Người đàn bà lừa 4.000 tỷ sợ chủ nợ đập bể mặt
“Do bị chủ nợ đe dọa đập vỡ mặt, đòi “quậy” ở cơ quan nên phải vay đầu này để đập vào đầu kia, nợ đẻ thêm nợ”, “siêu lừa” Huyền Như khai.
Sáng nay, ngày 7/1, TAND TP.HCM dành trọn thời gian thẩm vấn bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên Phó Phòng quản lý rủi ro, quyền Trưởng Phòng giao dịch Điện Biên Phủ, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, Vietinbank, Chi nhánh TP.HCM), chủ mưu của “đại án” lừa đảo hơn 4.000 tỷ đồng.
“Do nợ quá lớn, bị đe dọa nên bị cáo sợ nên tìm cách kiếm tiền nhanh để trả…”, “siêu lừa” Huyền Như khai.
Giải thích về nguyên nhân dẫn đến con đường phạm tội của mình, “siêu lừa” Huyền Như vẻ mặt vẫn bình thản trả lời xung quanh các “tuyệt chiêu” vay nợ của mình. “Bị cáo vay tiền của ai, vay như thế nào?”, HĐXX hỏi bị cáo. Huyền Như cho biết mình đã vay lãi suất rất cao của nhiều người. “Bị cáo bị các chủ nợ truy đòi, uy hiếp nên bị cáo tìm cách có tiền để trả nợ”, bị cáo Huyền Như trình bày.
Chủ tọa chất vấn: “Sao bị cáo không lựa chọn cách phá sản?”. Như đáp: “Bị cáo sợ ảnh hưởng đến công việc cũng như uy tín của gia đình, bản thân. Bị cáo cũng sợ xấu hổ. Bị cáo cứ nghĩ sẽ tìm được khoản kinh doanh nào khác để bù lỗ nhưng cuối cùng không tìm thấy cách kinh doanh nào nên buộc phải làm sai”.
Theo Huyền Như, đầu năm 2010, thông qua đối tượng Trần Hoàng Trung (nhân viên chứng khoán), biết được Công ty Cổ phần Vận tải dầu khí Thái Bình Dương đang có nguồn tiền lớn. Lúc này, do bị “vỡ nợ” khoảng 200 tỉ đồng nên Huyền Như bắt đầu hành trình phạm tội để chiếm đoạt tài sản.
Sau đó Huyền Như đến gặp Phạm Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Thái Bình Dương huy động gửi tiền vào Vietinbank. Khi Phạm Anh Tuấn đồng ý thì Huyền Như soạn hợp đồng, ký giả, đóng dấu của Vietinbank Chi nhánh TP.HCM để ký hợp đồng huy động 1.500 tỉ đồng của Công ty Thái Bình Dương.
Tổng cộng, Thái Bình Dương đã đưa cho Huyền Như vay 1.500 tỉ đồng, Như đã trả 1.420 tỉ đồng gốc, bên cạnh đó còn 50 tỉ tiền lãi và hơn 120 tỉ phí chênh lệch lãi suất. Đến nay Như chiếm đoạt của Thái Bình Dương 80 tỉ đồng.
Huyền Như cho biết: “Do nợ quá lớn, cứ sáng đi làm là bị điện thoại nhắn tin, đe dọa. Bị cáo sợ, rối trí nên nghĩ cách nào kiếm tiền nhanh để trả. Rơi vào vòng luẩn quẩn, sợ bị trả thù nên bị cáo làm sai”.
Huyền Như đang bắt đầu khai nhận quá trình thuê người làm giả con dấu của Vietinbank chi nhánh Nhà Bè và con dấu của 8 công ty khác để tiếp tục các phi vụ lừa đảo hàng ngàn tỉ của các đơn vị, cá nhân khác.
Trước đó, trong phần thủ tục khai mạc phiên tòa ngày 6/1, luật sư Lưu Văn Tám, bảo vệ quyền lợi của ngân hàng ACB đã đề nghị HĐXX triệu tập ra tòa những người có trách nhiệm tại ACB tại thời điểm xảy ra vụ việc, là Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên, nguyên phó chủ tịch HĐQT ACB), ông Trần Xuân Giá (nguyên chủ tịch HĐQT ACB), Lý Xuân Hải (nguyên tổng giám đốc ACB) và Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, đều nguyên phó chủ tịch ACB. Tuy nhiên, HĐXX không chấp nhận đề nghị của luật sư Tám về việc triệu tập bầu Kiên cùng các cựu lãnh đạo ACB mà cho biết trong quá trình xét xử nếu cần thiết sẽ triệu tập sau.
Báo Đất việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo