Xã hội

Nghiên cứu thu hẹp thẩm quyền Toà án quân sự

Tòa án quân sự chỉ nên xét xử những vụ liên quan đến bí mật quốc phòng an ninh, bí mật quốc gia.

Giải đáp thắc mắc về một số nội dung đại biểu nêu ra về Hội thẩm nhân dân khi Thường vụ Quốc hội (TVQH) thảo luận về Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân (sửa đổi) ngày 14/7, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình cho biết, Hội thẩm nhân dân do MTTQ giới thiệu mà số được tuyển chọn chủ yếu là cán bộ tòa án đã về hưu. Đây không phải là lực lượng công chức, các cơ quan này cũng chỉ giám sát mà không quản lý nên hoạt động phải có quy chế, phải được trình Uỷ ban TVQH có quy định ủy quyền.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội – ông Phan Trung Lý đề nghị phải rà soát lại thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự cho đúng thẩm quyền và đối tượng chứ không nên mở rộng, không phải vụ nào quân nhân vi phạm cũng đưa ra Tòa án quân sự. Tòa án quân sự chỉ nên xét xử những vụ liên quan đến bí mật quốc phòng an ninh, bí mật quốc gia…
Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội – bà Trương Thị Mai thì cho rằng, cần thiết phải có tòa giản lược, nhất là về lĩnh vực lao động. Vì các tranh chấp lao động diễn ra thường xuyên nên cần được xử lý bằng quy trình đặc biệt. Bà Mai đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu lại và quy định rõ về tòa giản lược, điều này sẽ có lợi cho người dân trong việc xử lý nhanh các vụ việc xảy ra.
 
Theo Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Doãn Khánh, hiện nay theo luật có Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự nên cần phải giải thích cho phù hợp tên  luật.
 
Liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của tòa án quân sự, ông Khánh đề nghị cần được cụ thể hóa trong luật. Đối với quân nhân phạm tội ngoài xã hội mà không gắn với nhiệm vụ thì nên để Tòa án nhân dân giải quyết. Còn đối với các đối tượng bên ngoài phạm tội nhưng liên quan đến vấn đề quân sự thì để Tòa án quân sự giải quyết.
 
Về tòa giản lược, ông Khánh cho biết, ở các nước cũng tiến hành phiên tòa theo thủ tục giản lược, chủ yếu hòa giải các vụ nhỏ lên quan đến dân sự. Đồng ý xét xử theo hình thức này, song ông Khánh cũng cho rằng, không cần thiết phải tổ chức ra hẳn một tòa giản lược.
 
Đồng tình với chủ trương liên quan đến tòa giản lược song đối với Tòa án quân sự, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị cần phải cân nhắc trong phạm vi hoạt động. Các vụ án dân sự như tai nạn giao thông, cố tình gây thương tích mà ngoài phạm vi hoạt động của quân đội thì không nhất thiết phải giao cho Tòa quân sự thực hiện.
 
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, quyền tư pháp xuất phát từ hoạt động xét xử và khi xét xử mới thực hiện quyền tư pháp. Quyền tư pháp chỉ là tuyên án và phải bảo đảm điều tra chính xác, không bỏ lọt người, lọt tội, nếu lọt phải đình chỉnh ngay. Quyền tư pháp là nếu cơ quan khác làm sai thì phải làm lại.
 
Liên quan đến án lệ, Chủ tịch Quốc hội cảnh báo: “Mỗi vụ án đều có đặc điểm riêng, không giống nhau và thực tiễn cuộc sống mỗi ngày đều có sự biến động nên không thể cho dùng án lệ một cách đơn giản mà phải thận trọng”.
 
Kết thúc buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, TVQH nhất trí không thành lập tòa giản lược độc lập mà chỉ cho áp dụng thủ tục giản lược đối với một số vụ án, vụ việc. Ngoài ra cũng nên có tòa chuyên trách tại tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực để chuyên môn hóa hoạt động xét xử.
 
TVQH cũng đồng ý với chủ trương nghiên cứu thu hẹp thẩm quyền của Tòa án quân sự, và chỉ triển khai những vụ việc liên quan đến chức trách, nhiệm vụ trên địa bàn quốc phòng an ninh.
 
Anh Dũng
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo