Người dân khốn đốn do nhà máy gây ô nhiễm
Lượng vi khuẩn vượt mức quy định
Theo ông Thân, nhà máy tuyển rửa cát thuộc Minexco hoạt động từ năm 1998, có công suất 80.000 tấn sản phẩm/năm; cát được tận thu trên địa bàn, sau đó được nhà máy tuyển, rửa để xuất khẩu. Khi lực lượng cảnh sát môi trường kiểm tra, nhà máy này đang xả lượng lớn nước thải có màu đục ra môi trường. “Bước đầu nhà máy đã thừa nhận xả nước thải vượt mức cho phép.
Mẫu nước chúng tôi lấy đi kiểm nghiệm có chất lơ lửng lẫn với bùn, cát rất nhiều. Do hệ thống xử lý của nhà máy bị quá tải, không xử lý lắng lọc kịp, nên bùn, cát đã bồi lấp ruộng đồng của người dân. Chúng tôi sẽ kiểm tra mức độ ảnh hưởng, gây thiệt hại cho người dân do nhà máy này gây nên”, ông Thân nói.
Theo ông Thân, năm 2011, sở Tài nguyên và môi trường đã kiểm tra nhà máy và phát hiện một số chất rắn lơ lửng và lượng vi khuẩn coliform vượt mức quy định, trong đó lượng khuẩn coliform vượt hơn 220 lần mức cho phép.
Trong khi đó, ông Mai Văn Thắng, phó giám đốc sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Khánh Hoà, cho biết, đoàn kiểm tra thuộc sở cũng vừa vào xã Cam Thành Bắc để kiểm tra việc xả thải của nhà máy này.
“Doanh nghiệp này năm ngoái đã bị kiểm tra, xử lý rồi. Đây là một doanh nghiệp lớn, có cổ phần chi phối của nhà nước, tuy nhiên, nếu doanh nghiệp vi phạm gây ô nhiễm môi trường, chúng tôi sẽ kiến nghị tỉnh có biện pháp xử lý”, ông Thắng nói.
Nguy cơ sa mạc hoá đồng ruộng
Tại những kênh mương, đồng ruộng ở xã Cam Thành Bắc, huyện Cam Lâm, nước luôn có màu đục ngầu của bùn cát. Dòng nước đục ngầu bắt nguồn từ nhà máy tuyển rửa cát của Minexco chảy theo kênh mương nội đồng dài khoảng 5km của cư dân địa phương.
Do bùn thải màu trắng phủ kín ruộng đồng của nhân dân, lắng đọng tạo thành lớp bêtông chai cứng, làm cho nhiều đám ruộng tại thôn Tân Phú phải bị bỏ hoang.
Bà Phạm Thị Hoa, thôn Tân Phú, xã Cam Thành Bắc, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hoà bức xúc: “Nhà tôi có ba sào rưỡi ruộng, vừa qua, nhà máy xả thải làm nước đục vô ruộng, nên tôi phải bỏ ra hết sáu triệu đồng để cải tạo đất, nhưng lượng bùn cứ tràn vào làm đất chai cứng, lúa sạ xuống không thể nảy mầm, đồng ruộng của tôi phải bỏ hoang”.
Sau khi chảy qua các kênh mương nội đồng, dòng nước đục ngầu do nhà máy tuyển rửa cát Cam Thành Bắc thải ra đã xả thẳng ra đầm Thuỷ Triều, tại cống xả thôn Suối Cam, nơi nuôi trồng thuỷ sản của hàng trăm hộ dân, khiến cho nhiều hộ dân đã phải bỏ hoang ruộng đồng, ao đìa, những hộ cố làm thì năng suất bị sụt giảm hơn một nửa.
Theo ông Lê Quang Hùng, chủ tịch UBND xã Cam Thành Bắc, 30 hộ dân đã gửi đơn khiếu kiện lên cấp trên phản ảnh về việc nhà máy tuyển rửa cát gây ô nhiễm; chính quyền địa phương cũng đã nhiều lần nhắc nhở nhà máy này do họ đã xả nước thải chưa qua xử lý gây ô nhiễm 70ha đất nông nghiệp và hàng chục hecta đìa nuôi thuỷ sản, thế nhưng, đến nay, nhà máy vẫn chưa khắc phục, gây bức xúc cho người dân.
“Nếu nhà máy này cứ tiếp tục xả nước thải chưa qua xử lý, thì không bao lâu, sẽ dẫn đến tình trạng sa mạc hoá đồng ruộng của người dân”, ông Hùng nói.
Trong khi đó, trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Văn Thuận, phó tổng giám đốc công ty Minexco, lại cho rằng nước thải của nhà máy có lẫn phù sa, tốt cho ruộng đồng; nước do nhà máy thải ra không gây ô nhiễm cho môi trường, có thể phục vụ tốt cho cây trồng (!?)
Theo SGTT
End of content
Không có tin nào tiếp theo