Xã hội

Ngư dân băn khoăn đóng tàu vỏ thép để bám biển

Ngư dân và các nhà kinh tế cũng băn khoăn với “bài toán lớn” tàu vỏ sắt phải tốn hơn 6 tỉ đồng, là số tiền quá lớn đối với ngư dân hiện nay, ngư dân không gánh nổi trong điều kiện lãi suất còn cao...

Tàu vỏ thép Hoàng Anh 01 của ngư dân Mai Thành Văn ra khơi 40 ngày nhưng thu nhập chỉ đủ bù chi phí.

Những ngày qua, thông tin về các gói tín dụng, chính sách hỗ trợ, ưu đãi, khuyến khích ngư dân vươn khơi bám biển đánh bắt hải sản xa bờ đã làm nức lòng ngư dân cả nước. Tuy nhiên, ngư dân và các nhà kinh tế cũng băn khoăn với “bài toán lớn” là phải làm gì, như thế nào để hàng chục nghìn tỉ đồng đầu tư cho chương trình xa bờ lần này không rơi vào vết xe đổ như đã từng xảy ra…

Chiều ngày 3.5, tại tỉnh Quảng Ngãi đã diễn ra chương trình tọa đàm về triển khai chương trình tín dụng khai thác hải sản xa bờ năm 2014, trong đó có gói tín dụng 10.000 tỉ đồng do các ngân hàng thương mại triển khai. Ngư dân đã thẳng thắn nói rằng nếu họ không được tham gia thiết kế con tàu vỏ thép thì “kịch bản” thất bại của tàu xa bờ lần thứ hai là hiện hữu.

Cho vay đến 90% giá trị con tàu
 
Ông Phạm Ngọc Tuấn- Phó Cục trưởng Cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho biết cả nước có 28.750 tàu khai thác xa bờ, trong đó 99% là tàu vỏ gỗ. Theo ông Tuấn, muốn tăng năng suất, chất lượng khai thác thì không còn gì khác ngoài đổi mới công nghệ và phương pháp đánh bắt. Năm 2012, Thủ tướng chính phủ đã có quyết định 1787 về việc thí điểm tàu vỏ thép ở Quảng Ngãi, tuy nhiên đến nay chương trình vẫn chưa được triển khai vì nhiều vướng mắc, trong đó mấu chốt là vấn đề tài sản thế chấp. Hiện nay, Bộ NNPTNT đang soạn thảo nghị định mới để tháo gỡ vấn đề này. Theo đó, ngư dân có thể dùng chính con tàu làm tài sản thế chấp khi vay vốn.
 
Ông Phan Đức Tú- Tổng giám đốc BIDV cho biết NH này sẽ dành gói tín dụng 3.000 tỉ đồng cho ngư dân vay vốn, để khuyến khích ngư dân đóng tàu vỏ thép, BIDV sẽ cho vay đến 90% giá trị con tàu, với lãi suất 2-3%/năm, thời hạn cho vay là 12 năm. Đối với tàu vỏ gỗ, BIDV cho ngư dân vay 70% giá trị con tàu với lãi suất 5% trong thời hạn 7 năm. Theo ông Tú, để đảm bảo khả năng thu hồi khoản vay, BIDV ưu tiên những ngư dân có kinh nghiệm, lão luyện trên ngư trường. Những ngư dân đánh bắt theo mô hình tổ đội, tham gia các hiệp hội, nghiệp đoàn sẽ được ưu tiên tiếp cận vốn vay.

Ngư dân không muốn nhận tàu đóng sẵn
 
Ông Huỳnh Ngọc Tuấn- Chủ tịch NĐND xã Tam Quang (huyện Núi Thành, Quảng Nam) cho biết, nhiều ngư dân Tam Quang rất mong muốn có tàu vỏ sắt để có thể vươn khơi xa hơn, bám biển dài ngày hơn và đánh bắt hiệu quả, an toàn hơn. “Đặc biệt là tàu sắt to hơn, an toàn hơn nhiều so với tàu gỗ, nên khi đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa thì ngư dân mình sẽ không còn phải sợ tàu Trung Quốc bắt nạt. Nhờ các ưu thế này, tàu cá vỏ sắt giúp ngư dân bám biển được dài ngày hơn trên các ngư trường xa bờ, qua đó nâng cao hiệu quả đánh bắt và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo”- ông Tuấn nói. 
 
Tuy nhiên, ông Tuấn cũng cho biết, nhiều ngư dân vẫn còn đang lo ngại vì chưa biết thiết kế tàu vỏ sắt có phù hợp với thói quen đánh bắt của ngư dân hay không, vì nếu không vừa ý thì việc sữa chữa tàu sắt sẽ rất phức tạp và tốn kém hơn so với tàu gỗ.
 
Ngư dân Đỗ Hồng Phước (xã Nghĩa An, TP.Quảng Ngãi) nói: “Biển là mảnh ruộng ngư dân phải cày. Nếu có tàu vỏ thép thì ngư dân thêm mạnh dạn”. Nhưng ông Phước cũng thẳng thắn: “Ngân hàng cho vay 90% giá trị con tàu, còn ngư lưới cụ thì như thế nào? Ngư dân có được tham gia thiết kế con tàu hay không?”. 
 
Nhiều ngư dân huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) cũng bày tỏ sự lo ngại về nguồn vốn để đóng tàu vỏ sắt. Muốn đóng tàu vỏ sắt phải tốn hơn 6 tỉ đồng, là số tiền quá lớn đối với ngư dân hiện nay, ngư dân không gánh nổi trong điều kiện lãi suất còn cao. Mặt khác, các ngư dân không muốn nhận chuyển giao các tàu sắt đóng sẵn, vì qua tìm hiểu thì họ cho rằng giá thành như vậy là cao. Nếu nhà nước có cơ chế ưu đãi, để ngư dân cổ đông, vay vốn, tự đóng tàu vỏ sắt phù hợp với nhu cầu sử dụng trên biển, thì giá thành sẽ thấp hơn, chừng 5 tỉ đồng, việc làm ăn cũng sẽ hiệu quả vì chiếc tàu là tài sản của họ, nên mọi người sẽ tập trung đánh bắt trả nợ.
Báo Lao Động
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo