Xã hội

Người dân Hà Nội xếp hàng chờ vét nước sạch

Thiếu nước sinh hoạt, người dân khu chung cư phải xách từng xô nước xuống bể ngầm vét nước tồn đọng để dùng.

Đi học, đi làm về, người dân hai tòa chung cư N09B1 và N09B2 đều phải ra ngó bể xem có bơm nước hay không.

 

Vừa trông cháu, chốc chốc bà Thủy (54 tuổi), sống ở chung cư B2 lại chạy về phía bể nước dưới sân để ngó nước chảy. Khi nghe tiếng máy bơm, nhiều người hai tay hai xô sẵn sàng xuống xách nước. Gia đình bà Thủy sống ở tầng 20 của tòa nhà. Cả tuần nay 3 người lớn và 2 đứa trẻ con toàn ăn hàng bởi không có nước nấu cơm. Vợ chồng con gái đi làm về là ra siêu thị mua nước về tắm hoặc phải đi tắm nhờ nhà người quen ở khu vực khác. Hai đứa cháu mới 2 tuổi và 4 tháng tuổi rôm sảy đầy người vì không được tắm thường xuyên.

 

Trong nhà bà Thủy, xô, chậu, nồi niêu đều được huy động để hứng nước, bày la liệt trong nhà tắm như bán đồ hàng. Mất nước kéo dài khiến các gia đình đều sắm thêm thùng, chậu để tích trữ. Giá các món đồ này cũng vì thế mà tăng lên, một thùng đựng nước 120 lít tuần trước bà Thủy mua với giá 190.000 đồng thì nay đã tăng lên đến 220.000 đồng.

 

"Chúng tôi nhiều lần kiến nghị ban quản lý tòa nhà để được giải quyết nhưng không khả quan. Vẫn biết mùa hè thì việc mất nước là chuyện bình thường nhưng cùng lắm chỉ vài ba ngày thôi chứ mất cả tuần thì không ai chịu nổi", bà nói.

 

Vợ chồng con gái thứ hai đi làm tối mịt mới về, bà Hồ Thị Xuân (67 tuổi) cùng con gái đầu phải đi từ Phương Mai sang tận Cầu Giấy để hứng nước sinh hoạt hàng ngày cho con. Đều đặn mấy ngày nay, bà phải xách hoặc gánh nước từ bể ngầm lên tầng 11 khiến bệnh khớp tái phát.

 

"Có ngày thiếu nước trầm trọng, toàn bộ cư dân ở hai tòa nhà phải xách từng xô xuống bể ngầm vét nước tồn đọng để dùng. Người trong nhà dặn nhau muốn đi vệ sinh thì phải tranh thủ ở cơ quan hoặc ở trường, về nhà thì không có nước", bà Xuân cho hay.

 

Tổ trưởng tổ dân phố 38, ông Mai Thế Hồng thông tin, sau khi tình trạng trên diễn ra, Ban quản trị hai tòa nhà đã lên gặp Ban quản lý dự án là Công ty cổ phần phát triển đô thị Từ Liêm để tìm hiểu nguyên do và tìm cách khắc phục.

 

"Chúng tôi làm việc với Ban quản lý dự án thì được thông tin là do nhà máy nước cấp thiếu nước. Tìm đến Xí nghiệp nước sạch Cầu Giấy thì họ trả lời là đã cấp đủ cho dự án đó rồi. Tổ dân phố báo cáo lên cả lãnh đạo phường nhưng cũng chỉ tác động đến các nơi chứ không thể giải quyết. Sau khi làm việc với các bên thì hai ngày hôm nay lượng nước có tăng lên được một chút nhưng vẫn chưa thấm vào đâu so với thời tiết nóng bức. Người dân đã tìm đến hết các cửa nhưng cũng không được giải quyết. Nếu cứ kéo dài thêm vài ngày nữa chắc người dân sẽ làm rùm beng lên", ông Hồng nói.

 

Hàng ngày, người của Ban quản trị tòa nhà phải canh chừng ở bể nước để phân phối nước cho các hộ gia đình vì nhà này dùng nhiều hơn thì hộ kia sẽ không có nước dùng. Cùng chung cảnh khổ nên người dân không có ý kiến gì về việc phân phối nước nhưng họ bức xúc khi sống giữa trung tâm thành phố mà không có nước dùng nhiều ngày liền.

 

Trao đổi với VnExpress, ông Tô Thành Tâm, đại diện Ban quản trị tòa nhà cho biết, tình trạng khan hiếm nước sinh hoạt ở đây xảy ra từ sau Tết nguyên đán tới nay. Ban quản trị đã nhiều lần làm việc với Xí nghiệp nước sạch quận Cầu Giấy nhưng không tiến triển.

 

"Xí nghiệp cử cán bộ xuống làm việc hai lần, họ đều nói đã cung cấp đủ lượng nước cho 2 tòa nhà khi so sánh lượng nước cung cấp năm trước và năm nay. Trong khi nhu cầu sử dụng nước càng tăng vì lượng cư dân về nhiều hơn so với các năm trước. Thực tế, trong hai tháng gần đây, lượng nước xí nghiệp cung cấp cho tòa nhà không đủ, việc cấp nước không những không tăng mà ngày càng thiếu", ông Tâm nói.

 

Ngày 16/4, sau 3 ngày liên tục không có nước dùng, Ban quản trị hai tòa nhà B1 và B2 quyết định mua 20 xe nước, tổng cộng 120 m3 đổ xuống bể để người dân dùng. Tổng số tiền mua nước là 21 triệu đồng từ tiền người dân đóng góp.

Theo vnexpress
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo