Ngoại tệ vắng khách
Cuối năm là thời điểm các DN cần nhiều ngoại tệ để nhập khẩu nguyên liệu, hàng hóa; thanh toán nốt cho đối tác những hợp đồng đã ký trong năm. Tuy nhiên theo đánh giá của các NHTM, dư nợ cho vay ngoại tệ năm 2013 vẫn giảm mạnh đáng kể so với những năm trước. Điều này không chỉ do chủ trương của NHNN là kiểm soát cầu tín dụng ngoại tệ theo xu hướng giảm dần để phù hợp với khả năng huy động vốn và hạn chế đô-la hóa trong nền kinh tế, mà thực tế, nhu cầu vay ngoại tệ của các DN cũng giảm mạnh.
Ngay cả khi cho vay xuất khẩu thuộc đối tượng ưu tiên của các NHTM thì cũng chỉ có mức tăng 3,32% - là mức tăng trưởng thấp nhất trong các lĩnh vực được ưu tiên cho vay là: nông nghiệp nông thôn, DN ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, DNNVV.
Ông Nguyễn Nhật Hùng, Giám đốc công ty TNHH Direkt Á Châu (Ba Đình, Hà Nội) cho biết, công ty hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng thủ công mỹ nghệ nên thường có nhu cầu vay vốn ngoại tệ. Các mặt hàng xuất khẩu chính của công ty như mây, tre, cói, gốm, sơn mài được xuất khẩu sang các nước châu Âu như Anh, Đức, Tây Ban Nha, Nga…. Và vì DN có nguồn thu bằng USD nên cũng được các NHTM săn đón, mời chào.
Những năm trước, nhu cầu vay ngoại tệ của công ty khá lớn do các đơn đặt hàng nhiều và lãi suất vay ngoại tệ thường thấp hơn rất nhiều so với vay bằng VND. Tuy nhiên sang năm 2013, tình hình kinh tế thế giới nói chung ngày càng khó khăn hơn, các đơn hàng đặt mua đồ lưu niệm như sản phẩm của DN sản xuất cũng giảm, khiến nhu cầu vay vốn của DN cũng giảm theo. Thời điểm cuối năm công ty mới nhận được 3 đơn đặt hàng từ các đối tác nước ngoài với giá trị không lớn: Đơn hàng xuất khẩu gốm sang Nga, trị giá hơn 19.000 USD; đơn hàng mây tre đi Tây Ban Nha, trị giá hơn 16.000 USD…
Chính vì biết các DN, đặc biệt là các DN hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu không dễ gì có được đơn hàng để vay vốn, nên trong những tháng cuối năm, nhiều ngân hàng đã có những chính sách ưu đãi lãi suất cho vay bằng ngoại tệ nhằm thu hút DN đến với mình.
Mức lãi suất vay ngoại tệ đang được một số NHTM áp dụng xê dịch từ 5% đến 7%/năm, thậm chí nhiều NHTM đang triển khai gói tín dụng bằng ngoại tệ chỉ 3%/năm. Đây là mức lãi suất khá thấp khi trần lãi suất huy động bằng ngoại tệ do NHNN quy định là 0,25%/năm đối với tiền gửi của tổ chức và 1,25%/năm đối với tiền gửi của dân cư.
HDBank đang dành 30 triệu USD cho vay ưu đãi lãi suất đối với các DN xuất nhập khẩu trên cả nước. Trong đó, với các kỳ hạn vay 1, 2 tháng, DN sẽ được HDBank cho vay với lãi suất 3%/năm; kỳ hạn vay 3 tháng là 3,5%/năm; kỳ hạn vay 4 tháng: 3,75%/năm; kỳ hạn vay 5 tháng: 4%/năm; kỳ hạn vay 6 tháng: 4,25%/năm.
Hay SCB dành 1.000 tỷ đồng cho DN xuất nhập khẩu vay theo gói “Tài trợ xuất nhập khẩu - Ưu đãi DN” với lãi suất vay USD từ 4 - 7%/năm. Nhiều ngân hàng khác cũng đưa ra mức lãi suất vay ngoại tệ giảm như Eximbank, ACB, Sacombank…Mặc dù vậy, đại diện một NHTMCP cho biết, dư nợ cho vay ngoại tệ năm 2013 vẫn giảm đáng kể so với năm trước.
Một nguyên nhân nữa khiến cầu vay ngoại tệ giảm do lãi suất cho vay bằng VND đang có mức giảm khá lớn và dần thu hẹp khoảng cách với lãi suất ngoại tệ. Lãi suất cho vay ngoại tệ hiện đang dao động từ 3 - 7%/năm, trong khi lãi suất cho vay bằng VND cũng chỉ ở khoảng 7 -9%. Bởi vậy, nhiều DN đã chủ động chuyển sang vay vốn bằng VND thay cho việc vay ngoại tệ cho dù NHNN vẫn cam kết ổn định tỷ giá.
Đơn cử như, OceanBank đang triển khai chương trình cho vay VND “Tháng vàng lãi suất dành cho các khách hàng DN vừa và lớn” với mức lãi suất chỉ còn 7%/năm. Đại diện Vietcombank cho biết: ngân hàng đang có những chính sách cho vay ưu đãi đối với DN với lãi suất thấp. Với những trường hợp có tình hình tài chính lành mạnh, hiệu quả kinh doanh tốt và có phương án vay vốn mới khả thi, mức lãi suất chào vay chỉ khoảng 6%/năm, thậm chí cạnh tranh dưới 6%/năm. Với mức lãi suất này, so với vay bằng ngoại tệ thì DN có lợi hơn vì không phải lo rủi ro từ biến động tỷ giá. Chính bởi vậy, nhiều DN đã chuyển sang vay vốn bằng VND.
“Tuy có nguồn thu là ngoại tệ nhưng chúng tôi cũng đang cân nhắc chuyển sang vay bằng VND, bởi lãi suất cho vay bằng VND dành cho DN xuất khẩu đang được nhiều ngân hàng giảm xuống mức thấp, thậm chí bằng lãi suất vay ngoại tệ” - ông Nguyễn Nhật Hùng cho biết.
DN khó khăn, thu hẹp sản xuất cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhu cầu vay ngoại tệ giảm. Theo ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV, trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, sức mua ảm đạm, hàng hóa tồn kho cao khiến cho không ít DN đã co hẹp sản xuất. Nhiều DN hoạt động cầm chừng nên nhu cầu vay vốn để sản xuất kinh doanh cũng không nhiều. Mặc dù thời gian qua, ngành Ngân hàng cùng các bộ, ngành đã có nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN nhưng hiệu quả chưa cao.
Sang năm 2014, nhiều DN kỳ vọng cùng với những tác động tích cực của độ trễ chính sách, nền kinh tế sẽ trở nên sáng sủa hơn, khi lực cầu tăng thì DN mới dám mở rộng sản xuất kinh doanh. Và, theo đó, cầu tín dụng, dù nội hay ngoại tệ, mới tăng theo được.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/1/2025: Chạm đỉnh cao nhất hơn 11 tuần qua
Việt Nam đứng thứ ba về xuất khẩu gạo sang Singapore
Giá nông sản ngày 23/1/2025: Cà phê tăng vọt, hồ tiêu nhích nhẹ
Giá ngoại tệ ngày 23/1/2025: USD phục hồi nhẹ sau chuỗi ngày giảm
Giá heo hơi ngày 23/1/2025: Ổn định trên toàn quốc dịp cận Tết
Thales tiếp tục cung cấp dịch vụ bảo trì cho đội bay của Vietnam Airlines