Môi trường

Người dân thủ đô khốn khổ với dòng sông "chết"

Người dân ở xã Sơn Đồng (Hoài Đức - Hà Nội) phải chịu mùi hôi thối bốc lên từ dòng kênh “chết”. Phía dưới lòng kênh, dòng nước đen ngòm, đặc quánh, rác rưởi thi nhau nổi lềnh bềnh.

 Trong nhiều năm qua, người dân ở xã Sơn Đồng (Hoài Đức – Hà Nội) phải chung sống trong môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng do con kênh T2 chảy qua xã là điểm tập kết rác thải và nước thải từ cơ sở chế biến nông sản của các xã lân cận. 

 

Anh Nguyễn Khánh Dũng, nhà làm gỗ ở gần kênh T2 bày tỏ: Dịp này là còn đỡ mùi đấy, chứ vào những tháng đầu năm và cuối năm. Nhiều khi chúng tôi phải căng bạt quanh bờ kênh để hạn chế mùi ô nhiễm nhưng cũng chẳng ăn thua. 

 
Ông Nguyễn Đăng Quyên – Phó Chủ nhiệm HTX Dịch vụ Nông nghiệp xã Sơn Đồng cho biết: Năm này qua năm khác, cả làng như “chết dần chết mòn” trong ô nhiễm. Không còn cách nào khác, người dân chỉ biết đóng cửa im ỉm cả ngày lẫn đêm để hạn chế phần nào mùi hôi thối bốc lên từ kênh.
 
Phía dưới lòng kênh, dòng nước đen ngòm, đặc quánh.
 
Tiếp lời ông Quyên, bà Nguyễn Thị Tình, người dân xã Sơn Đồng than thở: Vào mùa sản xuất sắn, miến cao điểm của các xã lân cận như: Minh Khai, Dương Liễu, Cát Quế, nước kênh đen và đặc quánh, mùi hôi thối bay vào tận trong làng. 
 
 
Theo bà Tình và nhiều người dân trong xã Sơn Đồng thì trong các cuộc họp tiếp xúc cử tri, rất nhiều người dân đã phản ánh về tình trạng ô nhiễm của kênh T2 lên chính quyền địa phương, nhưng không biết vì lý do gì mà đến nay tình trạng này vẫn chưa được giải quyết. 
 
 
Ông Nguyễn Khánh Tỵ, Trưởng thôn Đông, xã Sơn Đồng cho biết: Kênh T2 ô nhiễm đã từ lâu lắm rồi! Nguyên nhân là do quá trình sản xuất của các làng nghề chế biến nông sản như miến dong, bột sắn ở các xã Minh Khai, Dương Liễu, Cát Quế. Dân kiến nghị nhiều lần lên chính quyền các cấp, họ hứa sẽ làm nhà máy xử lý nước thải nhưng đến nay vẫn “biệt tăm”.
 
 
Không riêng gì ông Tỵ, hầu hết người dân ở xã Sơn Đồng đều khẳng định rằng, nguồn nước ở kênh T2 bị ô nhiễm là do chất thải có chứa hóa chất độc hại của các làng nghề ở các xã lân cận.
 
 
Rác rưởi thi nhau nổi lềnh bềnh.
 
 
Theo bà Bá Thị Xuân, một người dân ở xã Sơn Đồng thì từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau (tính theo lịch âm) là thời điểm lòng kênh bị ô nhiễm nặng nhất. Bà Xuân ngậm ngùi kể: Lúc đó làng nghề họ sản xuất nhiều, lại là mùa khô, ít mưa, trạm bơm cũng ít hoạt động nên nước thải không chảy đi đâu được, cứ ùn ứ lại, sau đó ngấm sâu vào đất, khiến nguồn nước sinh hoạt của xã bị ô nhiễm. 
 
Ông Nguyễn Trung Đa – Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Đồng xác nhận, việc dòng kênh chảy qua xã Sơn Đồng bị ô nhiễm do chất thải của các làng nghề tại các xã lân cận là có thật. Tuy nhiên, do thẩm quyền của chính quyền xã có hạn nên không thể xử lý được tình trạng này. Hiện tại, thành phố có kế hoạch cho xây dựng nhà máy xử lý nước thải với tổng diện tích 5.386,5 m2 và công suất 8.000 m3/ngày đêm trên địa bàn xã Sơn Đồng. Dự án đã tổ chức thu hồi đất, bồi thường cho nhân dân, đang trong thời gian chuẩn bị thực thi.
 
Trước mắt, trong thời gian chờ nhà máy xử lý nước thải được xây dựng xong, chính quyền xã Sơn Đồng tiếp tục vận động, tuyên truyền đến người dân ý thức bảo vệ môi trường, không xả thải bừa bãi ra kênh; đồng thời, đề nghị UBND huyện Hoài Đức chỉ đạo thực hiện thau rửa kênh T2 thường xuyên nhằm giảm ô nhiễm. 
 
Cả chính quyền và gần 10.000 người dân xã Sơn Đồng đều mong mỏi, biệt danh “làng ung thư” sẽ sớm đi vào dĩ vãng.
Thành Sen
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo