Ngộ độc rượu: Công khai cơ sở bán rượu "rởm" ở Hà Nội
Ngày 10/4, Sở Y tế Hà Nội đã làm việc với UBND quận Đống Đa và quận Ba Đình về công tác phòng, chống ngộ độc rượu methanol (cồn công nghiệp) trên địa bàn, theo tin tức trên báo Hà Nội mới.
Theo báo cáo của UBND quận Đống Đa, thời gian qua lực lượng chức năng của quận đã kiểm tra hơn 2.200 cơ sở dịch vụ ăn uống, cửa hàng tạp hóa có bán rượu, tiêu hủy gần 1.000 lít rượu không rõ nguồn gốc. Tuy nhiên, các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu nhỏ lẻ nằm phân tán nên công tác kiểm tra, xử lý gặp nhiều khó khăn.
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung, trong Tháng hành động về an toàn thực phẩm 2017 (từ ngày 15/4 đến 15/5), Hà Nội sẽ tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu; đồng thời sẽ công khai tên các cơ sở cung cấp rượu không bảo đảm an toàn.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến dự báo, những cái chết tức tưởi hay những ca di chứng nặng nề do uống phải rượu pha methanol chắc chắn sẽ tiếp tục gia tăng. Muốn quản lý được, tất cả các bộ, ban, ngành đều phải vào cuộc với trách nhiệm cao, một cách bài bản, khoa học với những biện pháp hợp lý, báo An ninh thủ đô đưa tin.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Phú Cường, Vụ trưởng Vụ Khoa học và công nghệ - Bộ Công Thương cho rằng, ở nước ta, ngoài rượu sản xuất công nghiệp thì rượu người dân tự nấu hoặc sản xuất ở quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình, làng nghề lại rất phổ biến nên việc quản lý hết sức khó khăn.
“Chúng tôi đã phối hợp với Bộ Y tế kiến nghị Quốc hội xem xét thông qua việc sửa đổi điều luật liên quan đến xử lý các hành vi vi phạm về ATTP trong Bộ luật Hình sự theo chiều hướng tăng nặng”- ông Cường nói.
Theo đại diện Bộ Công Thương, Bộ này đã đề xuất bắt buộc phải pha màu vào cồn công nghiệp methanol để phân biệt cồn công nghiệp với cồn thực phẩm và tránh việc sử dụng chất độc này trong chế biến thực phẩm.
End of content
Không có tin nào tiếp theo