Quốc tế

Người đàn bà khiến Tào Tháo say mê, day dứt đến lúc chết

Phút lâm chung, Tào Tháo thốt ra những lời tận đáy lòng: “Người mà ta không nỡ rời xa chính là Đinh phu nhân. Trước sau ta không phụ bạc nàng, chỉ là làm điều sai nên khiến mọi thứ chẳng thể như xưa…”.

Mối tình sầu bi của Tào Tháo và người vợ thuở kết tóc xe tơ – Đinh phu nhân - từng tốn nhiều giấy mực của giới văn, sử học lẫn báo chí. Người phụ nữ ấy chính là nỗi đau đáu suốt đời mà kẻ phong lưu họ Tào luôn mang bên mình tới tận phút lâm chung. Cuốn “Trang điểm Tam quốc” (tác giả Nguyễn Khanh) của Nhà xuất bản Giáo dục Thiên Tân giúp công chúng hiểu rõ hơn về những sự thực kỳ bí xung quanh các vị anh hùng thời Tam quốc. Trong đó, những mối tình giữa anh hùng và mỹ nhân được tác giả xoáy sâu làm rõ, đem đến cái nhìn toàn diện, khách quan và sâu sắc hơn về lịch sử.

Cuốn sách khám phá những góc mới trong con người của kẻ phong lưu, đa tình họ Tào. Tô Đông Pha từng nói, Tào Tháo “khi chết mới lộ chân tướng”. Nhưng cái “chân tướng” mà họ Tào phát tiết trước phút lâm chung lại là con người thuần khiết tính người. Kẻ gian hùng khi ấy trở nên nặng tình nặng nghĩa và điều khiến ông băn khoăn duy nhất, có lẽ chính là lỗi lầm với Đinh phu nhân.

Đinh phu nhân chính là vợ cả của Tào Tháo nhưng không có nổi mụn con. Trước khi chung sống cùng người vợ họ Đinh, Tào Tháo từng chung chăn đụng gối với cô gái họ Lưu, rồi hạ sinh được một quý tử, đặt tên là Tào Ngang. Sinh nở khó khăn, Lưu thị lâm bệnh qua đời. Trước khi nhắm mắt, nàng ta đem con gửi gắm cho Đinh phu nhân, thỉnh cầu vị chính thất nuôi dưỡng con mình nên người. Chấp thuận lời cầu xin của họ Lưu, Đinh thị coi Tào Ngang như đứa con ruột thịt của mình, một lòng chăm bẵm, săn sóc. Tào Ngang lớn lên trở thành chàng trai khôi ngô tuấn tú, văn võ song toàn; 19 tuổi được tiến cử làm Hiếu liêm rồi trở thành vị tướng lĩnh thiếu niên oai phong, dũng mãnh nơi trận mạc.

Hình minh họa Tào Tháo.

Tới năm 197, tức năm Kiến An thứ 2, Tào Tháo đem quân thảo phạt Trương Tú. Trương Tú run sợ trước thế lực hùng mạnh của quân Tào, vội đầu hàng thua trận. Nhưng chính thói phong lưu, đa tình làm hại kẻ gian hùng đa mưu nhiều kế. Vì mê mẩn nhan sắc của thím dâu Trương Tú, Tào Tháo ngang nhiên tư thông với ả rồi nạp làm thiếp yêu, khiến Trương Tú nổi cơn tam bành, giữa đêm dẫn quân đánh trả, khiến Tào Tháo trở tay không kịp, vội vàng tháo chạy. 

Trong cuộc chiến giữa họ Tào và họ Trương, trưởng nam của Tháo, tức Tào Ngang, mất mạng. Cháu của Tào Tháo là Tào An Dân cũng hy sinh. Đến vị tướng yêu Điển Vi cũng vì mắc mưu họ Trương mà bỏ mạng. 

Thói phong lưu của phu quân, Đinh phu nhân có thể nhẫn nhịn cho qua nhưng khi hay tin con trai chết trận, bà ta như hóa điên hóa dại. Lại hay, Tào Tháo sau khi đại bại, đã sai lập đền thờ cúng tế rồi than vãn với các tướng lĩnh của mình: “Ta mất con trưởng và đứa cháu yêu, không thương tiếc là mấy, chỉ khóc thương Điển Vi mà thôi”. Đinh phu nhân vì xót con mà thốt ra những lời căm phẫn, uất hận: “Ông hại chết con trai tôi Tào Ngang mà một chút hối hận, xót thương cũng không có”.

Lời giải thích của họ Tào, bất luận đúng sai, với Đinh phu nhân cũng không còn ý nghĩa. Một Tào Tháo uy phong lẫm liệt, luôn khiến đám thuộc hạ phải cung cung kính kính trước mình lại chịu sự quở mắng thậm tệ của vợ, thật quá mất mặt. Tới nước không nhịn nổi, Tào Tháo bèn ra lệnh đuổi Đinh phu nhân về nhà mẹ đẻ.

Tháo đâu ngờ, chỉ vì phút nóng giận, ông đã đánh mất người vợ hiền thảo từ thuở kết tóc xe tơ của mình. Quyết định đuổi vợ về quê chính là nỗi ân hận suốt đời khiến họ Tào luôn day dứt, dằn vặt. Nếu thời gian có thể quay lại, chắc hẳn, ông ta sẽ học cách nhẫn nại nhiều hơn để giữ được vợ yêu bên mình. 

 

Tháo vốn nghĩ Đinh phu nhân khi nguôi cơn giận sẽ hồi tâm chuyển ý mà quay lại vương phủ. Thật chẳng ngờ, bà an bần lạc đạo, tĩnh tâm tận hưởng cuộc sống chốn quê nhà và chuyên tâm dệt vải. Tào Tháo nhiều lần sai người tới đón đều bị Đinh phu nhân thẳng thắn khước từ. Vì sợ tai tiếng, Tào Tháo đành đích thân đánh xe về quê. Người nhà họ Đinh lũ lượt ra đón, duy nhất Đinh phu nhân vẫn thản nhiên dệt vải trong phòng, không mảy may rung động. Ấy là bởi trong bà có sự cao ngạo, có bản lĩnh rất riêng của mình. Không thấy vợ yêu đoái hoài, Tào Tháo cũng chẳng ngạc nhiên. Ông đi thẳng vào phòng, vứt bỏ lòng tự tôn mà hạ giọng van nài phu nhân: “Nàng hãy quay lại nhìn ta, chúng ta cùng quay về, được không?”.

Người vợ kết tóc xe tơ của Tào Tháo - Đinh phu nhân. Hình minh họa.

“Hữu cầu, vô ứng”, Đinh phu nhân chẳng thèm quay mình, cũng không cất lời đáp lại, vẫn đều đều dệt vải. Tào Tháo dần dần nhận ra tính cách cứng rắn của vợ và hiểu rằng, mọi chuyện đã không thể trở lại như xưa. Đinh phu nhân lặng người nghe tiếng thở dài sau lưng rồi tiếng bước chân đảo qua đảo lại của chồng. “Phu nhân, nàng quyết tâm đoạn tuyệt nghĩa tình phu thê với ta phải không?”, “Nàng thực sự muốn vậy?...”, Tào Tháo dồn dập truy vấn. Hỏi xong vài hồi, họ Tào rời khỏi phòng rồi lên xe về phủ, mang theo nỗi day dứt tội lỗi lẫn cảm giác tiếc nuối không nỡ lìa xa. 

Về tới dinh phủ, Tào Tháo bèn sai người truyền lời tới nhà họ Đinh, rằng bản thân đã không thể níu giữ được trái tim phu nhân, nên can tâm tình nguyện để nàng cải giá. Sự thỏa hiệp ấy tựa hồ như dấu chấm hết cho mối lương duyên giữa Tháo và người vợ tào khang của mình. Sau khi đoạn tuyệt nghĩa tình, họ Tào nhanh chóng lập chính thất cho mình, ấy là Biện phu nhân.

Riêng Đinh phu nhân, từ sau buổi gặp gỡ với Tào, bà sống lặng lẽ tới phút cuối đời tại nhà cha mẹ. Khi nghe tin dữ người vợ năm xưa mang bệnh qua đời, nỗi hối hận, xót thương trong lòng Tào Tháo lại dâng lên ngút trời. Biện phu nhân chủ động xin chồng đứng ra lo tang sự cho “chị cả”. Họ Tào cũng tự mình chọn nơi chôn cất cho người vợ từ thuở kết tóc, ấy là tại Thành Nam, Hứa Xương.

Thê thiếp hàng đàn, hưởng lạc chẳng xuể, nhưng Tháo vẫn dành cho Đinh phu nhân tình cảm đặc biệt chân thành, mặc cho người vợ ấy tới chết vẫn mang nỗi căm hận thói phong lưu, bạc tình của mình. Với ông, Đinh phu nhân chính là người phụ nữ dám phớt lờ thế tục uy nghiêm mà lớn giọng nói chuyện đạo lý với chồng, dám dùng sự kiên quyết của phận nữ nhi để so gan cùng kẻ gian hùng bậc nhất thiên hạ.

 

Thời gian như nước chảy trôi, khi sinh mệnh tới hồi tận, Tào Tháo đã nói ra những điều chôn chặt bấy lâu: “Ngẫm lại trong suốt đời ta, người khiến ta không nỡ rời xa nhất chính là Đinh phu nhân. Ta đối với nàng không hề phụ bạc, chỉ là làm điều sai khiến mọi thứ chẳng thể như xưa, khiến phu nhân và ta trở nên quyết liệt. Nếu sau khi chết, quả thực có linh hồn, có một thế giới khác, nếu gặp lại Ngang nhi, nó hỏi ta rằng: ‘Mẹ con đâu?’, ta biết trả lời làm sao”. 

Một đời tung hoành ngang dọc, đại náo khắp chốn thiên hạ, nhưng tới cuối đời, Tào Tháo vẫn kịp nhận ra, sai lầm lớn nhất của đời mình chính là làm tổn thương người vợ một thuở - Đinh phu nhân. Một đời sâu nặng nghĩa tình, một đời oán hận, những uẩn ức trong mối tình oan trái Tào – Đinh tới chết vẫn chẳng cách gì giải tỏa.

Nên đọc
Theo Báo Đất Việt
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo