Pháp luật

Người bỏ thuốc chuột vào nồi bún riêu sẽ bị xử lý thế nào?

Kết quả giám định các mẫu vật từ nồi bún riêu của chị Trần Thị Bạch Tuyết cho thấy có chất độc thuộc nhóm 1, gây chết người.

Ngày 27/12, Cơ quan CSĐT Công an quận 9 cho biết đã có kết quả giám định các mẫu vật từ nồi bún riêu của chị Trần Thị Bạch Tuyết cho thấy có chất độc thuộc nhóm 1, gây chết người.

Theo lời khai ban đầu của bà Hồ Thị Ngọc Điệp, thời gian qua, giữa bà và người em trai tên Tài (cha chồng chị Tuyết) có tranh chấp đất đai. Trong thời gian này, chị Tuyết phụ bán bún cho bà Điệp ở đường Nam Cao, phường Tân Phú, quận 9, TP.HCM.

Bà Hồ Thị Ngọc Điệp tại cơ quan điều tra. Ảnh: CACC

Sau khi bà Điệp và ông Tài có xích mích, bà chuyển chỗ bán đi nơi khác. Ông Tài cũng khuyên chị Tuyết nghỉ phụ cho bà Điệp và mở quán bún bán tại địa điểm cũ.

Trong thời gian chị Tuyết mở quán bán riêng, bà Điệp thường qua lại trò chuyện và mỗi khi nhắc đến chuyện tranh chấp đất đai thì chị Tuyến tỏ ý bênh vực cha chồng nên bà Điệp tức giận và nảy sinh ý đồ hãm hại cháu mình.

Để thực hiện ý định, cách đó khoảng một tuần, bà Điệp mua một gói thuốc diệt chuột của một người bán hàng rong mang về nhà cất giữ, đợi có cơ hội sẽ ra tay hại cháu.

Khoảng 5 giờ ngày 25-12, khi chị Tuyết (37 tuổi, cháu bà Điệp) vào trong nhà, bà Điệp đã mở nắp nồi nước lèo bún riêu của chị rồi bỏ thuốc chuột vào. Khi ra kiểm tra, chị Tuyết phát hiện mùi lạ, có màu bất thường nên hỏi nhưng bà Điệp chối. Nghi vấn có chuyện không lành, chị Tuyết đã gọi điện trình báo công an địa phương, báo TTVN đưa tin.

Sau sự việc trên, chị Tuyết đã đến Công an Q.9 nộp đơn bãi nại cho bà Điệp. Nhưng vì tính chất nghiêm trọng của sự việc, Công an Q.9 đã bác đơn. Vụ việc sẽ được chuyển lên Công an TP. Hồ Chí Minh xử lý theo thẩm quyền.

 

Liên quan đến việc sẽ xử lý ra sao đối với trường hợp của bà Điệp, theo ý kiến của luật sư Lê Nguyễn Quỳnh Thi (Đoàn Luật sư TP HCM), hành vi bỏ thuốc chuột vào nồi nước lèo của bà Điệp có thể làm chết nhiều người, mặc dù bà Điệp không nhắm vào ai. Việc chưa xảy ra hậu quả chết người do phát hiện kịp thời không phải là tình tiết giảm nhẹ của bà Điệp. Do đó, có thể bà Điệp sẽ vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự. Trường hợp này, bà Điệp có thể bị xử lý hình sự về tội "Giết người" theo Điều 93 và xem xét hành vi "Phạm tội chưa đạt" theo Điều 18 BLHS 1999, báo Người lao động đưa tin.

Cụ thể, Điều 18 BLHS 1999 quy định: "Phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội. Người phạm tội chưa đạt phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm chưa đạt. Vụ việc chưa gây hậu quả vì có người phát hiện chỉ là ngoài ý muốn của đối tượng”.

Luật sư Thi nhận định, một số người dân nhận thức pháp luật vẫn còn hạn chế nên đã "tự xử" các tranh chấp dân sự với nhau. Việc làm này rất nguy hiểm và coi thường pháp luật nên cần xử lý nghiêm để răn đe trong quần chúng nhân dân.

Hiện cơ quan chức năng đang hoàn tất hồ sơ chuyển bà Hồ Thị Ngọc Điệp (52 tuổi, ngụ phường Tân Phú, quận 9) để điều tra, làm rõ hành vi bỏ thuốc chuột vào nồi bún riêu của cháu dâu cho công an TPHCM điều tra xử lý.

Nên đọc
Nguyễn Hà (tổng hợp theo báo TTVN, Người lao động)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo