Người chăn nuôi chực phá sản
Các thông tin về dịch cúm gia cầm và nuôi heo bằng hóa chất tạo nạc đã làm cho người tiêu dùng gần đây quay lưng, thịt heo lẫn gà bị tẩy chay. Thị trường chững lại, giá xăng tăng nhưng giá thịt heo, thịt gà không dám tăng, ngược lại còn giảm.
Càng bán càng lỗ
Những ngày này, người chăn nuôi ở hai tỉnh Đồng Nai, Bình Dương (hai nguồn cung cấp thực phẩm chính cho TP. Hồ Chí Minh) đang lao đao, cực kỳ khó khăn vì ảnh hưởng của thông tin về chất tạo nạc và dịch bệnh.
Anh Sáng, một chủ trang trại gà, heo ở Đồng Nai, buồn rầu: “Hiện giờ, tôi đang nuôi gà đẻ nhưng trứng chỉ bán được 1.200 đồng/trứng, lỗ từ 250 đến 300 đồng/trứng. Nếu tình hình này kéo dài thêm một tháng nữa, không chỉ trang trại tôi mà hầu hết các trang trại khác… chỉ có chết! Những trang trại lớn có quy mô đàn gà từ 20.000 đến 40.000 con thì may ra còn cầm cự thêm được một thời gian, chờ được giá sẽ bán. Còn các trang trại nuôi dưới 5.000 con gà sẽ phải bán, bán xong chắc chắn dẹp trang trại, tìm nghề khác”.
Anh Sáng cho biết nghề nuôi gà thịt đang còn sống được là nhờ các doanh nghiệp nước ngoài thu mua với giá tốt. Còn các hộ chăn nuôi heo chỉ hoạt động “cầm hơi”, bán ra chỉ có lỗ nặng. Trang trại nào có heo nái, chủ động được giống thì mỗi con heo xuất chuồng lỗ khoảng 120.000 đồng. Trang trại nào mua giống thì mỗi con heo xuất chuồng lỗ trên 400.000 đồng.
Cùng cảnh ngộ, anh Nguyễn Văn Nghĩa, chủ trại gà Đông Hòa (Dĩ An, Bình Dương), than: “Trang trại ế ẩm hơn bao giờ hết, trứng gà tiêu thụ chậm chạp. Tôi nuôi hơn 5.000 con gà đẻ trứng, bán ra lỗ gần 300 đồng/trứng, còn 20.000 gà thịt chỉ bán được mức 37.000-38.000 đồng/kg, lỗ 1.000-2.000 đồng/kg. Gà đã tới đợt xuất chuồng, nếu người nuôi muốn cầm cự, chờ giá lên thì phải tốn thêm tiền thức ăn, công chăm sóc trong khi gà cũng chẳng tạo thịt, tăng trọng thêm là bao, còn bán ra lúc này thì lỗ chổng vó”.
Tống Văn Hướng, chủ trang trại Phương Nam ở Bình Dương, cho biết hiện nay thị trường ở các tỉnh lân cận TP. Hồ Chí Minh đang bị mấy chục thương lái thao túng, lợi dụng thông tin dịch cúm gia súc, gia cầm và đặc biệt là chất tăng trọng tạo nạc để ép giá người chăn nuôi.
Ông Nguyễn Trí Công, Giám đốc Công ty Chăn nuôi Công Trí, kiêm Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho biết: “Hầu hết các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đều lâm vào cảnh khốn đốn, các tỉnh khác cũng kêu cứu. Giá rớt vì hai nguyên nhân: mức mua của người tiêu dùng giảm và bị thương lái ép giá. Nếu tính trung bình mỗi ngày trang trại bán 20 con heo, lỗ 600.000 đồng/con thì chủ trang trại đã lỗ tới 12 triệu đồng/ngày.
DN cũng vạ lây
Những khó khăn của người chăn nuôi cũng đang lây lan sang cả DN thực phẩm. Ông Trần Văn Hạt, Giám đốc kinh doanh Công ty Chăn nuôi cổ phần Việt Nam, nói: “CP đang bán giá heo hơi với mức 46.500 đồng/kg, còn người chăn nuôi bán chỉ được khoảng 42.000 đồng/kg thậm chí còn thấp hơn nhiều. Người tiêu dùng dè chừng, sức tiêu thụ giảm khiến lượng thịt bán ra thị trường rất ít”.
Theo ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh, việc sử dụng chất tạo nạc chỉ rơi vào một số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ nhưng “con sâu làm rầu nồi canh”, tình hình hiện nay làm người chăn nuôi khổ, doanh nghiệp cũng bị vạ lây. Giá thịt heo bán ra hiện thấp hơn giá thành chăn nuôi, đã vậy doanh nghiệp còn phải tạo chương trình khuyến mãi để thu hút người tiêu dùng.
