Xã hội

Người cựu chiến binh bỏ gần 500 triệu xây nhà thờ Bác Hồ

Với tâm niệm được lo hương khói, thờ phụng để con cháu trong gia đình noi gương học tập Bác suốt đời, sau giải phóng, người cựu chiến binh một thời trên chiến trường trở về xây nhà thờ Bác.

Từ TP. Đà Nẵng, chúng tôi tìm lên thị trấn Trà My để gặp ông Võ Như Thông (82 tuổi, trú tại thị trấn Trà My, huyện Bắc Trà My, Quảng Nam). Được người dân chỉ dẫn tận tình, chúng tôi đã đến được ngôi nhà của ông Thông lúc giữa trưa.

 

Ông Thông bên Tượng Bác được đặt trước nhà thờ.



Thật bất ngờ, nhìn từ bên ngoài vào ngôi nhà là tượng Bác sừng sững với đôi tay đưa lên cao. Ông Thông bảo, bức tượng được lấy nguyên mẫu khi Bác chào đồng bào trên bục ngày đọc Bản tuyên ngôn độc lập (2/9/1945).

Rót chén trà ấm, ông Thông bắt đầu câu chuyện của mình. Ông kể, thời trai trẻ, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ Quốc, ông tham gia bộ đội ở chiến trường Quảng Đà (Quảng Nam – Đà Nẵng cũ) rồi sau đó tập kết ra Bắc. Năm 1964, ông vào miền Nam chiến đấu cho đến ngày đất nước hoà bình, thống nhất. Ở đơn vị nào, nhiệm vụ nào ông Thông cũng hăng hái, bản lĩnh và gan dạ hoàn thành.

“Ngày giải phóng, tôi về Đà Nẵng công tác một thời gian ở Quân Khu 5. Sau đó, được lãnh đạo và người dân tín nhiệm bầu làm Chủ tịch UBND thị trấn Trà My, rồi lần lượt kinh qua chức Bí thư Đảng uỷ thị trấn, Chủ tịch Hội cựu chiến binh…” – ông Thông nói.


Hơn 15 năm công tác, ở vị trí nào ông Thông cũng hoàn thành tốt công việc. Điều đặc biệt là ông Thông không nhận bất cứ đồng lương nào mà để số tiền đó giúp đồng đội và người dân nghèo hơn ở thị trấn.

 

Trong nhà thờ có rất nhiều kỷ vật để ông nhắc mình và con cháu nhớ đến công ơn của Bác

 

Ông Thông chia sẻ: “Khi về già vui vầy bên con cháu, suy nghĩ của tôi muốn xây dựng một ngôi nhà thờ Bác Hồ để con cháu noi gương học tập. Mong muốn được thời phụng, lo hương khó cho Bác như người thân trong gia đình mình. Bởi thời trai trẻ chiến đấu, tôi được gặp Bác Hồ khi tập kết ra Bắc. Người đã cho tôi thêm ý chí, niềm quyết tâm chiến đấu, học tập đến bây giờ…”

Với tiền lương hưu Thiếu tá mỗi tháng, cộng với tiền con cháu trong nhà đóng góp, ông Thông xây ngôi nhà thờ Bác Hồ hai gian trên diện tích hơn 1.000 mét vuông.

Theo quan sát, ngôi nhà có mặt tiền quay ra phía biển Đông, có một ao nuôi cá chép rộng lớn, trồng cây ăn quả hai bên hướng lối đi vào.

Năm 2009, khi nhà thờ Bác Hồ xây xong, ông Thông ra tận Đà Nẵng để thuê thợ tạc một bức tượng Bác Hồ bằng đá hoa cương trắng cao 1,6 mét. Bức tượng Bác được hoàn thành được đưa về dựng lên trước nhà thờ.

Xung quanh bức tượng có 4 trụ bằng đá trắng tạc hai câu đối:
“Lo vì Dân, nghĩ vì Dân, vui khổ cũng vì Dân, dốc chí thờ Dân, công Bác với Dân thiên thu bất tận.

Bố gọi Bác, con gọi Bác, cháu chắt lại gọi Bác, nối dòng theo Bác, lòng Dân mong Bác vạn thọ vô cương.”

 

Hai nắm đất được ông Thông rước từ Nghệ An về.



Bên trong nhà ông Thông treo thờ ảnh Bác tại chiến dịch Biên giới năm 1950 cùng hình ảnh Bác được khắc đá. Trên bàn thờ còn có một lá cờ tổ quốc bao bọc hộp gỗ đựng hai nắm đất rước từ Nghệ An về.

Sau khi nhà thờ Bác hoàn thành, năm 2011, ông Thông cũng cùng vợ mình xây nhà ba gian trưng bày hiện vật về Bác bao gồm hình ảnh, bút tích, bài báo của Bác trong quá trình hoạt động cách mạng.

Để có được kết quả như ngày hôm nay, ông Thông đã bỏ thời gian để sưu tầm, người dân biết việc ông làm nên cũng đến tặng thêm hiện vật để lưu giữ.

Theo tìm hiểu, ông Thông cùng gia đình đã bỏ ra số tiền gần 500 triệu đồng để xây nhà thờ Bác Hồ. Đây là số tiền không mượn của bất kỳ ai.

Hằng năm, vào ngày 2/9, gia đình ông Thông cùng hàng xóm và người dân khắp nơi trên cả nước về làm đám giỗ cho Bác Hồ để tỏ lòng biết ơn Người.

Theo Khám phá
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo