Xã hội

Ngọn lửa thắp sáng cho người phụ nữ khuyết tật Đỗ Thu Hương chính là gia đình

(DNVN) - Sức khỏe là vốn quý nhưng ý chí và nghị lực mới là điều quyết định. Dù chị không được bằng bạn bằng bè song ý chí, nghị lực của người phụ nữ tật nguyền ấy thì không phải ai cũng có được.

Chị là người phụ nữ mà khi nhắc tên ai cũng biết đến tình yêu và “đám cưới cổ tích” của một cô gái khuyết tật với chàng trai 8X. Một tấm gương nghị lực của nhiều mảnh đời bất hạnh trong xã hội. Chị là Đỗ Thu Hương.

Tuổi thơ đớn đau của chị bắt đầu từ năm lên 8 tuổi, sau một trận ốm rồi những cơn đau triền miên hành hạ mấy tháng trời, chị trở lại cuộc sống mang theo căn bệnh viêm đa khớp quái ác. Đi cùng với căn bệnh đó là sức khỏe và những nỗi đau thể xác hành hạ. Cơ thể chị kém phát triển, di chuyển khó khăn.

Thương con gái còn nhỏ đã chịu nhiều đau đớn, bố mẹ chị đưa chị chạy chữa khắp nơi. Có bệnh thì vái tứ phương, cứ chỗ nào nghe thầy hay thuốc tốt là tìm đến. Thế nhưng ròng rã chục năm trời bệnh tình chẳng mấy thuyên giảm.

Chị Đỗ Thu Hương hạnh phúc bên gia đình nhỏ của mình

Hi vọng cuối cùng là ca phẫu thuật năm 2003 cũng không mang lại kết quả, thậm chí còn trầm trọng hơn. Trước phẫu thuật, chị còn lê la đi lại loanh quanh trong nhà được. Thế nhưng sau khi phẫu thuật thì cuộc đời của cô gái 18 tuổi cũng gắn chặt với chiếc xe lăn kể từ đó.

Hạnh phúc mỉm cười với chị vào năm 2014, khi chị lên xe hoa với một người đàn ông hơn chị 2 tuổi. Ngày ấy đám cưới của chị như một câu chuyện cổ tích giữa đời thường. Người ta vừa mừng cho chị vừa cảm phục tình yêu của anh Mạnh (chồng chị) dành cho chị.

Trong câu chuyện với tôi, chị vẫn tỏ ra khá bẽn lẽn khi nhắc lại câu chuyện tình yêu ngày đó mà nhường lại cho anh (chồng chị) chia sẻ. Có lẽ cũng tham gia nhiều các hoạt động tập thể, hoạt động tình nguyện, anh Nguyễn Trung Mạnh (1983) không ngần ngại bộc bạch tâm sự. Anh sinh ra ở Thái Bình, lớn lên anh ra Hà Nội tự bươn chải, vừa học vừa làm.

Ngày đó anh hay tham gia hoạt động hỗ trợ người khuyết tật ở Trung tâm Sống độc lập. Một trong những lần đó anh gặp chị Hương, những sẻ chia, tâm sự ngày càng lớn dần lên theo tình cảm hai người dành cho nhau. Ý chí, nghị lực vươn lên của cô gái tật nguyền ấy đã khiến anh cảm phục và quyết định ngỏ lời, nguyện làm đôi chân nâng bước người con gái ấy trong suốt quãng đời còn lại.

Tình yêu của hai người vấp phải không ít khó khăn, đặc biệt là từ sự can ngăn của người thân, bạn bè anh khiến chị không ít lần tủi thân rơi nước mắt. Thế nhưng tình yêu của hai người chính là động lực đưa cả hai vượt qua những ranh giới khó khăn ấy để đến với nhau. Hạnh phúc càng viên mãn hơn khi đứa con trai đầu lòng của anh chị ra đời. Vất vả hơn, khó khăn hơn nhưng không có gì sánh bằng tiếng cười con trẻ và một gia đình ấm êm.

 

Hạnh phúc ấy có được, một phần cũng chính từ người chồng hết mực yêu thương gia đình. Dù chị không nói ra nhưng trong câu chuyện với tôi, chị vẫn thầm cảm ơn anh rất nhiều. Trong mắt chị, anh luôn là một người chồng hiền lành, chịu thương chịu khó, bản lĩnh và luôn biết cảm thông, chia sẻ với hoàn cảnh của chị.

Chị Hương tham gia các hoạt động của hội người khuyết tật

Không chịu bó tay trước hoàn cảnh, từ trước khi lập gia đình, năm 2013 chị bắt tay vào công việc kinh doanh. Biết sức khỏe có hạn chị lựa chọn cho mình một công việc nhẹ nhàng đó là làm tranh giấy xoắn. Đây là một dạng tranh nghệ thuật mà người ta thường gọi là tranh nghệ thuật quilling. Hoạt động trong Hội thanh niên khuyết tật Hà Nội, chị hướng dẫn các anh chị em trong Hội cùng làm. Ban đầu là làm mẫu, giới thiệu sản phẩm, sau đó là thông qua internet, mạng xã hội để tìm khách hàng. Những năm đầu tranh khá được ưa chuộng, khách tìm đến đặt hàng không chỉ có khách trong nước mà còn cả khách quốc tế. Từ việc tự làm, thỉnh thoảng có nhiều đơn hàng chị lại đặt anh em khuyết tật trong hội.

Nói là nhiều người ưa thích nhưng không phải lúc nào cũng có nhiều mối đặt hàng. Phần vì sự đa dạng của nhiều loại tranh nghệ thuật khác nhau, phần vì những sản phẩm của người khuyết tật chịu sự cạnh tranh của các cơ sở sản xuất bình thường khác. Thế nên thời gian trở lại đây nguồn kinh tế thu lại từ việc làm tranh giấy xoắn cũng không đáng bao nhiêu. Chị chuyển qua kết hợp buôn bán online cả những mặt hàng khác để kiếm thêm thu nhập.

Nói về dự định tương lai, chị bảo: Kế hoạch thì có nhiều nhưng không thể một sớm một chiều làm ngay được, phải cân lượng sức mình làm được gì và cả những yếu tố khác về kinh tế nữa. Bây giờ chị có cả một gia đình để lo toan. Đứa con kháu khỉnh đáng yêu và người chồng hết mực là động lực để chị không chùn bước trước khó khăn.

Một số tác phẩm do chị và một số bạn bè cùng làm

“Hiện tại mình đang là hội viên Hội thanh niên khuyết tật quận Hai Bà Trưng. Đã là người khuyết tật thì ai cũng vất vả, khó khăn như nhau, quan trọng là không để niềm tin của mình vào cuộc sống khuyết tật theo. Vậy nên anh em trong hội ai cũng động viên nhau cùng phấn đấu. Về phần mình, mình cũng đang theo học một lớp SEO để phục vụ cho công việc kinh doanh online cũng như chuẩn bị trước cho những dự định tương lai”, chị Hương chia sẻ thêm.

 

Thái Hà
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo