Người bảo tồn thương hiệu chế tác đồng hồ tinh xảo nhất thế giới
Không có nhiều nhà điều hành doanh nghiệp nào có thể “yên thân” khi đứng trước hàng trăm nhà bán lẻ nói rằng không ai cần sản phẩm của mình cả, dù đó là lời nói đùa. Nhưng Patek Philippe không phải là một công ty bình thường. Và những người gìn giữ thương hiệu Patek cũng không phải là những nhà điều hành bình thường – họ là các nghệ nhân.
Hồi tháng 5, Patek Philippe, hãng chế tác đồng hồ tinh xảo nhất thế giới, đã quy tụ 650 nhà bán lẻ đến dự buổi dạ tiệc ở Volkshaus, một dinh thự cổ tại Basel, Thụy Sĩ. Buổi dạ tiệc này được trang trí giống với Geneva năm 1839 nhằm kỷ niệm 175 năm thành lập Patek.
Các nhân viên phục vụ đều mặc trang phục thời đó. Có hai diễn viên trình diễn một vở kịch ngắn với lối phục trang giống với những người đã sáng lập nên Patek (là nhà quý tộc Antoine Norbert de Patek và người đồng hương Ba Lan Jean Adrien Philippe).
Trên sân khấu, vị Chủ tịch 44 tuổi Thierry Stern, đời thứ 4 của dòng họ Stern, chủ sở hữu Patek, đã vô cùng xúc động trước không khí buổi tiệc. Ông bày tỏ lòng kính trọng đến với gia đình mình và lịch sử lâu đời của Patek và dõng dạc tuyên bố: “Tất cả đều là vì đam mê”. Rồi ông khiến nhiều người chưng hửng khi nói rằng: “Không ai cần một chiếc đồng hồ Patek cả”.
Trong làng đồng hồ xa xỉ của thế giới, Patek là một thương hiệu danh tiếng. Nó là một trong số rất ít hãng sản xuất đồng hồ Thụy Sĩ thuộc sở hữu gia đình còn sót lại trong một môi trường có nhiều đối thủ cạnh trạnh.
Patek có thể nói là thương hiệu đồng hồ cao cấp hàng đầu thế giới với doanh thu ước tính đạt 1,2 tỉ USD năm ngoái với “thị phần” về độ yêu thích thương hiệu lên tới 23,6% (theo sau là Jaeger-LeCoultre và Vacheron Constantin), theo báo cáo trong ngành World Watch Report.
Patek đã làm nên một số đồng hồ đắt nhất, phức tạp nhất và giá trị nhất thế giới. Hãng thường xuyên phá vỡ mọi kỷ lục về doanh số bán tại các cuộc đấu giá, với chiếc đồng đồ đeo tay đầu tiên được bán với giá tới 1 triệu USD vào giữa thập niên 1990.
Đến nay, Patek vẫn còn giữ kỷ lục về giá một chiếc đồng hồ được bán ra tại phiên đấu giá - đó là chiếc Graves Supercomplication vào năm 1999, được bán với giá 11 triệu USD.
Sản lượng sản xuất được Patek giới hạn chỉ ở mức 55.000 chiếc đồng hồ mỗi năm, so với khoảng 1,4 triệu chiếc/năm của hãng Rolex. Chỉ sản xuất một số lượng hạn chế là chiến lược của Patek nhằm tăng tính độc quyền của thương hiệu.
Những chiếc đồng hồ Patek đúng nghĩa là các kiệt tác về vi cơ khí. Không giống nhiều thương hiệu khác, vốn mua những chi tiết đã làm sẵn, Patek hoàn toàn tự sản xuất và đánh bóng bằng tay tất cả mọi chi tiết nhỏ xíu – tới 15 triệu chi tiết đồng hồ mỗi năm.
Các nghệ nhân sẽ thực hiện khâu tráng men, đính kim cương, đá quý và chạm trổ cho chiếc đồng hồ. Để tạo ra một mặt của chiếc đồng hồ cũng phải mất 4 tháng và phải trải qua 150 quy trình khác nhau. Tính tổng cộng, phải trải qua 1.200 bước mới hoàn tất được một kiệt tác đồng hồ Patek. Mỗi một chiếc đều được hoàn thành bằng tay.
Những chủ nhân của đồng hồ Patek đều là những người giàu có, quyền lực và nổi tiếng như Nữ hoàng Victoria, Giáo hoàng Pius IX, Leo Tolstoy, Albert Einstein, Marie Curie và Andy Warhol. Giới doanh nhân cũng rất ưa chuộng Patek.
Những chiếc đồng hồ Patek được thèm muốn nhất là những chiếc thuộc dòng Grand Complication. Mẫu đồng hồ siêu phức tạp này cho thấy tất cả những gì thanh lịch và tinh tế nhất của công nghệ chế tác đồng hồ.
Trong nghệ thuật chế tác đồng hồ, complication là thuật ngữ chỉ tất cả các chức năng khác ngoài chức năng hiển thị giờ, phút và giây. Mỗi một complication là một vũ trụ thu nhỏ cho thấy biểu đồ bầu trời, chu kỳ của mặt trăng, đồng hồ đếm ngược…
Càng nhiều complication trong một chiếc đồng hồ thì càng khó chế tạo, thiết kế, lắp ráp. Phức tạp nhất của dòng Grand Complication là complication điểm chuông theo từng phút. Giống như cha và ông của mình, đích thân Thierry phải nghe từng mỗi chiếc đồng hồ điểm chuông để thử âm thanh của nó trước khi cho rời xưởng.
Năm ngoái Patek đã cho ra mắt chiếc đồng hồ đeo tay phức tạp nhất của mình. Đó là chiếc Reference 6002, được biết đến nhiều hơn với cái tên Sky Moon Tourbillon. Chiếc đồng hồ này gồm 13 complication, tổng cộng sử dụng 686 chi tiết, được bọc bằng vàng trắng 18K, có hai mặt được trang trí những họa tiết công phu. Giá của nó lên tới 1 triệu USD.
Nhưng không phải có tiền là sắm được một chiếc Grand Complication. Nếu muốn mua, khách hàng phải nộp đơn xin mua và gia đình Stern đích thân duyệt. Điều này một phần là để tránh tình trạng “lướt sóng” những đồng hồ đắt tiền này tại những phiên đấu giá hòng kiếm lời (những ai làm vậy có thể sẽ bị Patek từ chối không bán đồng hồ trong tương lai).
Tại các buổi đấu giá, những chiếc đồng hồ Patek được ví như những kiệt tác của danh họa Picasso. John Reardon, người đứng đầu bộ phận đồng hồ của tổ chức đấu giá Christie’s, cho biết có hơn 90% chiếc đồng hồ đắt tiền nhất được đấu giá trong những năm gần đây đều là thuộc thương hiệu Patek. “Chúng là những kiệt tác thu nhỏ”, ông nói.
Tuy nhiên, Patek cũng đang gặp một số thách thức. Doanh số bán các đồng hồ cao cấp Thụy Sĩ đã ở mức cao nhất trong 2 thập niên qua và Patek lại đang thấy mình đứng trước thời khắc khó khăn. Đó là làm sao để đáp ứng nhu cầu đang tăng cao, nhất là đến từ các khách hàng giàu có mới ở các thị trường mới nổi như Trung Quốc. Một rắc rối khác là những chiếc Patek gần đây thường xuất hiện trên eBay, đe dọa làm mất đi tính độc quyền của việc sở hữu đồng hồ thương hiệu này.
Thách thức đó chưa đến nỗi khiến Thierry lo ngại như việc tìm kiếm lao động cho công ty mình. Hiện nay, rất khó để tìm một tài năng trẻ sẵn sàng ký hợp đồng học việc nhiều năm tại Patek. “Không dễ để nói với một người trẻ rằng anh phải bỏ ra 15 năm học việc mới có thể học được một chút kỹ năng”, ông nói.
Công nghệ cũng đang là một mối đe dọa với sự xuất hiện của đồng hồ thông minh, vốn được nhiều người xem là đối thủ lớn nhất của đồng hồ cơ kể từ sự ra đời của các đồng hồ quartz giá rẻ vào thập niên 1970. Thế nhưng, hiện tại, Stern không mấy lo ngại vì những kiệt tác đồng hồ cơ vẫn có giá trị riêng của nó.
“Khi iPhone ra mắt, ai cũng bảo tôi là “tiêu anh rồi” nhưng tôi vẫn còn đứng ở đây đấy thôi”, ông nói.
Mối duyên của Thierry
Thierry Stern cho biết ông đã thấy được tương lai mình sẽ làm gì từ lúc mới lên 6 tuổi. Lúc đó, ông cảm thấy vô cùng thích thú với hộc bàn chứa đầy đồng hồ quả quýt cổ được tráng men trong một chuyến viếng thăm văn phòng của cha mình.
“Lúc đó tôi đã biết mình muốn theo đuổi nghề thiết kế đồng hồ. Tôi cứ luôn nói với cha rằng đây là điều tôi muốn làm, nhưng ông cũng khăng khăng bảo tôi hãy chờ đến khi tốt nghiệp đã rồi hãy quyết định”, Thierry kể.
Theo truyền thống gia đình, Thierry được tặng chiếc Patek đầu tiên vào hôm sinh nhật 18 tuổi. Đó là một chiếc Nautilus thép không gỉ với 2 tông màu vàng. Đó là một cảm giác không thể quên đối với ông.
“Trước thời điểm đó, bạn có thể nhận thức được thương hiệu và uy tín của thương hiệu, nhưng bạn không hiểu được tác phẩm bên trong”, ông giải thích.
Sau khi theo học về kinh doanh ở École de Commerce tại Geneva và sau đó được đào tạo tại Watchmaker School, ngôi trường huyền thoại về sản xuất đồng hồ của thành phố này, Thierry đã về làm toàn thời gian cho Patek vào năm 1994.
Trong 8 năm, ông đã không ngừng leo lên các vị trí cấp cao hơn. Năm 2006, ở tuổi 36, ông đã được đề bạt lên vị trí Phó Chủ tịch của Công ty.
Thierry đã thừa hưởng từ cha và ông mình một công ty hoàn toàn khác hẳn. Khi Philippe đảm trách nhiệm vụ lèo lái Patek Philippe từ cha mình là ông Henri Stern, Patek chỉ có 150 nhân viên. Con số này hiện đã lên tới hơn 2.000. Và cả hai cha con đều đảm nhận cương vị mới đúng vào các giai đoạn khủng hoảng.
Philippe đảm đương vị trí Chủ tịch trong suốt giai đoạn diễn ra cuộc khủng hoảng đồng hồ quartz có giá rẻ hơn và chạy bằng điện tử vào thập niên 1970 và hầu như không có ai cho rằng ngành sản xuất đồng hồ cơ sẽ còn có tương lai. Còn Thierry đảm đương trọng trách mới từ cha mình vào tháng 8/2009 khi nền kinh tế toàn cầu đang chìm sâu trong cuộc khủng hoảng tài chính.
Thierry cho biết hoạt động kinh doanh đã giảm tới 50% vào năm đó tại những thị trường bị tác động mạnh như Bắc Mỹ. Ông đã phải bỏ ra 6 tuần bay khắp nước Mỹ, viếng thăm hơn 100 nhà bán lẻ, đảm bảo với họ rằng Công ty sẽ hỗ trợ họ.
“Tôi không bỏ rơi họ chỉ vì họ không đạt chỉ tiêu doanh số”, ông nói. Cuối cùng, với những nỗ lực của ông, hoạt động kinh doanh đã khởi sắc trở lại vào năm 2010.
Vậy tương lai của Patek dưới sự dẫn dắt của Thierry sẽ như thế nào? Để nhìn thấy được tương lai này, hãy làm một chuyến viếng thăm khu phức hợp xưởng sản xuất đồng hồ hiện đại có khung làm bằng kính và kim loại của Patek tại Plan-les-Ouates, cách 20 phút chạy xe từ Geneva.
Ngay lối vào là một bức phù điêu bằng đá vôi trắng cao sừng sững khoảng 16 mét. Bức phù điêu này là bản sao khổng lồ của chiếc đồng hồ phức tạp nhất của Patek, chiếc Calibre 89, với 33 complication và sử dụng tổng cộng 1.728 chi tiết.
Trong giới làm đồng hồ, cải tiến có nghĩa là làm ra những chiếc đồng hồ nhỏ hơn, mỏng hơn, đáng tin cậy hơn. Và như cách công nghệ đã làm thay đổi cuộc sống của chúng ta, nó cũng đang làm thay đổi các đồng hồ cơ làm bằng tay. Đó là lý do để Thierry chú trọng khâu nghiên cứu và phát triển.
Cảm giác khi bước vào bên trong nhà máy Patek cũng giống như khi đang bước vào phòng thí nghiệm của Tổ chức Nghiên cứu Nguyên tử châu Âu (CERN). Có hơn 200 chuyên viên sản xuất đồng hồ mặc áo phòng thí nghiệm có khả năng chống từ đang làm việc. Và có 400 máy móc được điều khiển bằng máy tính để thực hiện các bước cần đến sự chuyên nghiệp như cắt những chiếc răng bé xíu trên một bánh răng cực kỳ nhỏ.
Trong bộ phận nghiên cứu và phát triển của Patek, 80 kỹ sư, kỹ thuật viên và các nghệ nhân đang phát triển các bộ máy đồng hồ mới. Họ kết hợp cả những kỹ thuật lâu đời như thiết kế mẫu bằng bút chì lẫn những kỹ thuật hiện đại nhất.
Bộ phận Nouvelle Technologie độc lập của Patek chính là phòng thí nghiệm. Chẳng hạn, kết hợp với các trường đại học và các viện nghiên cứu, Patek đã và đang phát triển các vật liệu dựa trên silicon có đặc tính nhẹ và khắc chế được những “tật” cố hữu ở đồng hồ cơ: hiện tượng từ tính và ăn mòn.
Thierry cho biết mục đích của những hoạt động nghiên cứu như vậy là để tạo ra một cái gì đó mới và hữu ích chứ không chỉ là một chiêu trò thu hút sự chú ý.
Hiện tại, gia đình Stern vẫn sở hữu 100% Patek Philippe. Hội đồng Quản trị của Công ty chỉ gồm 3 người là cha ông, Philippe Stern với vị trí Chủ tịch danh dự; Tổng Giám đốc lâu năm Claude Peny và Thierry Stern, Chủ tịch Patek. Dù Peny là Tổng Giám đốc nhưng ông chỉ quản lý mặt tài chính còn Thierry mới là người điều hành Công ty.
Thierry và cha đã nhiều lần khẳng định: “Điều đầu tiên và quan trọng nhất là giữ được sự độc lập”. Với tuyên bố này, các nhà đầu tư cho rằng Patek sẽ còn là công ty thuộc sở hữu của gia đình họ Stern trong một thời gian dài nữa.
Theo Nhịp cầu Đầu tư
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo