Phân tích

Người dân bị doang nghiệp 'móc túi' do thuế xăng dầu: Cách điều hành có vấn đề (!?)

(DNVN) - Theo các chuyên gia, việc để các doanh nghiệp đầu mối lợi dụng lỗ hổng chênh lệch thuế xăng dầu để hưởng lợi... đã cho thấy rằng cách điều hành giá xăng dầu vừa qua có vấn đề.

Người tiêu dùng bị móc túi hơn 400 tỷ mỗi tháng

Từ tháng 5/2015, với các sản phẩm xăng dầu nhập về từ ASEAN, Hàn Quốc, thuế áp chỉ có 5%, 10%, thậm chí là 0% từ ngày 1/1/2016. Thế nhưng theo Thông tư 78 của Liên bộ Công Thương, Tài chính, giá bán lẻ xăng dầu vẫn được tính dựa trên mức thuế suất nhập khẩu 20% với xăng, 10% với dầu diesel và madut.

Nghĩa là việc này đã tạo ra một khoảng vênh 5-10% tiền thuế với diesel và 10% với xăng giữa đầu vào (khoản doanh nghiệp phải nộp cho ngân sách) và đầu ra (khoản người tiêu dùng phải trả cho doanh nghiệp). Đây là khoản tiền mà các doanh nghiệp xăng dầu được hưởng suốt từ tháng 5/2015 sau khi Thông tư 78 ra đời đối với diesel nhập từ ASEAN và từ đầu năm 2016 đến nay với xăng nhập từ Hàn Quốc.

Việc phát sinh chênh lệch thuế trong cách tính giá bán lẻ xăng dầu khiến người dân phải mua xăng giá đắt, lợi nhuận chảy vào túi doanh nghiệp… Đơn cử, số liệu từ thống kê mới nhất từ Tổng cục Hải quan cho thấy hai tháng đầu năm 2016, kim ngạch nhập khẩu xăng, dầu của cả nước khoảng 535 triệu USD, với mức thuế nhập khẩu chênh lệnh (5%-10%) như hiện nay thì con số người tiêu dùng trong nước tiếp tục phải trả là không hề nhỏ.

Áp sai thuế xăng dầu, người tiêu dùng bị móc túi hơn 400 tỷ mỗi tháng?

Theo ước tính, trung bình một tháng, các doanh nghiệp nhập khoảng 400 triệu lít xăng dầu từ khu vực ASEAN, Hàn Quốc, chênh lệch thuế 5 – 10%, 22 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu có thể thu lợi 425 tỷ đồng/tháng. Cũng theo thống kê sơ bộ, tổng nguồn thu thuế nhập khẩu xăng dầu vào ngân sách nhà nước đạt khoảng 35.000 tỷ đồng.

Cách điều hành xăng dầu có vấn đề

Trả lời trên báo Tiền Phong về cách áp thuế xăng dầu, ông Bùi Đức Thụ - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng cách điều hành giá xăng dầu vừa qua có vấn đề. 

Dẫn chứng được ông Thụ đưa ra là những năm qua, chúng ta có ký các hiệp định song phương với một số nước, ví dụ như nhập khẩu xăng dầu từ ASEAN, hay Hàn Quốc thấp hơn thuế nhập khẩu xăng dầu thông thường. Nhưng chúng ta vẫn tính giá xăng dầu để điều hành theo mức thuế cao hơn mức thuế nhập khẩu từ các nước nhập khẩu thông thường. 

Ông Thụ cũng cho rằng, việc nhập khẩu xăng dầu không phải từ Hàn Quốc, ASEAN mà là các thị trường khác làm tổn thương đến lợi ích Nhà nước, nhưng doanh nghiệp vẫn được bán giá theo mức thuế suất cao làm thiệt hại đến lợi ích người tiêu dùng. Nhà nước và người dân chịu thiệt, còn doanh nghiệp hưởng lợi nhưng không phải dựa trên việc tăng năng suất lao động hay hiệu quả kinh doanh. Điều này do chưa tính đến việc chúng ta đã ký nhiều cơ chế về thuế suất khác nhau, nên cần phải sửa đổi, điều chỉnh để bảo đảm lợi ích giữa ba chủ thể đó.

 

Ông Bùi Đức Thụ - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách. Ảnh: TP.

Cũng theo ông Thụ, thực tế trong thời gian qua, nhiều văn bản ban hành chỉ sau một thời gian đã không còn phù hợp, thậm chí có văn bản ban hành còn chưa phù hợp với tình hình thực tiễn. Do vậy trách nhiệm của Nhà nước là tiếp tục sửa đổi để hoàn thiện thể chế cho phù hợp tình hình thực tiễn.

Sẽ thu hồi khoản lợi từ chênh lệch thuế xăng dầu

Trước ý kiến cho rằng người dân đang bị “móc túi” thì cơ quan nào đó có thể hoàn trả lại tiền cho người tiêu dùng, hoặc có thể truy thu và đưa vào quỹ bình ổn xăng dầu không? ông Thụ cho biết việc có hoàn trả hay không phải phụ thuộc vào cơ sở pháp lý để xem xét xử lý. Giá xăng dầu kinh doanh do liên Bộ Tài chính – Công Thương công bố, doanh nghiệp họ lại căn cứ vào đó để thực hiện nên không thể hoàn trả trực tiếp cho người dân được. Vì việc hoàn trả cho người dân không có cơ sở pháp lý, cũng không có căn cứ nào để yêu cầu hoàn trả. Rồi xác định doanh số mua như thế nào, mức giá đền bù vào thời điểm nào cũng rất khó. 

Không hoàn trả được cho người dân, nhưng chúng ta cũng phải tính đến việc thu hồi, mặc dù xác định căn cứ để thu hồi không hề đơn giản. Theo luật hiện hành cũng chỉ có thể áp từ thuế thu nhập doanh nghiệp. Nếu lợi nhuận hợp pháp thì doanh nghiệp phải có nghĩa vụ nộp thuế theo Luật Doanh nghiệp, chứ không phải nộp toàn bộ khoản chênh lệch đó. Đây là vấn đề cần làm rõ nhưng không dễ gì để thu hồi được toàn bộ. Còn đối với việc thu hồi đưa vào quỹ bình ổn giá xăng dầu, cần làm rõ căn cứ để thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. 

Theo ông Thụ, trước mắt, Chính phủ cần kiểm tra lại và trả lời công khai trước dư luận và nhân dân xem những gì báo chí phản ánh trong thời gian qua có đúng như vậy không? Nếu đúng phải sửa ngay việc xác định giá xăng dầu bán ra làm cơ sở điều hành cho phù hợp giữa lợi ích của ba bên.

 

Cũng liên quan đến vấn đề này, trả lời báo chí, ông Bùi Văn Nam - Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan, sớm đưa ra cách khắc phục cách tính thuế để cân bằng lợi ích của nhà nước – người dân – doanh nghiệp. Ông này cũng cho biết, cơ quan thuế cũng đã lên kế hoạch truy thu phần lợi từ chênh lệch thuế nhập khẩu kể trên với các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu đầu mối thông qua cơ quan quản lý thuế địa phương.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế ông Ngô Trí Long khẳng định, doanh nghiệp đầu mối đã lợi dụng sơ hở này để tính hưởng lợi, nếu áp mức thuế xăng dầu theo thực tế thì giá xăng dầu đã thấp hơn, và nền kinh tế được hưởng lợi. Ông Long cho rằng cần truy thu khoản lợi nhuận thu được từ doanh nghiệp thông qua cách bù nộp vào quỹ bình ổn xăng dầu.

Siết các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu

Thông tin với báo chí mới đây, Bộ Tài chính cho biết, theo quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu là giá để làm căn cứ điều hành giá xăng dầu trong nước, trong đó thuế nhập khẩu để tính giá được căn cứ vào thuế MFN. 

Giá cơ sở xăng dầu không phải là giá do Nhà nước ấn định hoặc phê duyệt cho từng doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối. Căn cứ giá cơ sở xăng dầu và mức sử dụng Quỹ BOG (nếu có), các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu được điều chỉnh giá (tăng/giảm) theo nguyên tắc, trình tự, thủ tục quy định nhưng không cao hơn giá cơ sở do Liên Bộ Công Thương - Tài chính công bố. 

 

Bộ Tài chính cũng cho biết, theo xu hướng hội nhập, có nhiều mức thuế như FTAs, ATIGA, MFN. Do vậy, Bộ này đang nghiên cứu để điều tiết, khắc phục chênh lệch trong giá cơ sở (nếu áp dụng các mức thuế khác nhau). Bộ Tài chính sẽ phối hợp Bộ Công Thương để có hướng dẫn cụ thể trong thời gian tới.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng cho biết, để tránh gian lận thương mại trong khâu nhập khẩu với các mức thuế khác nhau, Bộ này đã giao cơ quan hải quan tăng cường kiểm tra khâu nhập khẩu xăng dầu, đặc biệt là đối với các lô hàng có C/O từ các nước ASEAN, Hàn Quốc,...tránh gian lận thương mại, gây thiệt hại cho Nhà nước và người tiêu dùng.

Nên đọc



Hòa Hậu (t/h)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo