát khỏi “lũy tre làng”, bay đến xứ xa, thậm chí chỉ như ngọn nến nhỏ so với ánh trăng rằm- thương hiệu thời trang danh tiếng thế giới- ngay chính trên sân nhà?
Trả lời câu hỏi đó, tại buổi đối thoại với chủ đề “Một tầm nhìn” trong khuôn khổ Diễn đàn Việt Nam CEO Forum 2014, doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn- người mang nhiều thương hiệu thời trang tên tuổi thế giới vào Việt Nam- cho rằng, đó là do hai nghịch lý: Cái cần cao thì quá thấp. Cái cần thấp thì lại quá cao!
Nghịch lý thứ nhất. Các thương hiệu thời trang nổi tiếng thế giới đều đã có tuổi đời hàng trăm năm, từng “ba chìm, bảy nổi, chín lênh đênh” mới có được thành công hôm nay. Do đó, mỗi sản phẩm hàng hiệu trước khi đưa ra thị trường nếu gặp một lỗi nhỏ cũng sẽ bị hủy để bảo vệ uy tín thương hiệu. Ví dụ, nhiều sản phẩm hàng hiệu được gia công ở Việt Nam, nhưng người kiểm soát chất lượng luôn là nhân sự nước ngoài. Họ sẵn sàng loại bỏ 5- 10% sản phẩm không bảo đảm chất lượng... Tiếc thay, với doanh nghiệp Việt, lỗi một chút cũng cho qua, khiến hàng gia công bị trả lại, hàng tự sản xuất khó bán ra nước ngoài.
Nghịch lý thứ hai. Ở các nước trên thế giới, tỷ lệ chi phí thuê mặt bằng trên doanh thu chỉ khoảng 10- 12 %, còn ở Việt Nam lên đến 32- 38 %. Những vị trí kinh doanh đẹp đều có giá thuê mặt bằng... ngất ngưởng trên trời, khiến doanh nghiệp Việt cầm chắc cái sự “thua” doanh nghiệp ngoại trong cạnh tranh, nhất là doanh nghiệp nhỏ không trường vốn. Ngay cả trong mơ, giá thuê mặt bằng thấp cũng chẳng hiện về!
Xóa bỏ hai nghịch lý đó khó như... “trạch đẻ ngọn đa” chăng?
Báo Công thương
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo