Ngư dân Quảng Ngãi trúng đậm rau câu chân vịt ở Hoàng Sa
Vừa từ vùng biển Hoàng Sa trở về, thuyền trưởng Nguyễn Ngọc Khánh (ngụ xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn) cho biết, nhờ thời tiết gần Tết nắng đẹp, biển êm nên khai thác rau câu ở các bãi đá khá thuận lợi.
"Chưa đầy ba tuần, chúng tôi đã khai thác được hơn 8 tấn rau câu ở Hoàng Sa nên trở về đón Tết sớm cùng gia đình. Hiện tại, mỗi kg rau câu bán tại cảng cho thương lái 35.000 đồng, xem ra chuyến đi biển này thắng lớn", ông Khánh nói.
Theo anh Khánh, từ cuối năm 2013 đến nay, phong trào khai thác rau câu chân vịt vùng biển Hoàng Sa bắt đầu rộ lên ở huyện đảo Lý Sơn. Ông Nguyễn Quốc Chinh, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá An Hải lý giải, trong lúc đánh bắt thủy sản xa bờ, bà con ngư dân đã phát hiện vùng rạn đá quần đảo Hoàng Sa dày đặc rau câu chân vịt, nên đã tiến hành khai thác ở ngư trường truyền thống này.
"Nếu như một chuyến ra khơi đánh bắt thủy sản ở Hoàng Sa phải chi phí nhiên liệu, lương thực tốn khoảng 200 triệu đồng thì khai thác rau câu chỉ khoảng 60 triệu, hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn nhiều", ông Chinh cho hay. Theo ngư dân Lý Sơn, trung bình mỗi chuyến biển ra Hoàng Sa khai thác rau câu thu lãi từ 150 đến 200 triệu đồng.
Thuyền trưởng Lê Văn Hạnh (ngụ xã An Hải) cho biết, tàu cá ra đây chỉ cần neo cố định một chỗ, sau đó các ngư dân dùng sà lan và ghe thúng bơi đi dùng liềm thu hái rau câu. Ông Hạnh bộc bạch, nếu thời tiết nắng ấm chỉ bảy ngày là đã thu rau câu chất đầy các khoang tàu trở về đất liền.
"Tàu khai thác rau câu chỉ cần từ 6 đến 8 người nên kết thúc chuyến biển trở về, trừ chi phí, mỗi ngư dân được chia ít nhất khoảng 15 triệu đồng. Đó là chưa kể khoản thu nhập thêm nhờ lặn bắt các loại ốc, đồn đột, hải sâm biển...", ông Hạnh cho biết thêm.
Thống kê của huyện đảo Lý Sơn, toàn huyện có khoảng 100 ngư dân hành nghề khai thác rau câu ở vùng biển Hoàng Sa. Ngoài phương pháp phơi rau câu dọc theo các trục đường chính trên đảo để đóng thùng đưa vào đất liền tiêu thụ dịp gần Tết, thời gian gần đây nhiều chủ tàu còn đóng thêm giàn tre để phơi khô kéo dài thời gian khai thác rau câu ở Hoàng Sa.
Theo đông y, rau câu (có nơi gọi là rong câu) chân vịt là một loại rau có hình thù giống những ngón chân vịt, thường bám sát bề mặt đá hay rạn san hô. Rau câu hái về, nhặt bỏ những thứ rong tảo khác lẫn vào, rửa sạch đất cát, đem ngâm nước nhiều lần, phơi nắng cho khô để dùng làm thực phẩm. Ngoài giá trị bổ dưỡng cao, loại rau này còn có tính mát, thanh nhiệt, giải độc, nhuận tràng, lợi tiểu..
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 31/12/2024: Giảm trong ngày cuối cùng của năm
Chuyên gia chỉ ra 8 chủ đề đầu tư hấp dẫn năm 2025
Tỷ giá hôm nay 31/12: USD và NDT tiếp tục xu hướng tăng giá
Giá nông sản ngày 31/12/2024: Hồ tiêu biến động, cà phê giảm nhẹ
Giá heo hơi ngày 31/12/2024: Ổn định trên phạm vi cả nước
Becamex IDC công bố thông tin trái phiếu sai lệch