Không chỉ người tiêu dùng mong Nhà nước xử phạt nặng người chăn nuôi cho heo ăn hóa chất cấm mà giới chăn nuôi cũng có mong muốn này để lành mạnh hóa và phát triển ngành chăn nuôi. Theo ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, các cơ sở chăn nuôi sử dụng chất cấm sẽ “án binh bất động” một thời gian chờ xem cơ quan chức năng xử lý như thế nào để tiếp tục hoạt động. Vì vậy, nếu kiểm tra xử phạt không kỹ, làm nửa vời thì họ sẽ không sợ.
Vissan cũng lỗ, chợ ế ẩm Vissan đang giảm giá từ 5.000 đến 8.300 đồng/kg cho các loại thịt phân phối tại hệ thống Siêu thị Co.op Mart, Co.opFood, Vinatex, Maximark và các cửa hàng Vissan. Cụ thể, giá thịt heo đùi giảm từ 83.000 đồng/kg còn 74.700 đồng/kg, thịt vai 77.000 đồng/kg giảm còn 69.300 đồng/kg, sườn 58.000 đồng/kg giảm còn 53.000 đồng/kg… Nhờ vậy, tỉ lệ tiêu thụ thịt tăng 5%-10%, tuy nhiên DN vẫn đang chịu lỗ. l Thông tin thịt “siêu nạc” cũng khiến tiểu thương ở TP.HCM lâm vào cảnh buôn bán ế ẩm. Chị Mai Thị Loan, tiểu thương hàng thịt chợ Gò Vấp, than: “Cả hơn tuần này tôi không dám lấy hàng về nhiều, chỉ còn 70% so với trước đây. Những mối thường xuyên lấy hàng của tôi như nhà hàng cũng hạn chế lấy nên mua bán rất khó khăn”. Chị T., một tiểu thương khác chợ Hoàng Hoa Thám, quận Tân Bình, nói: “Chưa bao giờ giá xăng lên mà giá thịt không tăng theo như lần này. Trước đây lấy 120 kg bán đến 11 giờ là hết đi về, giờ lấy còn 60 kg nhưng thậm chí bán đến chiều tối”. Theo một số tiểu thương, giá heo tại chợ đầu mối đã giảm so với trước, sức tiêu thụ giảm mạnh. Hiện nay giá heo hơi chỉ có 43.000 đồng/kg, heo mảnh rớt giá 5.000-7.000 đồng/kg còn 63.000-65.000 đồng/kg. Trước đây khi chưa có thông tin thịt heo “siêu nạc”, giá heo mảnh khoảng 70.000 đồng có khi lên 80.000-100.000 đồng/kg nhưng bán chạy. Ông Lê Phương Trang, Phó ban Quản lý chợ Xóm Chiếu, quận 4, cho biết thông tin về thịt heo “siêu nạc” tình hình buôn bán thịt rất chậm, sức mua tại chợ giảm trên dưới 10%. Q. HUY - TÚ UYÊN Không thể đánh đồng rằng mọi trang trại, mọi hộ chăn nuôi lẻ đều sử dụng chất tạo nạc để tẩy chay thịt heo. Các trang trại chăn nuôi chân chính đang bị vạ lây chỉ vì một số hộ chăn nuôi làm ăn gian dối sử dụng chất cấm này. Điều này làm ảnh hưởng chung đến cả ngành chăn nuôi, vì vậy đề nghị Nhà nước có chính sách xử phạt nghiêm, tìm lại sự công bằng cho những người chăn nuôi trung thực, đồng thời cơ quan quản lý cần công bố danh sách những hộ chăn nuôi vi phạm. Anh SÁNG, chủ trang trại ở Đồng Nai Việc sử dụng chất tạo nạc chỉ rơi vào một số trang trại nhỏ lẻ nhưng ảnh hưởng tiêu cực của nó rất lớn, làm mất uy tín, công sức, tiền bạc của nhiều người chăn nuôi khác. Bộ, ngành liên quan nên xem xét chính sách bù lỗ cho người chăn nuôi, chẳng hạn thu mua heo tạm trữ với giá đảm bảo có lãi. Ngành chăn nuôi đã tới lúc cần tạo mạng lưới liên kết xuyên suốt từ sản xuất, chế biến, đến bán sản phẩm ra thị trường. Các DN nước ngoài làm rất tốt việc này. Điều quan trọng là tạo thành hệ thống ở từng huyện, tỉnh, khu vực để thịt bẩn không có cơ hội trộn lẫn vào. Khi đó, cơ quan nhà nước quản lý được nguồn gốc các loại thực phẩm từ trang trại đến hộ chăn nuôi và các DN. Ông NGUYỄN TRÍ CÔNG, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai |
Theo PL TPHCM
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/1/2025: Chạm đỉnh cao nhất hơn 11 tuần qua
Việt Nam đứng thứ ba về xuất khẩu gạo sang Singapore
Giá nông sản ngày 23/1/2025: Cà phê tăng vọt, hồ tiêu nhích nhẹ
Giá ngoại tệ ngày 23/1/2025: USD phục hồi nhẹ sau chuỗi ngày giảm
Giá heo hơi ngày 23/1/2025: Ổn định trên toàn quốc dịp cận Tết
Người dân cần tỉnh táo trước thực phẩm không rõ nguồn gốc trong dịp Tết